Đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ phiền hà, nhũng nhiễu
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm 2015, đã có 12 bộ, 24 địa phương thực hiện tinh giảm biên chế với số lượng hơn 3.300 người, trong đó 2.700 người về hưu trước tuổi, gần 600 người hưởng chính sách thôi việc ngay. “Phải đưa khỏi bộ máy những cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực với dân, với doanh nghiệp”, ông nói.
Ngày 16-11, chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, cải cách thủ tục hành chính đã đem lại một số kết quả tổ chức bộ máy vẫn cồng kềnh, nhiều chức năng chồng chéo. Biên chế không giảm được bao nhiêu, người dân vẫn kêu về chất lượng phục vụ. Đại biểu Thuyền hỏi Phó Thủ tướng và Chính phủ có trách nhiệm gì trong vấn đề này không? Các giải pháp để giải quyết tình trạng trên trong thời gian tới?
Hôm nay, ngày 17-11, trả lời câu hỏi chất vấn này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tổng quan cải cách hành chính về thể chế pháp luật, bộ máy cán bộ công chức, thủ tục hành chính, tài chính công trong thời gian qua đều có bước tiến bộ, thể hiện sự công khai, minh bạch tốt hơn, gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân nhiều hơn. Tuy vậy, Phó Thủ tướng thừa nhận, vẫn còn nhiều phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2021 phải giảm trong số biên chế hành chính 10%, trong số biên chế sự nghiệp 10%, cộng thêm 10% không hưởng lương ngân sách. Tính đến ngày 30-10-2015, đã có 12 bộ, 24 địa phương thực hiện tinh giảm biên chế với số lượng hơn 3.300 người, trong đó 2.700 người về hưu trước tuổi, gần 600 người hưởng chính sách thôi việc ngay. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố lớn đã đưa ra phương án giảm biên chế của địa phương mình.
Hiện đơn vị sự nghiệp công có hơn 2 triệu công chức, chiếm hơn 38% tổng quỹ lương. Theo Phó Thủ tướng, cần đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp công để giảm biên chế. Đồng thời, đẩy mạnh việc công khai, minh bạch chi quản lý hành chính, khoán chi, khoán biên chế.
Giải pháp khác là tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện Chính phủ điện tử ở các cấp chính quyền, thí điểm để tiến tới triển khai xây dựng các trung tâm hành chính công thay cho một cửa, một cửa liên thông, để giao dịch hành chính giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước công khai, minh bạch được sự giám sát một cửa, tại chỗ và thuận lợi hơn nữa cho người dân.
“Đặc biệt cần phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đề cao đạo đức công vụ, công chức. Chúng ta phải đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực với dân, với doanh nghiệp. Luân chuyển, giám sát cán bộ ở một số lĩnh vực “nhạy cảm”. Tăng cường đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong quá trình cán bộ, công chức phục vụ nhân dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị nhân dân, doanh nghiệp, nhất là các tổ chức, hiệp hội, các đại biểu dân cử kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục và các vấn đề có liên quan. Mục tiêu Việt Nam đặt ra là phấn đấu thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực bằng mức ASEAN 4.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()