Đức cảnh giác trước hiện tượng làm giả chứng nhận tiêm chủng vaccine
Việc làm giả giấy chứng nhận tiêm chủng hay “hộ chiếu vaccine” là rất dễ dàng, bởi có thể mua hợp pháp sổ tiêm chủng mới trên mạng, trong khi con dấu bác sỹ cũng có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng.
Trong bối cảnh những người được tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 sẽ được hưởng một số quyền tự do hơn, tại Đức đã xuất hiện các chứng nhận tiêm chủng giả.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Cục Hình sự liên bang Đức (BKA) ngày 29/5 cho biết tại nước này đã xuất hiện những chứng nhận tiêm chủng giả đầu tiên và xu hướng làm giả chứng nhận tiêm chủng đang ngày càng gia tăng.
Theo BKA, nếu so sánh với việc làm giả giấy tờ cá nhân thì quy mô giả mạo giấy chứng nhận tiêm chủng mới chỉ là một “hiện tượng nhỏ,” song nhu cầu đang gia tăng khi chính quyền thực hiện nới lỏng quy định phòng dịch với những người đã tiêm chủng.
Cơ quan Công tố thành phố München cho biết chứng nhận tiêm chủng hiện đang là thứ hàng hóa bị làm giả “sốt dẻo” nhất, trong đó giấy chứng nhận tiêm chủng giả với các vaccine đã được phê duyệt được chào bán với giá dao động tùy theo ưu đãi và số lượng chứng nhận đặt mua.
Việc làm giả hoàn toàn từ giấy chứng nhận tiêm chủng đến “hộ chiếu vaccine” là rất dễ dàng, bởi có thể dễ dàng mua hợp pháp sổ tiêm chủng mới trên mạng, trong khi các con dấu bác sỹ cũng có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng Internet.
Việc giả mạo số lô vaccine cũng không phải là trở ngại, bởi những người được tiêm chủng thực sự đã đăng các hình ảnh chứng nhận tiêm phòng của mình lên mạng và từ đó kẻ gian có thể khai thác số lô vaccine mà họ đã được tiêm để dùng cho việc làm giả.
Tại Đức, những người đã được tiêm chủng và có giấy chứng nhận đã tiêm đủ có thể dễ dàng đi lại mua bán, làm tóc hay tới các nhà hàng.
Tuy nhiên, Đức cũng đã có quy định chặt chẽ, trong đó trừng phạt nghiêm các hình thức làm giả giấy tờ tiêm chủng, thậm chí người sử dụng giấy tờ tiêm chủng và xét nghiệm giả cũng sẽ chịu các mức phạt tương ứng.
Cụ thể, những người giả mạo hoặc sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng/xét nghiệm giả sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù tới một năm; người cung cấp thông tin sai lệch về dịch tễ cũng bị phạt tiền hoặc phạt tù tới 2 năm.
Trong bối cảnh này, việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số được đánh giá sẽ giúp hạn chế tốt hơn nạn làm giả chứng nhận tiêm chủng.
Dự kiến, chứng nhận tiêm chủng số sẽ bắt đầu được triển khai ở Đức cũng như các nước châu Âu khác từ đầu tháng 7 tới.
Chứng nhận tiêm chủng số là một mã QR hiển thị trên các thiết bị di động thông minh và cũng có thể in ra giấy.
Mã QR sẽ cho phép cơ quan chức năng theo dõi dữ liệu dịch tễ liên quan COVID-19 của một người để biết họ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay chưa, có được xét nghiệm trong thời gian gần đây hay không hoặc đã có kháng thể do từng nhiễm bệnh hay chưa.
Tính đến sáng 29/5, ít nhất 42,2% dân số Đức (trên 35 triệu người) đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó trên 17% đã được tiêm đủ liều (14,2 triệu người).
Vaccine được sử dụng chủ yếu là Pfizer/BioNTech với khoảng 36 triệu liều, tiếp đến là vaccine AstraZeneca (9 triệu liều), Moderna và Johnson&Johnson./.
Ý kiến ()