Ngày 1-5-2010, sau khi dự Lễ khai mạc Triển lãm Thế giới Thượng Hải, thăm và làm việc ở hai tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, theo lời mời của Chính phủ Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã rời Thượng Hải về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong chương trình nghị sự của Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ ta trong quá trình hoạt động tại Trung Quốc.
Có thể nói, đây là một bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt trong bối cảnh ở khu vực và trên thế giới đang diễn ra những biến đổi sôi động, phức tạp, khó lường.
Đồng chí Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khác của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam với sự trọng thị, thân tình, chu đáo. Hai bên đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn về quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và các vấn đề khác cùng quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đồng chí Du Chính Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TP Thượng Hải và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang đã trao đổi ý kiến và đạt nhất trí về nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác về kinh tế – thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và du lịch giữa hai bên. Các đồng chí Trung Quốc đều tỏ tình cảm nồng thắm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, nhân dân Việt Nam; mong muốn thúc đẩy giao lưu hợp tác toàn diện với Việt Nam; đánh giá cao và khẳng định sẽ thực hiện ý kiến của Thủ tướng ta về việc tăng cường mạnh mẽ hợp tác kinh tế, giáo dục giữa hai bên.
Tại các thành phố Nam Kinh (Giang Tô), Hàng Châu và Ninh Ba (Chiết Giang), ta và bạn đồng tổ chức ba diễn đàn kinh tế thương mại với quy mô mỗi diễn đàn hơn 300 doanh nghiệp Trung Quốc và gần 100 doanh nghiệp Việt Nam tham dự. Tại các diễn đàn này, Tổng cục Du lịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai đã ký một số văn kiện về hợp tác kinh tế – thương mại, du lịch và giao lưu hữu nghị với các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và TP Ninh Ba; doanh nghiệp hai bên đã ký một số hợp đồng kinh tế, trị giá hơn 500 triệu USD. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa ở Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang, như Tập đoàn Vũ Nhuận, Tập đoàn Viễn thông Hoa Vi, Tập đoàn Viễn thông Trung Hưng, Tập đoàn Điện khí Thượng Hải, Ngân hàng Giao thông Trung Quốc; tiếp một số tập đoàn doanh nghiệp lớn của bạn… Sáng 30-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự Lễ khai trương đường bay Hà Nội, TP Hồ Chí Minh – Thượng Hải do Hãng Hàng không Việt Nam Airlines tổ chức.
Dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm đến Triển lãm Thế giới Thượng Hải, coi kết quả tổ chức Triển lãm là một trong những hoạt động nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Triển lãm có quy mô đầu tư lớn nhất trong lịch sử Triển lãm Thế giới với hơn 6,7 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với vốn đầu tư cho Ô-lim-pích Bắc Kinh 2008. Có 189 quốc gia và 57 tổ chức quốc tế tham dự; dự kiến sáu tháng tới sẽ có khoảng 70 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Cùng với sự kiện quan trọng này, dư luận cũng quan tâm tới cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào với Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào chiều 30-4, trước khi diễn ra Lễ khai mạc trọng thể Triển lãm. Mặc dù đây là thời điểm phía bạn phải đón nhiều nguyên thủ quốc gia đến chào và trao đổi ý kiến, nhưng đồng chí Hồ Cẩm Đào cùng nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc đã dành thời gian hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong bài phát biểu, sau khi chân thành chúc mừng những thành tựu kinh tế – xã hội to lớn của Trung Quốc đạt được trong những năm qua, Thủ tướng ta khẳng định trước sau như một, Việt Nam luôn luôn coi trọng quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; cảm ơn Trung Quốc đã nhiệt tình ủng hộ Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc, hai bên cần duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao nhằm tăng cường sự tin cậy, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các cấp, các ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân hai nước; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về truyền thống quý báu giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; chỉ đạo sát sao các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin cổ vũ tình hữu nghị giữa hai Đảng và nhân dân hai nước, không đưa các thông tin không có lợi cho quan hệ hai Đảng, hai nước. Về kinh tế – thương mại, hai bên tiếp tục phối hợp hỗ trợ lẫn nhau, duy trì sự phát triển bền vững nền kinh tế của mỗi nước; duy trì đà tăng trưởng hợp tác kinh tế – thương mại theo hướng cân đối hơn, phấn đấu thực hiện mục tiêu 25 tỷ USD trong năm nay; mở rộng hợp tác đầu tư, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, du lịch, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ niềm tin rằng, thông qua đối thoại chân thành, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, trên cơ sở tôn trọng những lợi ích chính đáng của nhau, theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982 và DOC; với bản lĩnh, trí tuệ và tình cảm chân thành của những người cộng sản, với truyền thống hữu nghị gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước, chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề trên biển. Thủ tướng ta khẳng định: Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng không để vấn đề nảy sinh ảnh hưởng đến quan hệ hai Đảng, hai nước, tránh tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, chia rẽ quan hệ hai Đảng, hai nước. Những nhận thức chung này cần được quán triệt đến các ngành, các cấp, các địa phương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt là chính sách nhất quán mang tầm chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Việt Nam không bao giờ và cũng sẽ không để cho bất cứ ai lôi kéo làm những điều bất lợi cho Trung Quốc và gây tổn hại quan hệ Việt – Trung.
Trong bài phát biểu, đồng chí Hồ Cẩm Đào trước hết bày tỏ sự cảm ơn đối với Chính phủ ta đã có điện thăm hỏi và viện trợ nhân dân Thanh Hải bị thiệt hại nặng nề trong trận động đất vừa qua; đánh giá cao việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự Triển lãm Thế giới EXPO Thượng Hải, coi đây là sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với thành công của EXPO. Đồng chí bày tỏ niềm vui mừng thấy rằng, quan hệ hai nước trong 60 năm qua về tổng thể luôn phát triển đi lên. Trong 10 năm đầu thế kỷ 21, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hợp tác trên các lĩnh vực không ngừng đi vào chiều sâu. Hai bên đã giải quyết ổn thỏa vấn đề biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ; kim ngạch thương mại năm 2009 mặc dù bị tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng vẫn đạt hơn 21 tỷ USD; Trung Quốc liên tục trong sáu năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, quan hệ hợp tác đã đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước.
Đồng chí cho rằng, công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa của hai nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới. Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, điều chỉnh và thay đổi sâu sắc, hai nước đều đang có những thời cơ mới, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Hai nước đều cần môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và đều có lợi ích chung rất lớn. Hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ phát triển lành mạnh, làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác là có lợi cho công cuộc đổi mới, cải cách và mở cửa của mỗi nước, có lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH, hòa bình và ổn định của khu vực.
Đồng chí Hồ Cẩm Đào khẳng định, Đảng và Chính phủ Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng cùng với Đảng và Chính phủ Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt phát triển hơn nữa.
Về vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông), đồng chí Hồ Cẩm Đào cho rằng, hai nước đang ở thời kỳ then chốt của công cuộc đổi mới, cải cách và phát triển, nếu không có môi trường chung quanh hòa bình và ổn định sẽ không thể tập trung để phát triển. Tuy hai bên còn có ý kiến khác nhau về vấn đề Nam Hải, nhưng điều quan trọng hơn là cần giữ gìn hòa bình, ổn định ở Nam Hải, duy trì quan hệ hai Đảng, hai nước. Nếu tình hình Nam Hải bất ổn sẽ không có hòa bình, ổn định ở khu vực và ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng XHCN của mỗi nước. Do đó, hai bên cần từ tầm cao chiến lược bảo vệ thời kỳ phát triển quan trọng của mỗi nước, vì mục tiêu chung là biến Nam Hải thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Phía Trung Quốc cho rằng, đối thoại và hợp tác là lối thoát duy nhất để giải quyết vấn đề Nam Hải. Chỉ cần hai bên coi trọng đại cục quan hệ, kiên trì đàm phán hữu nghị, gia tăng nhận thức chung, mở rộng lợi ích chung, thì vấn đề dù có khó khăn, phức tạp đến mấy cũng sẽ tìm được giải pháp thỏa đáng.
Đồng chí Hồ Cẩm Đào cảm ơn việc Đảng, Nhà nước ta mời đồng chí sang thăm Việt Nam. Đồng chí cho rằng Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ vui vẻ nhận lời mời sang thăm Việt Nam và dự cuộc gặp cấp cao ASEAN – Trung Quốc tại Hà Nội trong năm nay. Đồng chí nhờ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển lời thăm hỏi và chúc sức khỏe đến Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Khi chia tay, đồng chí Hồ Cẩm Đào đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đôn đốc để hai bên sớm họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương nhằm trao đổi ý kiến cụ thể về các vấn đề trong quan hệ hai nước và các vấn đề khác cùng quan tâm.
Bên lề Lễ khai mạc Triển lãm Thế giới Thượng Hải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp các đồng chí Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lý Khắc Cường, Chu Vĩnh Khang, Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn, Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc, Bộ trưởng Công an Mạnh Kiến Trụ… Các đồng chí Trung Quốc đều khẳng định coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam; mong muốn không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị trên tất cả các lĩnh vực.
Kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã góp phần tăng cường củng cố tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, tăng thêm sự hiểu biết và niềm tin cậy lẫn nhau; trên cơ sở đó, thúc đẩy mạnh mẽ hơn, có hiệu quả hơn sự hợp tác trong mọi lĩnh vực giữa hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ý kiến ()