Đưa tin sai sự thật, người tiêu dùng phải bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 20, sáng 15-2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đã báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. |
Nếu đưa thông tin sai sự thật, người tiêu dùng phải bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh
Trước đó, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật.
Đáng chú ý, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Thừa nhận các ý kiến này của đại biểu là xác đáng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu thực tế rằng, một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình trong việc phản hồi, đánh giá và đưa thông tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích hợp pháp của cá nhân, của tổ chức kinh doanh.
Do đó, việc bổ sung quy định trên trong dự thảo luật sẽ là cơ sở để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
Từ đó, dự thảo luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của người tiêu dùng, trong đó nêu rõ: Trường hợp người tiêu dùng đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc pháp luật có liên quan.
Quang cảnh phiên họp. |
Nếu cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, bồi thường thế nào?
Ở chiều ngược lại, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Nói về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, việc bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ không bảo đảm chất lượng trong các lĩnh vực như viễn thông, tài chính, bảo hiểm… đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các đại biểu, để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng một cách đầy đủ và đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành, dự thảo luật đã bổ sung Điều 35 về trách nhiệm đối với dịch vụ cung cấp không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết; trong đó, có riêng một khoản quy định về yêu cầu bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Các đại biểu dự phiên họp. |
Bảo đảm ngang bằng trách nhiệm của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh
Góp ý kiến vào dự luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tại Điều 39 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, dường như dự án luật này đang giao quá nhiều nghĩa vụ, vượt ra ngoài phạm vi của các tổ chức này, có những quy định trùng lặp với nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân bán hàng về chi phí tuân thủ pháp luật, tạo thêm gánh nặng không cần thiết và chưa chắc đã khả thi.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà lại khoản 2 Điều 39 và toàn bộ Chương II về trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; theo hướng không tạo thêm những gánh nặng chi phí vô lý và phải bảo đảm ngang bằng với quyền lợi và không được phương hại đến lợi ích của người cung cấp hàng hóa sản phẩm, dịch vụ.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, khi tập trung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì nghĩa vụ, trách nhiệm gắn theo được quy định như thế nào để bảo đảm ngang bằng trong quyền và nghĩa vụ bảo vệ, các chủ thể người tiêu dùng, người sản xuất hay phân phối cũng đều ngang bằng, bình đẳng với nhau trước pháp luật.
Do đó không được làm phương hại đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có liên quan và nhất là vấn đề chi phí tuân thủ pháp luật. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát, xem xét lại các nguyên tắc, các quan điểm lớn đã đặt ra khi trình xây dựng dự án luật này.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, đối với những vấn đề cần xin ý kiến, những vấn đề lớn, quan trọng và qua quá trình thảo luận cho đến nay so với mục tiêu, yêu cầu của luật cần gì, phải hoàn thiện sửa đổi, bổ sung hay không để bảo đảm xem xét căn cơ…
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()