Ðưa thị trường xăng, dầu trong nước tiếp cận nhanh thị trường xăng, dầu thế giới
Từ năm 2003 đến nay, Chính phủ đã ba lần thực hiện chủ trương từng bước đưa thị trường xăng, dầu trong nước tiếp cận với thị trường thế giới bằng Quyết định 187 ngày 15-9-2003; Nghị định 55 ngày 6-4-2007 và Nghị định 84 ngày 15-9-2009 với nguyên tắc nhất quán là vận hành thị trường xăng, dầu Việt Nam theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Từ năm 2003 đến nay, Chính phủ đã ba lần thực hiện chủ trương từng bước đưa thị trường xăng, dầu trong nước tiếp cận với thị trường thế giới bằng Quyết định 187 ngày 15-9-2003; Nghị định 55 ngày 6-4-2007 và Nghị định 84 ngày 15-9-2009 với nguyên tắc nhất quán là vận hành thị trường xăng, dầu Việt Nam theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Còn nhiều bất cập
So với Quyết định 187 và Nghị định 55, Nghị định 84 có bước tiến mới, đã quy định cụ thể những điều kiện cơ bản để kinh doanh xăng, dầu theo cơ chế thị trường, giao cho doanh nghiệp (DN) xăng, dầu đầu mối quyết định giá bán buôn, giá bán lẻ, ổn định thuế nhập khẩu mở rộng cho các thành phần kinh tế tham gia nhập khẩu, phân phối xăng, dầu, phát triển hệ thống tổng đại lý, đại lý, phát triển cơ sở hạ tầng kinh doanh xăng, dầu…
Sau hơn ba năm thực hiện Nghị định 84, thị trường xăng, dầu đã có bước phát triển mới, bảo đảm nhu cầu xăng, dầu cho phát triển kinh tế – xã hội phục vụ dân sinh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an sinh xã hội, người tiêu dùng bước đầu quen dần với biến động giá thị trường, một số yếu tố cạnh tranh lành mạnh đã và đang hình thành trong hệ thống phân phối của cả nước. Tuy nhiên, một số nội dung của nghị định và cách tổ chức vận hành nghị định này đã bộc lộ những bất cập. Nhiều nội dung cơ bản của nghị định không được thực hiện đầy đủ như: giao cho DN đầu mối quyết định giá, ổn định thuế nhập khẩu, việc hình thành quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá chưa đem lại kết quả như mong muốn, tiêu chí phát triển tổng đại lý chưa phù hợp với thực tiễn; sử dụng các công cụ điều tiết giá bán lẻ còn cứng nhắc, chưa linh hoạt, “giật cục” gây tâm lý bức xúc và không đồng thuận trong xã hội. Trách nhiệm kiểm soát hệ thống tổng đại lý, đại lý bán lẻ của các DN đầu mối, chính quyền sở tại còn lỏng lẻo; chất lượng xăng, dầu, an toàn phòng, chống cháy nổ chưa được quan tâm thỏa đáng và thực hiện nghiêm túc; gian lận thương mại, buôn lậu xăng, dầu qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp… Do vậy, thị trường xăng, đầu trong nước vẫn chưa thật sự ổn định, môi trường kinh doanh xăng, dầu còn chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn, cơ sở hạ tầng kinh doanh xăng, dầu chưa đáp ứng cho cả trước mắt, trung hạn và dài hạn, chưa tạo ra môi trường cạnh tranh đầy đủ và lành mạnh. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những bất cập nêu trên cần được đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc, thẳng thắn để sớm sửa đổi, bổ sung hoặc có một văn bản pháp lý mới thay thế Nghị định 84.
Những bất cập của Nghị định 84 cũng như những hạn chế trong cách tổ chức vận hành nghị định này do nhiều nguyên nhân. Về khách quan, Nghị định 84 ra đời trong hoàn cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, tăng liên tục và bất thường đã tác động tiêu cực đến chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số lạm phát của các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có nước ta. Trong các năm từ 2008 đến 2011, lạm phát của Việt Nam luôn ở mức cao, Chính phủ đã kiên trì thực hiện biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ðây là áp lực rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành giá xăng, dầu trong nước, các nhà quản lý phải cân nhắc một cách khó khăn để đưa ra các biện pháp kiềm chế tăng giá trước yêu cầu của Chính phủ và đời sống nhân dân.
Ngoài áp lực lạm phát, nguyên nhân chủ quan là các biện pháp điều chỉnh giá xăng, dầu thời gian qua không linh hoạt, hiệu quả công tác dự báo, phân tích thị trường thấp, không theo kịp biến động của thị trường. Mỗi khi giá dầu thế giới biến động, các nhà quản lý thường xuyên lạm dụng công cụ thuế nhập khẩu, Quỹ bình ổn giá để điều chỉnh giá bán lẻ, làm giá bán lẻ bị biến dạng, không thực chất. Việc kìm hãm thời gian điều chỉnh giá đã tạo ra những cú sốc về giá không đáng có, dẫn đến tình trạng khi tăng giá thì tăng nhanh, tăng cao, khi giảm giá thì giảm chậm, giảm nhỏ giọt, thậm chí có thời điểm giá thế giới giảm thì giá trong nước lại tăng, khiến người tiêu dùng thấp thỏm chờ đợi, rồi nghi ngờ tính minh bạch của Nghị định 84 và khó hiểu cách điều hành giá của các nhà quản lý…
Cần văn bản mới hoàn thiện hơn
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương đang tập trung nghiên cứu, thu thập nhiều ý kiến đóng góp để xây dựng một văn bản pháp lý mới cho kinh doanh xăng, dầu. Một văn bản pháp lý bảo đảm cho kinh doanh xăng, dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trước hết cần làm rõ hai vấn đề cơ bản sau: Một là, phải khẳng định và quy định cụ thể những điều cơ bản bảo đảm kinh doanh xăng, dầu theo cơ chế thị trường mà mấu chốt là theo giá thị trường, do thị trường điều tiết và do doanh nghiệp quyết định giá, trên cơ sở những quy định của pháp luật về giá. Hai là, xăng, dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nằm trong nhóm hàng cần được quản lý và thực hiện biện pháp bình ổn giá, vì vậy cần phải quy định rõ những nội dung Nhà nước cần quản lý và quản lý bằng quy phạm pháp luật, không sử dụng công cụ hành chính để can thiệp điều tiết thị trường nếu không có biến động bất thường.
Khi mấy vấn đề nêu trên được làm rõ thì những nội dung khác của văn bản pháp lý mới sẽ thông suốt, tạo môi trường pháp lý cho kinh doanh xăng, dầu thời gian tới minh bạch hơn.
Hiện tại dư luận xã hội, người tiêu dùng, các nhà quản lý, giới chuyên gia, đội ngũ thương nhân xăng, dầu và những người quan tâm đang kỳ vọng vào một văn bản pháp lý mới tiến bộ hơn, quy tụ đủ các yếu tố, điều kiện để vận hành thị trường xăng, dầu trong nước theo cơ chế thị trường có quản lý nhà nước ổn định hơn, minh bạch, trơn tru hơn; bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng và quyền lợi của doanh nghiệp xăng, dầu; góp phần làm cho xã hội yên tâm hơn, người tiêu dùng dễ hiểu, dễ kiểm soát, dễ đồng cảm, chia sẻ hơn. Các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng, dầu được hoạt động trong một môi trường pháp lý ổn định hơn, bớt thấp thỏm như cách các nhà quản lý sử dụng công cụ điều tiết giá bán lẻ thời gian qua; cơ quan quản lý đỡ vất vả, khó khăn khi phải đưa ra các quyết định hành chính để điều tiết thị trường xăng, dầu. Rất mong văn bản pháp lý mới sẽ là cú huých mạnh mẽ thúc đẩy thị trường xăng, dầu trong nước tiếp tục tiến lên theo hướng tiếp cận thị trường xăng, dầu thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()