Đưa Quyết định 281/QĐ-TTg vào cuộc sống
Lớp bổ túc xóa mù chữ tại xã Hữu Liên (Hữu Lũng) |
Đưa công tác khuyến học vào cộng đồng
Tính đến hết tháng 6/2014, toàn tỉnh có 1.249 chi hội khuyến học, 98 dòng họ hiếu học với tổng số 104.293 hội viên, tăng trên 300 chi hội và dòng họ hiếu học và trên 20 ngàn hội viên so với cùng kỳ năm 2013. Tỷ lệ hội viên so với dân số đã đạt trên 13,4%. Bao gồm các hội viên ở khối phố, thôn, bản và ở khối các phòng giáo dục, các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên và các dòng họ.
Tuy tỷ lệ chi hội khuyến học bình quân toàn tỉnh ở các khu dân cư chỉ ở mức 53% song nhiều địa phương đã cố gắng thành lập nhanh các chi hội ở thôn bản, khối phố để đưa phong trào khuyến học vào chiều sâu trong các tầng lớp dân cư, chứ không chỉ dừng lại ở các tổ chức cơ quan, trường học. Trên thực tế, những huyện có nhiều chi hội và hội viên như Hữu Lũng có 235 chi hội, trong đó có 94,7% chi hội tại các thôn bản, khối phố. Văn Quan 153 chi hội, trong đó có 81,3% chi hội tại các thôn, bản, khối phố… đã tạo nền tảng cho việc xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học một cách bền vững, tạo sức lan tỏa nhanh trong nhân dân.
Triển khai nhanh Đề án 281 về cơ sở
Nhận thấy tính cấp bách của việc triển khai Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch xây dựng xã hội học tập của tỉnh đối với việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, cộng đồng và dòng họ, các huyện, thành phố đã làm những công việc cụ thể về kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của công tác khuyến học. Đến nay, mỗi huyện, thành phố đã có 2 xã, thị trấn đăng ký xây dựng thí điểm mô hình cộng đồng học tập.
Rà soát với những chỉ tiêu cụ thể mà Quyết định 281 và Đề án 89 của Thủ tướng Chính phủ đề ra cho năm 2015 và 2020, Lạng Sơn đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu như tỷ lệ người trong độ tuổi lao động biết chữ và tiếp tục học tập không để mù chữ trở lại; tỷ lệ trẻ em, nhất là trẻ em gái biết chữ và tiếp tục được học lên… Đặc biệt, trong 3 năm qua, thực hiện Quyết định 910 của UBND tỉnh, Lạng Sơn đã mở lớp bổ túc THPT xã, cụm xã với gần 2.100 người tham gia học tập, trong đó có nhiều cán bộ xã góp phần nâng cao trình độ cho người lao động, hình thành phong trào học tập suốt đời đối với mỗi người dân. Việc các địa phương đưa tinh thần của Quyết định 281 vào cuộc sống đã tạo đà cho việc xây dựng cộng đồng học tập nhằm đạt được tỷ lệ cao thực hiện các tiêu chí về gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập vào năm 2020. Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Văn Nình, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Lạng Sơn nói rằng, sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong việc triển khai Quyết định 281 của Chính phủ một mặt nói lên sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đến công tác quan trọng này; mặt khác nó chứng tỏ tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác khuyến học trong việc xây dựng xã hội học tập.
Đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài
Việc huy động nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân vào công tác khuyến học, khuyến tài đã được các cấp hội quan tâm đặc biệt. Trong đợt tổng kết năm học 2013-2014, toàn tỉnh đã có gần 14 ngàn học sinh và giáo viên được nhận học bổng và được khen thưởng với tổng số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Trong đó có 6.849 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được nhận học bổng với tổng số tiền gần 1,1 tỷ đồng, trên 3.800 học sinh giỏi được khen thưởng với số tiền trên 1 tỷ đồng; trên 3.200 lượt giáo viên giỏi được khen thưởng với số tiền gần 600 triệu đồng.
Ngoài ra còn nhiều hoạt động của các đơn vị, tổ chức cá nhân đóng góp vào quỹ “Tiếp bước cho em tới trường”, đảm bảo “3 đủ” cho học sinh; đóng góp xây dựng nhà bán trú cho học sinh vùng khó khăn, xây dựng bếp ăn cho các trường mầm non… Đây chính là nguồn lực mạnh mẽ đảm bảo cho công tác khuyến học, khuyến tài ở tỉnh ta được duy trì bền vững.
Ý kiến ()