Đưa nước về bản
Chỉ huy, cán bộ Đoàn KT-QP 338 bàn giao công trình đập dâng Khuổi Sâu, Khuổi Cọ (xã Đào Viên, Tràng Định) cho chính quyền và nhân dân cơ sở |
Hành trình đưa nước về bản
Tháng 9/2015, tôi được dịp cùng đại tá Tạ Đức Thanh, Phó Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 338 đến thôn Bản Cáu, xã Thanh Long (Văn Lãng). Lúc này, những đám ruộng ở đây nứt nẻ, không một giọt nước, lúa mùa đang thì con gái cũng trở nên cằn khô. Nghe bà con Bản Cáu kể, thôn có hồ Pác Tạng nhưng không đủ nước tưới cho vùng. Vào mùa sản xuất, nước chảy từ chân ruộng cao xuống thấp. Hộ nào có ruộng đầu nguồn thì sản xuất được. Nhiều hộ cuối nguồn không đón được nước về buộc bỏ ruộng hoang, đi làm thuê kiếm sống. Vì thế, thôn có 50 hộ thì còn 33 hộ nghèo và cận nghèo. Nghe kể vậy, Phó Đoàn trưởng tham mưu với đơn vị cho xây dựng công trình hồ Pác Tạng; quy mô gồm 1 đập dâng, mương dẫn nước dài 1.973 m và 2 cầu máng dài 106 m. Sau 1 năm, công trình đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, kịp thời tưới cho 35 ha lúa vụ mùa năm nay.
Ông Đàm Văn Trò, Chủ tịch UBND xã Thanh Long kể: Đưa được nước về bản là cả một sự nỗ lực của Đoàn KT-QP 338. Các anh đã xuống tận nơi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, khảo sát địa bàn, phối kết hợp chặt chẽ với huyện, xã trong quá trình lập dự án đầu tư. Khi thi công gặp phải vướng mắc về mặt bằng nhưng bộ đội đã cùng chính quyền làm dân vận nên công trình đã xong trong niềm vui của bà dân bản.
Không chỉ thế, trong quá trình thi công, nhiều công trình thủy lợi gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Trở ngại lớn nhất là địa bàn đầu tư chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, miền núi nên ảnh hưởng đến vận chuyển vật liệu xây dựng. Đơn cử như để xây dựng công trình đập dâng và mương Khuổi Sâu, Khuổi Cọ, thôn Cảo Vài, xã Đào Viên (Tràng Định), đội thi công phải lập lán trại giữa rừng. Hằng ngày, mỗi công nhân vác bộ từng bao xi măng, gánh từng gánh cát và đá, nước trộn bê tông lên rừng đắp đập, xây mương.
Tiếng cười giòn giữa mùa khô ở vùng cao
Đến giờ phút này, anh Lộc Văn Thiên, Trưởng thôn Cảo Vài, xã Đào Viên (Tràng Định) vẫn chưa tin nổi ở khe núi Khuổi Sâu, Khuổi Cọ này lại có 1 hệ thống thủy lợi kiên cố có thể dẫn nước tưới được cả cánh đồng hạn bấy nhiêu năm. Anh Thiên kể: Từ năm ngoái về trước, đây chỉ là cái đập bằng đất do bà con tự đắp nên. Năm nào cũng vậy, dân cứ hô hào nhau góp công sức đắp đập chắn nước nhưng đến mùa mưa thì lại bị nước lũ phá hỏng. Mương cũng là mương tự đào cắt ngang qua núi nên rò rỉ nhiều nước. Thôn có 20 ha đất trồng lúa thì quá nửa diện tích bị hạn. Không giấu nổi niềm vui, anh Thiên bày tỏ: “Từ ngày có công trình mới của bộ đội đầu tư, ruộng không còn khô hạn, lúa đã trĩu bông, giờ không lo đi canh nước ban đêm nữa rồi”. Sở dĩ có được niềm vui này là nửa năm nay, công trình đập dâng Khuổi Sâu, Khuổi Cọ và gần 2.000 m mương dẫn nước được đưa vào sử dụng đảm bảo tưới cho 20 ha đất ruộng chỉ có thể sản xuất 1 vụ ở thôn Bản Cáu. Công trình do Đoàn KT-QP 338 sử dụng ngân sách quốc phòng gần 3,5 tỷ đồng để đầu tư.
Từ năm 2005 đến nay, tại địa bàn các huyện trong vùng dự án KT-QP Mẫu Sơn, Đoàn KTQP 338 đã đầu tư trên 50 tỷ đồng xây mới, sửa chữa và nâng cấp 18 công trình thủy lợi với chiều dài tuyến kênh mương dẫn nước trên 33.000 m, có thể phục vụ tưới cho gần 500 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, 16 công trình đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, 2 công trình (mương Nà Dài, xã Thanh Long, huyện Văn Lãng và đập dâng Nà Pè, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập) đang thi công
Đại tá Tạ Đức Thanh – Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 338 cho biết: Trong quy hoạch mở rộng khu KT-QP Mẫu Sơn thời gian tới, còn nhiều dự án thủy lợi sẽ được đầu tư. Chúng tôi sẽ thực hiện hiệu quả các dự án nhằm góp phần giúp bà con ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội vùng dự án.
Ý kiến ()