Đưa "voi sắt" lên Điện Biên Phủ
Trong buổi gặp mặt báo chí giới thiệu bộ sách "Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ", do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp Công ty Minh Thành (Nhà sách Thăng Long) tổ chức mới đây, tôi được gặp Đại tá, cựu chiến binh (CCB) Đỗ Sâm, chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nghe ông kể về một thời cùng đồng đội đưa "voi sắt"- trọng pháo 105 mm tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP).
Dù ở tuổi 83, mái tóc bạc trắng, nhưng Đại tá CCB Đỗ Sâm vẫn còn phong độ, nước da mồi, đôi mắt sáng và minh mẫn. Đầu năm 1950, tròn 19 tuổi, anh thanh niên Đỗ Sâm, ở thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội) tình nguyện lên đường nhập ngũ, về công tác tại Trường Thủy quân (Bộ Tổng Tham mưu), sau đó, được điều về Trung đoàn Pháo binh 45 Tất Thắng, Đại đoàn 351.
Đại tá CCB Đỗ Sâm hồ hởi kể: Tháng 8-1951 đến tháng 12-1952, tôi cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị được cử sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chỉnh huấn quân sự. Cuối năm 1952, Trung đoàn Pháo binh 45 Tất Thắng chúng tôi vừa kết thúc diễn tập bắn đạn thật xong, đồng chí Nguyễn Chí Thanh thay mặt Bộ Quốc phòng sang chỉ thị cho đơn vị ăn Tết trước để về nước chuẩn bị đi chiến đấu. Trước khi về nước, Trung đoàn chúng tôi nhận được từ phía bạn Trung Quốc 20 khẩu trọng pháo 105 mm và hơn 30 chiếc ô-tô, cùng trang, thiết bị đi kèm.
Điều đáng nhớ là, những khẩu pháo và ô-tô này đều do Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc thu được của quân Tưởng Giới Thạch, chuyển từ phía bắc xuống. Mỗi chiếc ô-tô, khẩu pháo được bạn bàn giao cẩn thận, có lý lịch rõ ràng (thu được của quân Tưởng Giới Thạch trong trận nào, ở đâu…) để mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị biết và có trách nhiệm giữ gìn xe, pháo cẩn thận.
Thực hiện chỉ thị của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trung đoàn chúng tôi tổ chức ăn Tết dương lịch (1-1-1953), tại Trung Quốc. Ngày 25-1-1953, từ thị trấn Sin-an-sô, đơn vị chúng tôi hành quân cơ giới qua huyện Mông Tự (Vân Nam-Trung Quốc) về Bảo Hà (Lào Cai). Vì ngày ấy tuyến đường quốc lộ từ Lào Cai về Yên Bái toàn bộ cầu, cống bị máy bay giặc Pháp đánh bom phá hỏng, cho nên không thể về theo đường bộ được. Bộ Chỉ huy hành quân quyết định: tháo toàn bộ số xe, pháo kể trên chuyển về theo đường sông; bộ đội trinh sát, thông tin, cảnh vệ hầu hết hành quân bộ vượt núi, cắt rừng để về, còn pháo thủ và lái xe về theo đường sông cùng xe, pháo. Mỗi “chú voi sắt” nặng hơn hai tấn, được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn “mổ xẻ” ra thành nhiều bộ phận riêng: nòng, càng, máng trượt, bánh xe; nòng và đạn chở bằng thuyền, một số đi bè. Mỗi xe ô-tô nặng hơn năm tấn được tháo rời: đầu và khung xe; thùng xe và các bộ phận phụ đi cùng được chuyển bằng bè; thuyền, bè và người lái do các địa phương ven sông của tỉnh Lào Cai, Yên Bái bảo đảm. Dân công các tỉnh kể trên đã không quản ngày, đêm lên rừng chặt vầu, nứa to đóng thành bè, mỗi bè chở hơn một tấn, cứ hai bè nối liền nhau thành một cặp bè, chở được gần một xe ô-tô…
Từ bến Thip (Bảo Hà-Lào Cai), bộ đội cùng dân công đưa xe, pháo lên thuyền, bè, rồi xuôi theo dòng sông Thao về bến Âu Lâu (Yên Bái). Để giữ bí mật, chúng tôi cứ đêm đi, ngày nghỉ. Mỗi chuyến đi từ bốn đến sáu ngày, rất gian nan, vì thuyền, bè phải vượt qua nhiều thác, gềnh: Miệng Hổ, thác Ma, Hòn Nhược, Vật Cối Xay… nước chảy xiết, nếu không mưu trí chèo lái, thuyền, bè sẽ bị thác, ghềnh phá tan. Bộ đội Trung đoàn và dân công đã nêu cao trách nhiệm, vượt mọi khó khăn để đưa xe, pháo cập bến bảo đảm an toàn. Khi thuyền, bè cập bến Âu Lâu, đơn vị nhanh chóng tổ chức đưa xe, pháo lên bờ lắp lại, rồi kéo về hậu cứ ở Bắc Quang, Bắc Mục (khu vực giữa Tuyên Quang và Hà Giang). Đến ngày 30-4-1953, Trung đoàn Pháo binh 45 Tất Thắng chúng tôi hoàn thành cuộc hành quân, vận chuyển số xe, pháo về hậu cứ đúng quy định… Khi Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đến kiểm tra Trung đoàn, thấy toàn bộ xe, pháo của đơn vị chuyển về bảo đảm an toàn trong công sự, ông tấm tắc khen: “Thật là một cuộc hành quân sáng tạo và táo bạo chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới”.
Trong chiến dịch ĐBP, Trung đoàn Pháo binh 45 Tất Thắng, Đại đoàn 351 tham gia chiến đấu từ ngày đầu. Từ lúc đơn vị triển khai kế hoạch tác chiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch, theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, kéo pháo vào trận địa; rồi chuyển sang thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, lại kéo pháo ra… Một kỷ niệm không quên đối với cán bộ, chiến sĩ đơn vị là: Kéo pháo vào đã khó, song kéo pháo ra còn gian khổ gấp bội phần. Vì kéo pháo ra, đường kéo pháo nhiều đoạn đã bị lộ, lá ngụy trang pháo bị úa vàng từng mảng, dây thừng sau nhiều ngày đêm chịu đựng đã bị sờn, ải; bộ đội thì mệt mỏi và đói ngủ… Trong khi đó, máy bay trinh sát của địch suốt ngày quần lượn, chỉ điểm cho pháo binh bắn vào chỗ nghi ngờ. Trong chiến dịch ĐBP, lần đầu quân đội ta bất ngờ sử dụng một số lượng lớn trọng pháo 105 mm. Pháo có cỡ nòng 105 mm, tầm bắn xa nhất 11.100 m, sơ tốc lớn nhất 465 m/s, nặng 2.070 kg, tốc độ bắn trung bình sáu phát/phút… Do vậy, với tinh thần “tất cả để chiến thắng”, bộ đội Trung đoàn khắc phục mọi khó khăn, tuyệt đối giữ bí mật, có lệnh là nhanh chóng đưa “voi sắt” vào trận địa, sẵn sàng trút “bão lửa” tiêu diệt địch.
Trong chiến dịch ĐBP, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Pháo binh 45 Tất Thắng, Đại đoàn 351 cùng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, nhất là các đơn vị pháo binh ta vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ, chiến đấu kiên cường, dũng cảm ngay từ ngày đầu, trận đầu đến kết thúc chiến dịch, góp phần cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng ĐBP “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()