Đưa quản lý vào nề nếp
LSO-Theo Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê đất đai (KKĐĐ), lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014; cùng các tỉnh, thành trên cả nước, Lạng Sơn khẩn trương triển khai theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc |
Trên cơ sở văn bản của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 90 về KKĐĐ, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014. Theo đó, Lạng Sơn thực hiện KKĐĐ trên phạm vi toàn tỉnh. Thời gian cấp xã phải hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 1/6/2015, cấp huyện là trước ngày 15/7/2015 và cấp tỉnh trước ngày 1/9/2015. Ông Hồ Tiến Thiệu, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: “Tỉnh cũng đưa ra giải pháp: thực hiện KKĐĐ theo bản đồ, hồ sơ địa chính đối với những nơi đã đo đạc bản đồ địa chính; những nơi chưa có bản đồ địa chính, sử dụng bản đồ giải thửa, bản đồ lâm nghiệp, bản đồ ảnh viễn thám, bản đồ hiện trạng sử dụng đất hiện có, các loại bản đồ khác để đối chiếu với số liệu và khoanh vẽ ngoài thực địa, biên tập lên bản đồ nền được cung cấp. Sử dụng công nghệ thông tin để số hóa số liệu và bản đồ hiện trạng sử dụng đất thống nhất trong tổng hợp số liệu và thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất”. Về khối lượng, KKĐĐ và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở 100% xã, phường, thị trấn, song song KKĐĐ và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh. Cụ thể, cần xác định đầy đủ số liệu về diện tích đất tự nhiên của cấp xã, huyện và toàn tỉnh; kiểm kê chính xác diện tích các loại đất gồm: nhóm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng. Kiểm kê theo từng đối tượng sử dụng sử dụng đất: tổ chức trong nước; hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư; tôn giáo; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là kiểm kê chi tiết đối với đất trồng lúa, nhất là đất trồng lúa nước, qua đó đánh giá tình hình chuyển mục đích sử dụng đất lúa 5 năm qua, làm rõ việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa trái phép để đề xuất biện pháp xử lý và bảo vệ. Cùng với đó là kiểm kê chi tiết đất trong Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; các khu kinh tế cửa khẩu thuộc tỉnh để xác định rõ những nguyên nhân, hạn chế, làm cơ sở đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng.
Ngay từ những tháng cuối năm 2014, Sở TN&MT phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND cấp huyện xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị các loại bản đồ, tài liệu liên quan phục vụ KKĐĐ, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở địa phương. Các bộ phận chức năng cũng tiến hành rà soát, chỉ đạo việc kiểm kê đối với khu vực có tranh chấp, chưa thống nhất về đường địa giới hành chính các cấp… Đồng thời, phối hợp tổ chức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến rộng rãi đến các ngành, cơ quan, đơn vị, người sử dụng đất trên địa bàn. Để tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia kiểm kê, Sở TN&MT đã tập huấn cho các cán bộ kỹ thuật, cán bộ chuyên viên làm công tác địa chính ở các cấp về khoanh vẽ phục vụ kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; cài đặt và sử dụng phần mềm thống kê, KKĐĐ.
Đến nay, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận các loại đất trên địa bàn tỉnh đạt 90%. Hiện tỉnh đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, số hóa cụ thể các thông tin về thửa đất. Đây cũng là cơ sở thuận lợi cho việc xác định rõ từng loại đất khi kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở các cấp. Tuy nhiên, do phương pháp, chỉ tiêu, biểu mẫu, thủ tục giao nộp, lưu trữ có nhiều đổi mới, phức tạp và khối lượng công việc nhiều hơn so với những lần kiểm kê trước nên với sự hạn chế về nhân lực, vật lực, cấp xã- đơn vị cơ bản thực hiện còn gặp nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện. Theo lãnh đạo Sở TN&MT, bước đầu triển khai thực hiện, qua kiểm tra, tiếp nhận ý kiến từ nhiều xã cho thấy việc kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 có nhiều đổi mới, yêu cầu mức độ công việc lớn hơn, đòi hỏi độ chính xác cao hơn… Vì vậy, để đảm bảo chất lượng hiệu quả công việc, hoàn thành đúng thời gian, sở sẽ tăng cường phối hợp với các huyện, thành phố, các xã, đơn vị tư vấn tìm và thống nhất giải pháp, phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.
Từ kết quả KKĐĐ, tỉnh sẽ nắm chắc quỹ đất, khả năng khai thác để phục vụ trực tiếp cho chương trình phát triển kinh tế – xã hội của từng cấp. Nhất là việc lập, điều chỉnh, quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2016 – 2020. Từ đây, cơ sở dữ liệu đất đai của các đơn vị hành chính sẽ được thiết lập, từng bước hoàn thiện, đưa công tác này đi vào nền nếp theo các quy định của Luật Đất đai năm 2013.
XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()