Đức: Gần 9000 trẻ tị nạn mất tích
Cảnh sát liên bang Đức cho biết, số trẻ em tị nạn mất tích tại nước này đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay. Hầu hết các em trong độ tuổi 14-17.
Theo báo cáo của Cục Hình sự liên bang Đức (BKA), trong 6 tháng đầu năm 2016, số trẻ tị nạn mất tích ở Đức đã lên tới 8.991 em. Con số này nhiều gấp đôi so với số liệu tháng 1/2016 – thời điểm có 4.749 trẻ tị nạn được thông báo đã mất tích.
Các trường hợp trẻ em tị nạn mất tích đều không có bố mẹ đi cùng tới Đức và đa phần ở độ tuổi từ 14-17, chỉ có 867 em là dưới 13 tuổi. Tuy nhiên, BKA cho biết phần lớn các trường hợp mất tích không liên quan tới các tổ chức tội phạm.
Theo quy định, khi một đứa trẻ không có người lớn đi kèm biến mất khỏi một cơ sở tiếp nhận, nhà trách trách phải khai báo với cảnh sát, song thực tế nhiều trường hợp trẻ chủ ý trốn đi để đến với họ hàng hoặc người thân ở các thành phố khác tại Đức hoặc một nước châu Âu khác mà không thông báo với cơ sở.
Cơ quan cảnh sát châu Âu Europol hồi tháng 2 ước tính có ít nhất 10.000 trẻ em tị nạn không người lớn đi kèm đã “biến mất” sau khi đặt chân vào lãnh thổ châu Âu. Gần đây, cơ quan này cho biết con số đó đã tăng lên nhiều. |
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trẻ em di cư đăng ký nhập nhiều trại tị nạn cùng lúc, song sau đó chỉ ở một trại, hoặc viết họ/tên khác nhau ở các trại cũng dẫn tới tình trạng “mất tích” số lượng lớn như trên.
Theo báo cáo của BKA, phần lớn các trường hợp trẻ tị nạn biến mất đến từ Afghanistan, Syria, Somalia, Eritrea, Maroc và Algeria.
Hiện người di cư vẫn tiếp tục đổ tới Đức, dù số lượng đã giảm mạnh so với một năm trước đó. Văn phòng Liên bang về người di cư và tị nạn của Đức (BAMF) hôm 28/8 thông báo Berlin dự tính có tối đa 300.000 người xin tị nạn sẽ tới nước này trong năm nay, chưa bằng 1/3 so với tổng số người xin tị nạn ở Đức năm 2015.
Người đứng đầu BAMF Frank-Juergen Weise tuyên bố nhà chức trách Đức đang chuẩn bị cho việc tiếp nhận từ 250.000-300.000 người tị nạn trong năm nay. Đức có thể bảo đảm các dịch vụ tốt nhất cho tối đa 300.000 người, nhưng nếu con số nhiều hơn sẽ dẫn tới khủng hoảng.
Năm 2015, Đức đã đăng ký tiếp nhận khoảng 1,1 triệu người tị nạn. Chính sách “mở cửa” đón người tị nạn của Thủ tướng Angela Merkel vấp phải sự chỉ trích của dư luận trong nước và nhiều chính trị gia đối lập. Hàng loạt vụ gây rối và tấn công khủng bố gần đây do các đối tượng người nhập cư gây ra tại Đức đã khiến uy tín của bà Merkel bị sụt giảm.
Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Đức, chỉ còn 47% số người được hỏi hài lòng với công việc của nữ thủ tướng, đặc biệt tỉ lệ ủng hộ chính sách tị nạn của bà Merkel giảm xuống chỉ còn 34%.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()