Ðưa pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số
Cán bộ kiểm lâm huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn người dân ký cam kết bảo vệ và phát triển rừng. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cơ quan chức năng tập trung thực hiện trong nhiều năm qua. Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức đem lại hiệu quả trong chấp hành pháp luật, thực hiện dân chủ, tăng gia, sản xuất, cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.Xuất phát từ đời sống đồng bào DTTSTừ sáng sớm, hội trường xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã chật kín người vì có Tổ công tác của tỉnh về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con các thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập; thôn Phiêng Mơ, bản Bon, xã Phúc Yên và thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang về những nội dung cơ bản của các luật: Hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ và phát triển rừng. Tại đây, các tuyên truyền viên đã giới thiệu...
Cán bộ kiểm lâm huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn người dân ký cam kết bảo vệ và phát triển rừng. |
Xuất phát từ đời sống đồng bào DTTS
Từ sáng sớm, hội trường xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã chật kín người vì có Tổ công tác của tỉnh về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con các thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập; thôn Phiêng Mơ, bản Bon, xã Phúc Yên và thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang về những nội dung cơ bản của các luật: Hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ và phát triển rừng. Tại đây, các tuyên truyền viên đã giới thiệu những kiến thức cơ bản về pháp luật và phương thức sản xuất mới đến người dân, cũng như giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến quy định pháp luật. Trong một buổi sáng, Tổ công tác đã tổ chức để người dân các xã ký cam kết bảo vệ rừng, cũng như cam kết thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, loại bỏ các hủ tục mê tín dị đoan khỏi đời sống. Ông Poọng Văn Xiêm, ở bản Bon, xã Phúc Yên cho biết, nhà ông cách hội trường hơn năm cây số đường rừng, cho nên ông phải dậy từ bốn giờ sáng để cùng cả nhà đi cho kịp, vì muốn biết thêm kiến thức về pháp luật, kiến thức về sản xuất. Nhờ được tuyên truyền pháp luật, cho nên nhiều năm nay, gia đình ông không còn phá rừng, tập trung khoanh nuôi, bảo vệ rừng và chính rừng là nơi bảo đảm đời sống cho ông và các con cháu. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, đến thời điểm này, 100% số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức bảo vệ và phát triển rừng và ký cam kết thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Cùng với tuyên truyền pháp luật, việc giúp bà con nâng cao nhận thức trong phát triển sản xuất, về bình đẳng giới, sinh đẻ có kế hoạch, xây dựng gia đình văn minh no ấm, nhất là các biện pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong đồng bào DTTS được đẩy mạnh. Những năm trước đây, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong đồng bào DTTS ở mức báo động và hậu quả rất nghiêm trọng, làm suy yếu giống nòi, con người kém hoàn thiện về thể chất. Trước tình hình nêu trên, Hội Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang kết hợp các ngành hữu quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tác hại của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Do vậy, những năm gần đây, tình trạng này tại Tuyên Quang giảm hẳn. Chị Ma Thị Loan, xã Phúc Yên cho biết: Đi nghe tuyên truyền pháp luật, được cán bộ cho xem hình ảnh những người bị thiểu năng trí tuệ, tàn tật… do tác hại của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, cho nên mình sẽ đợi đủ tuổi theo quy định mới kết hôn để bảo đảm sức khỏe cho mình và con mình sau này. Theo lãnh đạo xã Phúc Yên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền từ nhiều năm nay, xã không còn xảy ra tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Tại phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà đời sống người dân dần dần được cải thiện, tệ nạn xã hội được đẩy lùi. Bà Trần Thị Hợi, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố số 35, phường Minh Xuân cho biết: Mười năm nay trên địa bàn không có người nghiện ma túy. Có được kết quả đó là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng; nhất là lực lượng tuyên truyền viên cơ sở đã tăng cường phổ biến pháp luật đến từng gia đình thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của tổ dân phố. Phường Minh Xuân đã thành lập các tổ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật gồm đại diện công an, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nhằm tuyên truyền sâu, rộng đến từng người trong từng hộ gia đình. Nhờ đó, nhận thức của người dân về pháp luật, cách phòng tránh các tệ nạn xã hội được nâng lên rõ rệt.
Nói về kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với bà con DTTS, chị Vũ Thị Minh Hiền, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Tuyên Quang chia sẻ, đặc thù là địa phương có đông đồng bào DTTS, do vậy, bên cạnh việc tìm hiểu, lựa chọn những kiến thức pháp luật phù hợp, gắn bó thiết thân với đời sống sinh hoạt hằng ngày để giới thiệu với bà con, những nội dung tuyên truyền đều được dịch sang tiếng dân tộc để người dân dễ hiểu. Công tác tuyên truyền được kết hợp với hình ảnh minh họa, tờ rơi, những chương trình giao lưu văn nghệ… từ đó giúp bà con tiếp nhận nhanh, dễ hiểu và dễ nhớ hơn.
Tại tỉnh Yên Bái, hơn một năm nay, phố Yên Ninh, phường Nguyễn Thái Học được thành phố Yên Bái triển khai thí điểm mô hình “Năm không, ba sạch”. “Năm không” là không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và không có trẻ bỏ học; ” ba sạch” là sạch nhà gắn với vệ sinh thân thể, sạch bếp ăn gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, sạch ngõ phố gắn với vệ sinh môi trường. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cho nên mô hình nói trên bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Dẫn chúng tôi đi trên con phố khang trang, sạch đẹp, bà Lê Thị Tuyết – Chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình “Năm không, ba sạch” của phố Yên Ninh cho biết, thời gian đầu triển khai mô hình gặp rất nhiều khó khăn vì chưa nhận được sự hưởng ứng của người dân, thậm chí nhiều người còn tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của chương trình này. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, vận động, chị em phụ nữ trong khu phố hiểu và thấy rõ hiệu quả thiết thực của mô hình trong đời sống, cho nên tích cực tham gia. Qua mô hình này, vấn đề bình đẳng giới, công tác chăm sóc trẻ em được quan tâm, số người vi phạm pháp luật giảm, 100% số gia đình không có bạo lực gia đình, trong khu phố không có trường hợp sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ bị suy dinh dưỡng và trẻ bỏ học. Trên cơ sở thành công của mô hình, thời gian tới, sẽ nhân rộng trên toàn thành phố, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho chị em phụ nữ cũng như phần lớn mọi người dân.
Cùng với tuyên truyền pháp luật cho đồng bào DTTS, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh Yên Bái đã lồng ghép nhiều chương trình tuyên truyền về tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, góp phần giúp người dân vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu bền vững. Đến với người dân xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn đúng mùa thu hoạch cam, một loại cây thế mạnh trong chương trình xóa đói, giảm nghèo của địa phương thời gian qua. Vừa xếp những quả cam vàng óng vào hộp để chuyển về Hà Nội tiêu thụ, ông Hà Văn Sình cho biết, nhờ Hội Nông dân xã tổ chức tuyên truyền về pháp luật và các chính sách của Đảng và Nhà nước, cho nên gia đình ông và nhiều hộ trong xã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gắn với trồng rừng. Mặc dù gia đình có hơn 3.000 m2 đất trồng cam, nhưng ông vẫn nhận thêm 10 ha đất rừng để đầu tư trồng các cây nguyên liệu. Hiện với mức thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ kinh tế vườn, rừng, gia đình ông đã thoát khỏi đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở
Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả nhất định, nhưng cũng còn nhiều hạn chế khiến công tác này chưa đạt kết quả như mong muốn. Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang Lê Quang Bích cho biết, khó khăn lớn nhất là trình độ nhận thức của đồng bào DTTS còn thấp. Bên cạnh đó, do địa hình miền núi phức tạp, đi lại khó khăn, khiến việc tổ chức các buổi sinh hoạt, các buổi tuyên truyền pháp luật thiếu thường xuyên. Trình độ cán bộ tuyên truyền viên, nhất là cấp xã, thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, tại Tuyên Quang có hơn một nghìn tuyên truyền viên cấp xã, thôn, đây là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại cơ sở, nhưng chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm và trình độ chỉ dừng lại ở bậc phổ thông, cá biệt những vùng sâu, vùng xa, cán bộ chỉ học hết cấp hai. Mặc dù mỗi năm có hàng chục luật và nhiều quy định mới liên quan đến đời sống kinh tế – xã hội được ban hành, nhưng các tuyên truyền viên cấp xã cũng chỉ được tập huấn từ một đến hai buổi/năm, cho nên không cập nhật được kiến thức. Bên cạnh đó, việc đưa các tài liệu về pháp luật, sách, báo đến với người dân vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn do kinh phí hạn hẹp.
Nói về những khó khăn trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, bà Nguyễn Thị Hợi, Bí thư Chi bộ, kiêm Tổ trưởng dân phố số 35 phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang tâm sự: Do thiếu cán bộ, cho nên mặc dù kiêm nhiệm chức Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố, nhưng bà vẫn phải đảm nhiệm luôn vai trò tuyên truyền viên về pháp luật. Do trình độ văn hóa chỉ ở bậc phổ thông, cho nên bà thường vận dụng kiến thức hiểu biết của mình thông qua công việc hằng ngày để tuyên truyền cho bà con. Tại những vùng sâu, vùng xa, việc tập hợp người dân để tuyên truyền pháp luật còn gặp khó khăn trở ngại hơn nhiều. Ông Nguyễn Trọng Tấn, cán bộ tư pháp xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình cho biết, mỗi khi tổ chức hội nghị tuyên truyền ở cơ sở, các trưởng thôn, bí thư chi bộ phải mất cả tuần đến từng hộ thông báo, vận động người dân. Tuy nhiên, khi hội nghị diễn ra cũng chỉ có đại diện hộ gia đình đến dự, thậm chí nhiều buổi sinh hoạt chỉ có trưởng, phó thôn, các đoàn thể, công an viên dự. Qua thực tế cho thấy, chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật tại cấp cơ sở thời gian qua còn hạn chế, nguyên nhân một phần do ý thức của người dân chưa cao, một phần do nội dung nhiều buổi tuyên truyền pháp luật không gắn với đời sống thiết thân hằng ngày của họ hoặc không đúng đối tượng cần tuyên truyền. Theo thống kê của Sở Tư pháp Tuyên Quang, thời gian qua, nhiều hội nghị tuyên truyền pháp luật được triển khai với các nội dung về hôn nhân và gia đình, giao thông đường bộ, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, nhưng đối tượng đến nghe chủ yếu chỉ là phụ nữ. Trong khi đó, phần lớn những người vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực nói trên lại là đàn ông và thanh niên.
Theo ông Nguyễn Duy Lãm, Vụ trưởng Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), để công tác tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai một số đề án nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên cấp cơ sở, Bộ Tư pháp đang gấp rút xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào DTTS tại các xã nghèo giai đoạn 2013 – 2020. Theo đó, thời gian tới ngành sẽ đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở cũng như khuyến khích các địa phương thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, nhất là đồng bào DTTS, góp phần giúp bà con phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()