Đức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô-tô ở Đức.
PHÁT biểu tại một cuộc họp báo mới diễn ra ở thủ đô Berlin, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức P.Altmaier cho biết, Chính phủ Đức hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) xuống còn 0,5% trong năm 2019. Cuối tháng 1 vừa qua, Berlin đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức năm 2019 từ mức 1,8% xuống còn 1%. Trước đó, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố số liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2018 đã giảm xuống còn 1,5% từ mức tăng mạnh 2,2% của năm 2017. Ông P.Altmaier nhận định, dù có nhiều triển vọng phục hồi đáng kể song kinh tế Đức vẫn chưa vượt qua được tình trạng yếu kém kể từ giữa năm 2018.
Chính phủ Đức phải giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 do ảnh hưởng của những khó khăn, thách thức ở cả trong và ngoài nước. Trong nước, việc sản xuất, vận chuyển và xuất khẩu hàng hóa trong lĩnh vực công nghiệp của Đức bị hạn chế và đang có dấu hiệu suy giảm. Những quy trình kiểm định khắt khe với các hãng chế tạo ô-tô liên quan vụ bê bối gian lận khí thải khiến ngành sản xuất ô-tô Đức gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo số liệu của Destatis, xuất khẩu chiếm gần một nửa giá trị nền kinh tế và ô-tô vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đức. Bên cạnh đó, mực nước thấp trên sông Ranh do nắng nóng kéo dài đã làm giảm số lượng các sà-lan vận chuyển hàng hóa qua khu vực này. Ngoài ra, những thách thức về cơ cấu bao gồm già hóa dân số, thiếu vốn đầu tư công vào kết cấu hạ tầng và đổi mới công nghệ cao cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Đức.
Trong khi đó, các nguyên nhân bên ngoài như tiến trình Brexit chưa đạt tiến triển, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với EU và Trung Quốc tác động đến kinh tế không chỉ ở Đức mà của cả khu vực. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm mạnh mức dự báo tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2019 xuống còn 1,3%, thấp hơn 0,3% so con số được đưa ra hồi tháng 1. IMF cũng hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Đức năm 2019 xuống mức 0,8%. Đối với việc thời điểm Anh rời EU tiếp tục được gia hạn, các liên đoàn công nghiệp Đức đều hoan nghênh quyết định này song vẫn cảnh báo, một kịch bản Brexit không chắc chắn vẫn là một thách thức. Trong khi đó, Hiệp hội các ngân hàng hợp tác của Đức (BVR) cho rằng, bối cảnh hiện nay đang tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư.
Đức đang bước vào năm tăng trưởng thứ 10 liên tiếp và quãng tăng trưởng kinh tế dài nhất kể từ những năm 60 của thế kỷ trước. Một số chuyên gia dự báo, nền kinh tế Đức vẫn được hưởng lợi từ các yếu tố như nhu cầu tiêu thụ trong nước cao và chỉ số thất nghiệp có xu hướng giảm. Bởi vậy, kinh tế Đức vẫn duy trì được đà tăng trưởng dù mức tăng trưởng năm 2019 sẽ thấp hơn các năm trước đó. Berlin cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế Đức sẽ phục hồi và đạt mức 1,5% trong năm 2020. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, các tác động tiêu cực trong và ngoài nước sẽ khiến kinh tế Đức đối mặt nguy cơ giảm tăng trưởng trong thời gian tới và có thể chấm dứt mười năm tăng trưởng liên tiếp.
Người phát ngôn của Chính phủ Đức kỳ vọng, ngân sách bền vững và sự gia tăng đầu tư sẽ cải thiện tình hình khó khăn, đem lại triển vọng phát triển kinh tế trong những năm tới mà không cần các gói kích thích tăng trưởng. Theo ông P.Altmaier, để phục hồi đà tăng trưởng, quốc gia đầu tàu EU cần tiến hành cải cách về thuế và thúc đẩy phát triển công nghệ trong tương lai, đồng thời hạn chế các chính sách gây gánh nặng cho nền kinh tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()