Đưa Phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt” vào chiều sâu vững chắc
5 năm qua, Phong trào thi đua (PTTĐ) xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt” được triển khai trong điều kiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được tăng cường, Quân đội được Đảng, Nhà nước, các địa phương quan tâm đầu tư; nhiều chương trình, đề án trọng điểm về quân y được triển khai có hiệu quả; cơ sở vật chất, trang bị quân y từng bước được đổi mới; đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn ngày càng nâng cao.
Tuy nhiên, việc triển khai PTTĐ cũng gặp nhiều khó khăn trước những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19; mục tiêu, yêu cầu công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân đòi hỏi ngày càng cao… ảnh hưởng trực tiếp tới công tác quân y và PTTĐ xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt”.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Hậu cần và cấp ủy, chỉ huy các cấp, tiếp nối những thành quả của PTTĐ giai đoạn trước, với khí thế thi đua sôi nổi, từ năm 2018 đến nay, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ quân y toàn quân đã phát huy sức mạnh tổng hợp, nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của PTTĐ, góp phần quan trọng xây dựng ngành quân y ngày càng vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác thiết kế, bố trí hầm bệnh xá bộ CHQS tỉnh trong tác chiến khu vực phòng thủ tỉnh tại Hội nghị tập huấn hậu cần toàn quân (tháng 5-2022). Ảnh: VĂN CHIỂN |
Nổi bật là, từ thi đua và qua thi đua, công tác quân y bảo đảm cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) ngày càng hoàn thiện; hệ thống văn kiện SSCĐ thường xuyên được kiện toàn; công tác quân y cho các cuộc diễn tập được triển khai đồng bộ; các bệnh viện dã chiến tham gia diễn tập và phục vụ các nhiệm vụ được triển khai và vận hành hiệu quả; công tác tổ chức cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân tại Trường Sa, nhà giàn DK1 được các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ; toàn ngành đẩy mạnh kiện toàn tổ chức và lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh; quy hoạch, xây dựng các cơ sở, đơn vị quân y liên hoàn theo từng vùng, miền, hướng chiến lược, nhất là xây dựng các phân đội quân y cơ động; quân y đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; làm nhiệm vụ ở địa bàn trọng điểm.
Công tác đầu tư cải tiến, hiện đại hóa trang thiết bị cho ngành quân y từ cấp chiến thuật đến chiến lược được tăng cường, không ngừng nâng cao sức cơ động, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quân y cho huấn luyện, tác chiến trong điều kiện mới. Ngành quân y đã nghiên cứu điều chỉnh, phân cấp dự trữ vật chất, trang bị quân y SSCĐ ở các cấp phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ; có nhiều biện pháp tham mưu, phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng y tế khu vực phòng thủ, lực lượng y tế dự bị động viên và tiềm lực y tế-quốc phòng, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh; đồng thời bảo đảm tốt quân y phục vụ các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Công tác huấn luyện, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y và phổ biến y học thường thức, kỹ thuật cấp cứu cho bộ đội thu được kết quả thiết thực. Các học viện, trường quân y chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, quản lý nghiệp vụ ngành cho học viên. Công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được phát huy ở các tuyến; nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi phục vụ bộ đội.
Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại quân sự của Đảng, 5 năm qua, ngành quân y đã triển khai nhiều nội dung hợp tác với quân y các nước: Pháp, Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Italy, Cuba và các nước ASEAN, các nước châu Á-Thái Bình Dương… nhằm tăng cường hiểu biết, xây dựng tiềm lực ngành; lực lượng quân y Việt Nam tham gia nhiều cuộc diễn tập phối hợp hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ y tế với quân đội các nước. 5 năm qua, lực lượng quân y đã triển khai 4 bệnh viện dã chiến cấp 2 với hơn 250 thầy thuốc chiến sĩ lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Cộng hòa Nam Sudan, góp phần cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho lực lượng gìn giữ hòa bình tại Phái bộ Liên hợp quốc và hàng chục nghìn người dân tại quốc gia này. Gần đây nhất, đầu năm 2023, ngành quân y đã cử hơn 30 cán bộ, nhân viên tham gia nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, quân y Việt Nam đã phối hợp tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe cho hàng chục nghìn lượt nhân dân dọc tuyến biên giới trong chương trình khám, chữa bệnh chung và giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Campuchia, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng chính quyền, người dân nước bạn.
Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác bố trí kho quân y trong tác chiến khu vực phòng thủ tại Hội nghị tập huấn hậu cần toàn quân (tháng 5-2022). Ảnh: VĂN CHIỂN |
Không chỉ thực hiện tốt nội dung bảo đảm quân y cho huấn luyện, SSCĐ, từ năm 2018 đến nay, ngành quân y đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp bảo đảm phòng, chống bệnh nghề nghiệp, giám định giải quyết chế độ cho đối tượng mắc bệnh nghề nghiệp; tham mưu và triển khai hỗ trợ gần 1.800 gia đình hiếm muộn trong toàn quân với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng. Hoạt động của ban bảo vệ sức khỏe cán bộ tại các đơn vị ngày càng đi vào nền nếp; tỷ lệ khám sức khỏe định kỳ có chuyển biến rõ rệt qua các năm. Tuyến quân y đơn vị được quan tâm đầu tư đúng mức; các bệnh viện chiến lược trực thuộc Bộ có bước phát triển vững chắc và toàn diện về những kỹ thuật mới, hiện đại, có nhiều kỹ thuật mũi nhọn ngang tầm khu vực và quốc tế, một số kỹ thuật chuyên sâu tương đương với trình độ các nước có nền y học tiên tiến. Các bệnh viện thuộc quân khu, quân đoàn, quân chủng đã chủ động phát triển chuyên môn, thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu của tuyến trên. Hệ thống bệnh viện thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo, giúp đỡ phát triển chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh xá và quân y đơn vị thuộc tuyến, góp phần rút ngắn khoảng cách chuyên môn giữa tuyến sau với tuyến trước. Các tổ quân y của bệnh viện làm nhiệm vụ trên các bệnh xá thuộc quần đảo Trường Sa bảo đảm tốt nhiệm vụ, chất lượng khám và cấp cứu, điều trị ngày càng được nâng cao.
Song song với đầu tư phát triển y học hiện đại, công tác y học cổ truyền trong toàn quân có nhiều chuyển biến tích cực. Các tuyến bệnh viện, các khoa y học cổ truyền đủ khả năng thực hiện tốt công tác điều trị, thừa kế, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến theo phân cấp nhiệm vụ. Số lượng các ca điều trị bằng thuốc y học cổ truyền đơn thuần ngày càng tăng; một số bệnh viện đã sản xuất được thuốc thành phẩm y học cổ truyền; các bệnh xá đơn vị đều có bộ phận điều trị y học cổ truyền, áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc đem lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện…
Năm 2022, được thủ trưởng Tổng cục Hậu cần chọn làm điểm thực hiện chuyển đổi số công tác hậu cần Quân đội, Cục Quân y nói riêng, ngành quân y nói chung đã chủ động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại. Trong đó đã triển khai xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử quân nhân, cập nhật tự động kết quả khám, chữa bệnh, giúp ngành xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về sức khỏe toàn quân. Đến nay, nhiều bệnh viện đã từng bước xây dựng bệnh án điện tử, phòng khám chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh. Hệ thống truyền hình giao ban trực tuyến Telemedicine đã kết nối các bệnh viện Quân đội đến các bệnh xá đảo trên quần đảo Trường Sa, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, xử trí từ xa nhiều ca bệnh phức tạp…
Từ năm 2018 đến nay, công tác kết hợp quân dân y luôn bám sát các định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước, góp phần giải quyết những khó khăn của y tế dân y tuyến cơ sở, ngày càng khẳng định được vai trò của quân y trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hiện nay, ngành quân y đã và đang vận hành hiệu quả 10 bệnh viện quân dân y, 5 trung tâm y tế quân dân y huyện đảo, 34 bệnh xá quân dân y và 835 trạm y tế quân dân y, thực hiện cấp cứu, điều trị cho nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Đặc biệt, từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước, với vai trò, tinh thần xung kích của người thầy thuốc chiến sĩ, ngành quân y đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu, tổ chức phòng, chống dịch Covid-19 trong Quân đội và tham gia phòng, chống dịch tại các địa phương. Toàn ngành đã triển khai 18 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 với gần 7.000 giường; kiện toàn hàng nghìn tổ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, tổ quân y cơ động, triển khai 194 cơ sở cách ly do Quân đội quản lý. Qua công tác phòng, chống dịch, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nói chung và người chiến sĩ quân y nói riêng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân cả nước.
Thời gian tới, nhiệm vụ quân sự quốc phòng có những bước phát triển mới nên yêu cầu, đòi hỏi đối với ngành hậu cần nói chung, ngành quân y nói riêng ngày càng cao hơn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, các cơ quan, đơn vị và ngành quân y cần tiếp tục đẩy mạnh PTTĐ xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt”, đưa phong trào phát triển rộng khắp, lên một tầm cao mới, đi vào chiều sâu vững chắc, gắn với PTTĐ “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác quân y; thường xuyên giáo dục để mọi cán bộ, chiến sĩ ngành quân y nhận thức sâu sắc về nội dung, chỉ tiêu của PTTĐ xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt”. Ngành quân y tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, cụ thể hóa các nội dung PTTĐ ngành quân y phù hợp với thực tiễn; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, thúc đẩy phong trào phát triển ngày một mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực.
Cùng với đó, cần tiếp tục xây dựng, kiện toàn, hoàn chỉnh tổ chức, biên chế đơn vị quân y các cấp; tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác y tế trong Quân đội; đẩy mạnh huấn luyện, đào tạo, nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y. Tích cực đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, công nghệ hiện đại, đồng bộ cho các bệnh viện và quân y các tuyến, trong đó tập trung đầu tư cho các bệnh viện tuyến cuối trong Quân đội tiến thẳng lên hiện đại, đạt trình độ tương đương với bệnh viện tuyến cuối của quân đội một số nước phát triển trong khu vực; ưu tiên hệ thống y học dự phòng Quân đội và các cơ sở, phân đội quân y tham gia phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa. Ngành quân y cần chủ động nghiên cứu, dự báo, nắm chắc tình hình tác chiến, thời tiết, dịch bệnh, các yếu tố tác động để xác định mục tiêu, đề xuất giải pháp phù hợp. Nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận bảo đảm quân y cho tác chiến, ứng phó các tác động của an ninh phi truyền thống; xây dựng thế trận quân y liên hoàn, vững chắc.
Đồng thời, ngành quân y cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học-công nghệ và chuyển đổi số công tác quân y, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, xây dựng ngành. Tích cực mở rộng hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, tham gia ứng phó hiệu quả các tác động của an ninh phi truyền thống; kết hợp công tác quân dân y theo chủ trương phát triển sự nghiệp y tế của Đảng, Nhà nước để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đồng thời tích cực xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng khu vực phòng thủ… bảo đảm cho ngành quân y nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()