Đưa quan hệ Việt Nam - Sierra Leone đi vào thực chất, hiệu quả
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio và phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 20-3.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Julius Maada Bio tới Việt Nam và cũng là hoạt động trao đổi đoàn cấp nguyên thủ đầu tiên của hai nước. Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong việc tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ Việt Nam-Sierra Leone tiếp tục trên đà phát triển.
Là quốc gia ở vùng Tây Phi, Sierra Leone đã và đang triển khai Kế hoạch phát triển quốc gia trung hạn giai đoạn 2019-2023 với 4 trụ cột chính, bao gồm: Xây dựng nền kinh tế xanh, đa dạng và bền vững; nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục, y tế của người dân; bảo đảm xã hội công bằng, hòa hợp, ổn định; đầu tư kết cấu hạ tầng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Về ngoại giao, Sierra Leone thực hiện chính sách đa dạng hóa quan hệ, coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, phát triển quan hệ với các nước lớn, đồng thời coi trọng thúc đẩy hợp tác với các nước đang phát triển trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam, trong đó có Việt Nam.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Julius Maada Bio và phu nhân diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24-6-1982 / 24-6-2022). Bên cạnh đó, thời gian qua, quan hệ chính trị giữa hai nước phát triển tốt đẹp thông qua một số chuyến thăm, tiếp xúc các cấp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận Quốc thư của Đại sứ Sierra Leone Ernest Mbaimba Ndomahina ngày 9-3-2022. Ảnh: TTXVN |
Hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước ghi nhận bước phát triển tích cực và có nhiều tiềm năng thúc đẩy. Kim ngạch song phương năm 2020 đạt 49,26 triệu USD, tăng hơn 200% so với mức 17 triệu USD năm 2018. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Sierra Leone chủ yếu là thuốc lá, máy vi tính, dệt may và nguyên phụ liệu; nhập khẩu chủ yếu là gỗ và các sản phẩm gỗ. Sierra Leone hiện có dự án đầu tư trong lĩnh vực marketing và quản lý nhân lực tại Việt Nam. Việt Nam đã cử một số đoàn công tác của các viện nghiên cứu và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sang khảo sát khả năng hợp tác, xây dựng dự án nông nghiệp tại Sierra Leone.
Hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác, trong đó có: Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nông nghiệp, sản xuất muối (2001); Hiệp định kinh tế-thương mại, văn hóa và công nghệ (2003); MoU giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam với Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Sierra Leone về hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp (2010); MoU giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam với Bộ Thủy sản và Tài nguyên biển Sierra Leone về hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản (2010); Biên bản làm việc giữa hai Bộ Ngoại giao (2010); MoU giữa hai Bộ Công Thương về thương mại gạo (2011)…
Ngoài ra, hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc. Sierra Leone đã ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019, Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Với những bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng thống Julius Maada Bio và phu nhân sẽ thành công tốt đẹp, góp phần củng cố sự tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước, đồng thời đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả trên những lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, nhu cầu và lợi ích, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()