LSO-Cách đây gần 20 năm, việc đưa giống ngô lai vào sản xuất được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, kết quả cho đến nay, năng suất ngô của Lạng Sơn đã được đánh giá là cao nhất nhì so với các tỉnh trong khu vực. Cũng với chủ trương đưa giống mới vào sản xuất, nhưng cây lúa thì chưa được như ngô. Tham quan mô hình sản xuất thử giống lúa thuần mới Hoa ưu 109 ở huyện Bình Gia - Ảnh:Duy HàVụ xuân năm nay ở Hữu Lũng, tỷ lệ lúa lai, lúa thuần chất lượng cao đưa vào sản xuất chiếm vào khoảng hơn 40%. Chưa đầy một nửa diện tích, nhưng đây cũng là một trong những con số rất đáng ghi nhận, bởi những năm trước, tỷ lệ này chỉ đạt hơn 30%. Đó là đối với Hữu Lũng, một trong những địa phương có sản xuất nông nghiệp phát triển nhất, nhì trong toàn tỉnh, còn đối với các địa phương khác, thì tỷ lệ này còn thấp hơn. Không phải là việc đưa giống lúa lai vào sản xuất không được coi trọng, mà thực tế việc thay đổi...
LSO-Cách đây gần 20 năm, việc đưa giống ngô lai vào sản xuất được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, kết quả cho đến nay, năng suất ngô của Lạng Sơn đã được đánh giá là cao nhất nhì so với các tỉnh trong khu vực. Cũng với chủ trương đưa giống mới vào sản xuất, nhưng cây lúa thì chưa được như ngô.
Tham quan mô hình sản xuất thử giống lúa thuần mới Hoa ưu 109
ở huyện Bình Gia – Ảnh:Duy Hà
Vụ xuân năm nay ở Hữu Lũng, tỷ lệ lúa lai, lúa thuần chất lượng cao đưa vào sản xuất chiếm vào khoảng hơn 40%. Chưa đầy một nửa diện tích, nhưng đây cũng là một trong những con số rất đáng ghi nhận, bởi những năm trước, tỷ lệ này chỉ đạt hơn 30%. Đó là đối với Hữu Lũng, một trong những địa phương có sản xuất nông nghiệp phát triển nhất, nhì trong toàn tỉnh, còn đối với các địa phương khác, thì tỷ lệ này còn thấp hơn. Không phải là việc đưa giống lúa lai vào sản xuất không được coi trọng, mà thực tế việc thay đổi giống lúa khó hơn nhiều so với giống ngô. Với truyền thống canh tác của mình, nhiều vùng trong tỉnh vẫn muốn sử dụng giống lúa thuần dài ngày bởi chất lượng gạo thơm, ngon hơn. Việc sử dụng giống cũ, thời gian sinh trưởng dài như sợi dây vô hình kìm hãm quá trình chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống và cũng vì thế mà sản xuất nông nghiệp gặp nhiều bấp bênh hơn.
Thực tế là trong những năm qua, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã tạo ra khá nhiều các loại giống mới chất lượng cao với ưu điểm vượt trội như năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, trong khi đó chất lượng gạo vẫn thơm, ngon chẳng kém gì giống bao thai thuần. Việc tiếp cận với các loại giống này thì chẳng có gì là khó, bởi dịch vụ nông nghiệp, các đại lý giống nay đã tiếp thị tới tận xã. Nhưng làm thế nào để bà con chấp nhận và đẩy mạnh đưa tập đoàn giống lúa chất lượng cao vào sản xuất thay thế cho giống cũ thì lại là chuyện khác. Ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông chia sẻ: Các cán bộ khuyến nông luôn trăn trở về việc đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất để đảm bảo ổn định sản xuất. Gần đây nhất, vụ xuân năm 2009, Trung tâm khuyến nông đã đưa vào khảo nghiệm hàng loạt các giống lúa thuần chất lượng cao như Hương chiêm, QR1, HT1, HT9…và chỉ sau vài vụ khảo nghiệm, ưu điểm của giống mới đã được thể hiện, năng suất đạt từ 60-75 tạ/ha, thậm chí giống lúa hương thơm HT còn đạt đến 80 tạ/ha.
Với những ưu điểm vượt trội, các địa phương như Hữu Lũng, Chi Lăng, Tràng Định…đã bắt đầu chú trọng và đẩy mạnh việc đưa các loại giống này ra sản xuất đại trà. Thậm chí như huyện Văn Lãng, trong vài năm trở lại đây còn trích ngân sách huyện để trợ giá cho các loại giống lúa mới. Sau khảo nghiệm đợt đầu, vụ xuân năm 2012, khuyến nông tiếp tục đưa các loại giống khác như QR2, BG1, BG6, Hòa ưu, Hòa gia 8…vào sản xuất thử nghiệm. Qua thu hoạch, năng suất thực tế đạt thấp nhất là trên 2,5 tạ/sào, tức là xấp xỉ 7 tấn/ha. Trong khi đó khả năng chống sâu bệnh, chịu hạn được đánh giá rất cao, ngoài ra các giống này còn có ưu điểm vượt trội là thời gian sinh trưởng ngắn. Đặc biệt như giống Hòa ưu 109, ngoài các ưu điểm kể trên, chất lượng gạo còn rất thơm ngon, hơn hẳn các giống lúa thuần truyền thống.
Cung ứng giống cho nông dân tại Trạm Khuyến nông Văn Lãng
Trong vụ mùa này, các loại giống trên tiếp tục được đưa vào khảo nghiệm ở một số địa phương như Bình Gia, Lộc Bình…với những thành công trong đợt khảo nghiệm của vụ trước, các loại giống này được kỳ vọng rất cao. Tuy đã có những chuyển biến, song từ khảo nghiệm, từ mô hình đưa ra nhân rộng, sản xuất đại trà còn khá nhiều khó khăn, bởi khuyến nông chỉ có vai trò xây dựng mô hình chứ không phải là đơn vị cung ứng giống. Theo thống kê sơ bộ, hiên nay Lạng Sơn có tới 8 doanh nghiệp cung ứng giống với hàng trăm đại lý trong toàn tỉnh, tuy nhiên công tác phối hợp với các đơn vị khuyến nông chưa thật rõ nét. Các doanh nghiệp chủ yếu cung ứng, quảng cáo những gì doanh nghiệp có, chứ chưa hẳn đã là loại nông dân cần. Thực tế ở nhiều địa phương, đã có các doanh nghiệp cung ứng giống tích cực vận động, hỗ trợ nhà nông thực hiện cánh đồng mẫu lớn, triển khai đồng loạt 1 loại giống chất lượng cao. Mặt khác cũng phải nhắc tới vai trò của Ban chỉ đạo sản xuất ở các địa phương trong việc tuyên truyền, định hướng cho người nông dân. Có sự vào cuộc đồng bộ ấy, thì việc đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất mới có thể đạt hiệu quả cao, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà nông dân Lạng Sơn cần tính tới sản xuất lương thực hàng hóa.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()