Đưa pháp luật đến người lao động
![]() |
Đoàn viên các công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ thành phố Lạng Sơn nghe phổ biến pháp luật |
Hiểu luật để tránh thiệt thòi
Ông Nguyễn Khắc Tín (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) có thâm niên công tác hơn 10 năm tại một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại địa bàn thành phố Lạng Sơn. Cuối năm 2015, khi đang làm việc, ông Tín bị tai nạn giao thông phải nhập viện và nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo. Ông Tín không được thanh toán bất cứ một khoản gì ngoài tiền viện phí và bồi thường thương tật theo thỏa thuận với bên gây ra tai nạn.
Do không hiểu rõ quyền lợi mình được hưởng nên ông Tín không thắc mắc gì. Chỉ đến khi gặp Tổ tư vấn pháp luật, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh ông Tín mới “vỡ lẽ” rằng theo quy định của pháp luật thì công ty phải thực hiện chế độ bồi thường trợ cấp và chi phí y tế với người bị tai nạn lao động (6 tháng lương liền kề trước thời điểm xảy ra tai nạn lao động). Được các cán bộ tổ tư vấn hướng dẫn, ông Tín đã viết đơn đề nghị và được công ty giải quyết quyền lợi, chi trả 30 triệu đồng.
Ông Tín là một trong 6 NLĐ được LĐLĐ tỉnh trực tiếp tư vấn pháp luật để bảo vệ quyền lợi trong năm 2017. Ông Hà Văn Hải, thành viên Tổ tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh cho biết: Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tuyển dụng lao động phần lớn là lao động phổ thông, việc nắm bắt pháp luật của họ hạn chế. Có những công nhân bị mất quyền lợi mà chính họ cũng không biết và không hiểu rõ những quy định của pháp luật. Vì thế, khi NLĐ tìm đến, cán bộ công đoàn luôn lắng nghe tâm tư, tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình đúng theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Cùng với tư vấn pháp luật, những năm qua, các cấp công đoàn đặc biệt quan tâm tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho NLĐ, nhất là công nhân trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước nhằm hạn chế tình trạng vi phạm chế độ chính sách đối với NLĐ.
Với sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành đã tích cực tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho NLĐ với nhiều hình thức đa dạng như: thông qua sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép tại buổi họp cơ quan, đơn vị; tư vấn tại trụ sở đơn vị, qua điện thoại, lưu động tại doanh nghiệp. Đồng thời chủ động, tích cực tham gia giải quyết các kiến nghị, đơn khiếu nại, tố cáo, hỗ trợ pháp lý cho NLĐ. Từ năm 2017 đến nay, 1.339/1.446 công đoàn cơ sở đã tổ chức được hơn 5.700 cuộc tuyên truyền về: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động… cho hơn 40.000 đoàn viên, NLĐ tham gia; cấp phát 29.000 tờ rơi cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho NLĐ còn một số hạn chế. Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn ở cơ sở đều kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động tư vấn pháp luật chưa nhiều, trình độ năng lực còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của công nhân, viên chức, lao động.
Ông Lương Chí Công, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh cho biết: Để đưa pháp luật đến với NLĐ hiệu quả hơn, thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ tăng cường tuyên truyền về sự cần thiết của việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho chủ sử dụng lao động và NLĐ; đa dạng hóa cách thức tuyên truyền pháp luật như: sân khấu hóa, lồng ghép tổ chức chiếu phim phục vụ NLĐ để giảm bớt sự khô khan, căng thẳng, giúp NLĐ dễ nắm bắt, dễ hiểu, dễ nhớ và áp dụng trong thực tiễn…
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()