Đưa sóng về vùng khó
– Trong năm 2022, Viettel Lạng Sơn triển khai chương trình “Trạm viễn thông công ích” với mục tiêu đưa sóng thuê bao di động, 4G đến các vùng chưa có sóng. Từ đó, góp phần đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc cho người dân.
Thôn Nà Lại, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc là thôn đặc biệt khó khăn của xã với 84 hộ dân sinh sống. Những năm qua, để sử dụng sóng điện thoại, nhiều người dân phải đi bộ đến các điểm có sóng cách nhà hàng trăm mét. Các nhu cầu tiếp cận thông tin cũng không thể thực hiện vì không có sóng 3G, 4G.
Trạm viễn thông công ích mới được lắp đặt tại thôn Nà Lại, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc
Ông Đồng Minh Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hùng cho biết: Thiếu các điều kiện thông tin liên lạc, nhiều năm qua, công tác tuyên truyền chính sách, chủ trương mới của Đảng và Nhà nước đến người dân tại thôn Nà Lại vô cùng khó khăn. Khi muốn liên hệ với người dân, cán bộ phải đi hàng giờ đồng hồ để đến thôn nhưng đôi khi lại không gặp được. Do vậy, hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
Trước những khó khăn đó, từ tháng 5/2022, Viettel Lạng Sơn đã lắp đặt trạm thu phát sóng tự động (BTS) tại thôn Nà Lại với mục tiêu phủ sóng di động, băng thông 4G cho người dân nơi đây. Dù chưa chính thức đi vào vận hành nhưng đơn vị đã thử nghiệm phát sóng 4G để người dân sử dụng từ đầu tháng 9/2022. Anh Vy Văn Chân, người dân thôn Nà Lại cho biết: Hiện tại, chúng tôi đã có thể trải nghiệm sóng 4G để đọc báo, xem nhiều thông tin bổ ích qua mạng. Tới đây, khi trạm BTS chính thức hoạt động, chúng tôi không còn lo lắng bị gián đoạn thông tin liên lạc nữa, cũng có thể lắp đặt các dịch vụ truyền hình internet.
Thôn Nà Lại chỉ là 1 trong 98 thôn, bản được lựa chọn trong chương trình “Trạm viễn thông công ích” do Viettel Lạng Sơn triển khai trong năm 2022. Theo Viettel Lạng Sơn, hiện toàn tỉnh vẫn còn 268 thôn, bản thuộc vùng “lõm” sóng di động và các dịch vụ như 3G, 4G. Do vậy, cuộc sống của người dân còn khó khăn do thiếu các điều kiện thông tin liên lạc, tiếp nhận các thông tin mới cũng như việc học tập, giải trí. Vì vậy, chương trình nhằm khắc phục các khó khăn trên, góp phần sẵn sàng về hạ tầng viễn thông để phục vụ việc phát triển các mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số trong tương lai.
Theo kế hoạch đã đề ra, trong năm 2022, Viettel Lạng Sơn sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng 83 trạm BTS và hệ thống cáp quang với tổng chiều dài 450 km. Tổng kinh phí cho toàn bộ chương trình là gần 100 tỷ đồng. Từ đó, đảm bảo nhu cầu sóng di động đến hàng chục nghìn người dân trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai công tác trên, ngay từ tháng 5/2022, các kỹ sư của Viettel Lạng Sơn đã cùng với chính quyền cơ sở thực hiện khảo sát, lựa chọn vị trí tại các địa phương để thực hiện lắp đặt trạm BTS. Trong đó, các vị trí để lắp đặt cần đảm bảo có thể phủ sóng đến nhiều người dân nhất khi trạm BTS đi vào hoạt động.
Trong quá trình thực hiện, đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều thôn, bản có địa hình đồi núi, hạ tầng giao thông rất khó khăn khiến công tác vận chuyển vật tư, trang thiết bị đến nơi lắp đặt tốn nhiều thời gian công sức. Bên cạnh đó, việc thi công trên đất của người dân đôi khi gặp vướng mắc do người dân không đồng ý. Trước những khó khăn đó, đội ngũ thi công của Viettel Lạng Sơn đã chủ động sử dụng xe máy để chở vật tư, trang thiết bị vào tận nơi xây lắp. Đồng thời, phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của chương trình. Qua đó, người dân đều đồng thuận và tạo điều kiện để đơn vị thi công.
Đến ngày 25/9, Viettel Lạng Sơn đã hoàn thành xây lắp 81/83 trạm BTS và khoảng 400 km cáp quang, đảm bảo phủ sóng đến 96/98 thôn theo kế hoạch đã đề ra. Dự kiến hết tháng 9, các trạm còn lại sẽ hoàn thành. Toàn bộ 100% trạm đều phát sóng 4G để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân.
Ông Đỗ Thành Trung, Trưởng Phòng Kỹ thuật Hạ tầng, Viettel Lạng Sơn cho biết: Trong những năm tiếp theo, đơn vị tiếp tục triển khai xây dựng trạm viễn thông công ích tại các thôn, bản còn thuộc vùng “lõm” sóng di động. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh.
Theo dự kiến, trong thời gian tới, chương trình “Trạm viễn thông công ích” còn hỗ trợ chi phí cung cấp dịch vụ truy nhập internet băng rộng cho cộng đồng ở địa bàn các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Từ đó, góp phần tạo điều kiện cho người dân và các địa phương phát triển kinh tế – xã hội.
Ý kiến ()