Đức: Đại diện các đảng đàm phán về người tị nạn sau vụ tấn công ở Solingen
Cuộc họp diễn ra sau vụ tấn công bằng dao khiến 3 người thiệt mạng và 8 người bị thương tại thành phố Solingen ở phía Tây nước Đức ngày 23/8, cùng một số vụ việc tương tự khác đã xảy ra gần đây.
Theo phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Liên bang Đức, chiều 3/9, các nhà lãnh đạo liên bang, bang và phe đối lập chính tại Đức nhóm họp tại Bộ Nội vụ ở Berlin để thảo luận gói giải pháp an ninh mới do chính phủ liên bang đề xuất hồi tuần trước và các vấn đề liên quan khác.
Thủ tướng Olaf Scholz sẽ không tham dự họp nhưng các bộ trưởng có liên quan trong chính phủ của ông và đại diện các đảng trong liên minh cầm quyền đều tham dự. Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser (thuộc đảng Dân chủ Xã hội-SPD của Thủ tướng Scholz) chủ trì cuộc họp, với sự tham gia của Bộ trưởng Tư pháp Marco Buschmann (đảng Dân chủ Tự do-FDP) và Ngoại trưởng Annalena Baerbock (đảng Xanh).
Nghị sỹ Thorsten Frei, thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trung hữu, lãnh đạo phe đối lập ở cấp quốc gia và Nghị sỹ Andrea Lindholz (thuộc đảng chị em Bavaria của CDU là CSU) cũng tham dự.
Cùng với đó là các đại diện lãnh đạo của 16 chính quyền các bang của Đức cũng được mời.
Cuộc họp diễn ra sau vụ tấn công bằng dao khiến 3 người thiệt mạng và 8 người bị thương ngày 23/8 tại thành phố Solingen ở phía Tây nước Đức, cùng một số vụ việc tương tự khác xảy ra trong những tuần và tháng gần đây.
Cuộc đàm phán này cũng diễn ra 2 ngày sau thành công đáng chú ý của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) chống di cư trong các cuộc bầu cử nghị viện ở hai bang phía Đông Thuringia (Thüringen) và Saxony (Sachsen).
Nghi phạm trong đâm dao ở Solingen là một công dân Syria đã bị cáo buộc là phần tử Hồi giáo cực đoan, người mà chính quyền đã có kế hoạch trục xuất từ cách đây một năm nhưng đã trốn thoát.
Các nhà điều tra cho biết nghi phạm đã nhận tội trong quá trình thẩm vấn.
Tuần trước, chính phủ của Thủ tướng Scholz đã đề xuất siết chặt quy định về việc mang theo dao ở nơi công cộng, thay đổi quyền lợi cho người xin tị nạn và tăng thêm quyền hạn cho cảnh sát để giải quyết các mối đe dọa Hồi giáo.
Vụ việc ở Solingen cũng thúc đẩy các nhà chức trách Đức trục xuất 28 người tị nạn Afghanistan phạm tội hình sự trong những ngày ngay sau đó./.
Ý kiến ()