Đưa trò chơi dân gian vào trường học
Trò chơi dân gian được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đưa vào trường học mới gần một năm học nhưng đã được phổ biến, tổ chức ở hầu khắp các trường trên địa bàn tỉnh.
Học sinh Trường tiểu học Tam Hợp (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) thích thú với trò Ô ăn quan. |
Được sự đồng ý của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 10/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đưa trò chơi dân gian vào hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, hoạt động trong các ngày lễ, kỷ niệm.
Hướng dẫn của Sở rất đầy đủ, gồm tên trò chơi, cách chơi, luật chơi, gợi ý trò chơi ở mỗi cấp học. Ban đầu, ngành giáo dục tỉnh sưu tầm được 56 trò chơi dân gian, tuy nhiên qua rà soát nhiều trò chơi đã có trong chương trình giáo dục. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã lựa chọn 23 trò chơi phù hợp.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến, quá trình sưu tầm, soạn thảo luật chơi rất công phu. Chẳng hạn như trò chơi Chim bay, cò bay phải sưu tầm những câu đồng dao trêu ghẹo bạn. Trò này phù hợp với học sinh mầm non và tiểu học. Trong khi đó, trò chơi Ném vòng cổ chai phù hợp học sinh cả mầm non và phổ thông. Một số trò cần sự phối hợp tập thể như: Đua thuyền trên cạn, Khiêng kiệu, Trốn tìm, Đếm sao, Chơi chuyền, Cướp cờ…
Các trò khác không cần nhiều người chơi và người chơi phải thể hiện sự khéo léo như Ném lon, Ô ăn quan, Ném vòng cổ chai, Bịt mắt đánh trống… Các trò chơi dân gian mang tính sáng tạo cao và giúp tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Trò chơi không chỉ tăng cường tinh thần đoàn kết trong tập thể, góp phần xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, mà còn góp phần duy trì, bảo tồn văn hóa dân tộc.
Là địa phương đi đầu, tích cực đưa trò chơi dân gian vào trường học, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Xuyên Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, từ khi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc có hướng dẫn thì tất cả các trường của huyện đồng loạt triển khai, cùng với việc duy trì các câu lạc bộ cầu lông, bóng đá, đá cầu.
Ở nhiều trường, trò chơi dân gian được tích hợp vào môn giáo dục thể chất. Thầy, cô giáo phổ biến cách chơi, luật chơi. Môn giáo dục thể chất khá đơn điệu cho nên khi bổ sung các trò chơi sẽ làm cho tiết học thêm sinh động, học sinh đều hào hứng tham gia chơi. Trong khi đó, một số trường tổ chức trò chơi vào giữa giờ, tạo hứng thú cho học sinh. Đặc biệt, vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn, các trường đều tổ chức trò chơi dân gian, có đánh giá, xếp loại thành tích và trao thưởng.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Tam Hợp (huyện Bình Xuyên) Trần Thị Tố Oanh cho biết, các trò chơi dân gian giúp học sinh rèn luyện thể chất, phát triển tư duy và phẩm chất, năng lực, tạo sự hòa đồng, hợp tác, đoàn kết trong lớp, đồng thời giúp các em hào hứng học tập. Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Phong (huyện Bình Xuyên) cho biết, trường có nhiều khu vui chơi ngoài trời, thuận lợi tổ chức các trò chơi dân gian. Điều đáng chú ý là việc tổ chức trò chơi gần như không tốn kinh phí, khá dễ dàng và nguyên vật liệu cũng dễ tìm.
Đối với các trò chơi dân gian, nếu để tự phát thì học sinh ít chơi, nhưng nếu có tổ chức thì học sinh sẽ tham gia tích cực. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của trò chơi dân gian trong trường học, các trường cần có kế hoạch, có đánh giá, xếp loại thành tích và trao thưởng. Các trường cần đưa trò chơi dân gian vào hoạt động ngoại khóa, giờ ra chơi, sinh hoạt dưới cờ, các ngày lễ lớn trong năm. Đáng chú ý, trong dịp hè, giáo viên tổng phụ trách Đội nên phối hợp với Đoàn Thanh niên trên địa bàn dân cư tổ chức các trò chơi dân gian cho thanh thiếu nhi.
Ý kiến ()