Thứ 6, 22/11/2024 13:37 [(GMT +7)]
Đưa trò chơi dân gian vào trường học: những hiệu quả thiết thực
Thứ 5, 03/06/2010 | 08:48:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Là một sinh hoạt văn hóa do nhân dân ta sáng tạo ra trong quá trình lao động, sản xuất, trò chơi dân gian (TCDG) được lưu truyền một cách tự nhiên và rộng rãi trong xã hội. Thực tế cho thấy, TCDG không đơn giản là trò chơi của con trẻ, mà nó chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam phong phú, giàu bản sắc. Chính vì thế, việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy các TCDG trong xã hội hiện đại rất cần thiết.
Hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, từ năm học 2008 – 2009, tất cả các trường học trong tỉnh đã tổ chức đưa TCDG vào trường học như một hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh, qua đó đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực.
Học mà chơi, chơi mà học
TCDG có thể chơi mọi lúc, mọi nơi với những dụng cụ dễ kiếm, dễ làm nên rất thuận lợi khi áp dụng với các đối tượng HS trong trường học. Hơn thế nữa, thông qua những TCDG, các em vừa có được sân chơi bổ ích, vui vẻ, vừa rèn luyện được kỹ năng sống và học tập một cách hiệu quả. Cô Vi Thị Ngâm, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Chi Lăng cho biết: sau các giờ học, trong giờ thể dục hay hoạt động ngoại khóa, các buổi sinh hoạt đoàn, đội, nhà trường đều tổ chức các trò chơi như: kéo co, ném còn, nhảy bao, nhảy dây, đá cầu, múa sư tử… thu hút sự tham gia, cổ vũ của tất cả HS trong trường. Nhờ vậy mà các em HS đã có điều kiện tham gia các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội. Nhà trường coi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tiêu cực xâm nhập vào học đường.
Điểm qua các TCDG được các em chơi nhiều nhất chúng ta đều thấy hiệu quả mà nó đem lại. Nếu trò chơi kéo co rèn luyện cho các em thể lực tốt và thể hiện tinh thần thượng võ, thì trò chơi rồng rắn lên mây, cướp cờ lại rèn sự khéo léo, nhanh nhẹn, khả năng đối đáp và phát huy tinh thần đoàn kết tập thể; Nếu trò chơi đẩy gậy buộc các em phải có sức khỏe, biết tận dụng thời cơ, thì trò chơi ô ăn quan lại nhẹ nhàng, cần sự kiên nhẫn, cầu kỳ…Cô Đỗ Thị Hoài Thu, giáo viên dạy Toán – Lý, tổng phụ trách Đội Trường THCS thị trấn Bắc Sơn chia sẻ: chúng tôi tích cực sưu tầm và tổ chức các TCDG không chỉ ngoài giờ học mà còn lồng ghép vào phần học tiếng Việt, câu, từ hay minh họa cho các tiết học Lịch sử… giúp HS học mà chơi một cách hiệu quả. Các TCDG thường kèm lời đồng dao (thể loại văn vần độc đáo của dân tộc Việt) nên rèn cho các em kỹ năng đọc diễn cảm, linh hoạt, thể hiện cảm xúc, vì thế nhiều em trong lớp ban đầu còn nhút nhát nhưng đã nhanh chóng hòa nhập với tập thể lớp, những giờ học căng thẳng trở nên thoải mái hơn mà vẫn hiệu quả.
Khó khăn và giải pháp
TCDG dễ tổ chức, dễ chơi, không tốn kém lại mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Nhưng không phải trường nào, lớp nào cũng áp dụng nó một cách hiệu quả. Vấn đề ở chỗ, do khoảng cách lịch sử khá lớn, nên các em HS chưa thực sự hiểu hết được ý nghĩa của các trò chơi. Nên nếu người tổ chức không khéo dễ dẫn đến tình trạng nhàm chán, không tạo được hứng thú cho các em HS. Kéo theo hệ quả, tổ chức nhiều trò chơi mà các em không nhiệt tình tham gia, cổ vũ.
Để các TCDG được tổ chức một cách hiệu quả, có lẽ các đơn vị trường học mà trực tiếp là những người quản trò phải lựa chọn trò chơi hợp lý, phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm riêng của HS trường mình. Không nên chỉ phổ biến suông mà cần khéo léo biến trò chơi thành các cuộc thi nhỏ mang tính chất vô tư, hồn nhiên, không căng thẳng và có sự động viên, khích lệ kịp thời.
Năm học 2009 – 2010 đã kết thúc, nhưng các TCDG đang và sẽ đồng hành cùng các em HS đến từng ngõ phố, thôn bản. Hi vọng rằng, trong những năm học tiếp theo, TCDG vẫn sẽ tiếp tục là “món ăn tinh thần” giúp HS có nhiều hứng thú khi đi học, để mỗi ngày đến lớp, đến trường là một ngày vui, góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa mang tính thể thao, trí tuệ trong các TCDG.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()