Đưa nước thực sự là một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ
Trong phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 14/11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Thủy lợi.
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thủy lợi cho biết, nhiệm vụ phát triển thủy lợi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo và xác định phát triển thủy lợi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đưa đến những tác động nặng nề cho toàn cầu nói chung và cho Việt Nam nói riêng.
Kể từ khi Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi được ban hành, Pháp lệnh đã cơ bản đi vào cuộc sống; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cộng đồng đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi từ đó đã có ý thức chấp hành pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; công tác kiểm tra, chỉ đạo các hoạt động về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi và các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy lợi đã phát sinh một số bất cập, trong đó nổi lên là: Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi chỉ quy định áp dụng đối với công trình đã xây dựng và được đưa vào khai thác. Các luật như Luật Đê điều năm 2006 là luật chuyên ngành về lĩnh vực đê điều mà đê điều là công trình thủy lợi đặc thù có nhiệm vụ ngăn nước lũ, nước biển dâng, Luật này chỉ quy định áp dụng đối với các tuyến sông, tuyến bờ biển có đê; các tuyến sông, tuyến bờ biển, hải đảo chưa có đê hoặc không thể xây dựng đê thì Luật này không điều chỉnh. Luật Tài nguyên nước năm 2012 có đề cập đến một số nội dung liên quan đến phòng, chống tác hại do nước gây ra, nhưng không có nội dung liên quan đến lĩnh vực thủy lợi.
Bên cạnh đó, một số hoạt động về lĩnh vực thủy lợi, như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi hiện tại chưa được điều chỉnh ở các văn bản pháp luật, các hoạt động về thủy lợi trong bối cảnh biến đổi khí hậu cũng chưa được đề cập.
Nguồn lực để phát triển thủy lợi hiện chủ yếu do Nhà nước đầu tư, trong bối cảnh kinh tế khó khăn sẽ là trở lực lớn, chưa có quy định về huy động nguồn lực của xã hội theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chưa có quy định thống nhất về mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi. Chưa quy định quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi…
“Để khắc phục được các bất cập nêu trên; đồng thời, nhằm thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng trong các Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc khóa X, khóa XI và XII về phát triển thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu, việc xây dựng để ban hành Luật Thủy lợi là thực sự cần thiết”, Tờ trình nêu vấn đề.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Thủy lợi; đồng thời khẳng định, dự án Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định thực tiễn thực thi trên 20 năm của Pháp lệnh; nội dung dự thảo về cơ bản đã thể chế hóa được quan điểm đổi mới của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác thủy lợi như quan điểm xã hội hóa công tác thủy lợi, chuyển từ cơ chế quản lý “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” để hoạt động thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, phục vụ đa ngành, đa mục tiêu; đáp ứng yêu cầu quản lý thủy lợi hiện nay…
Đề cập đến những vấn đề cụ thể, có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu làm rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật để bảo đảm việc quản lý được toàn diện, chặt chẽ, thống nhất, không chồng chéo với các luật đã ban hành.
Vấn đề về dịch vụ thủy lợi là một vấn đề lớn được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến. Các đại biểu nhất trí với quan điểm chuyển đổi cơ chế từ thu “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” để bảo đảm hiệu quả khai thác, sử dụng nước, giảm gánh nặng bao cấp từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư xây dựng công trình thủy lợi. Việc tính giá dịch vụ thủy lợi góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình thủy lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm.
“Chuyển đổi cơ chế thu từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của nhân dân đối với việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, đưa tài nguyên nước thực sự là một sản phẩm hàng hóa dịch vụ, là một yếu tố quan trọng của đầu vào trong sản xuất”, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) nêu quan điểm.
Với quan điểm đưa nước thực sự trở thành một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, một số ý kiến đại biểu đề nghị dự án Luật cần có quy định rõ hơn về chủ thể cung cấp dịch vụ thủy lợi được thu tiền; các loại hình dịch vụ thủy lợi; quy định giá, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ thủy lợi; công tác quản lý và sử dụng nguồn thu từ cung cấp dịch vụ thủy lợi…
Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề xuất dự án Luật cần có những quy định toàn diện hơn bởi dự án Luật chủ yếu thiên về việc quản lý, cung cấp các dịch vụ thủy lợi phục vụ chủ yếu cho phát triển nông nghiệp, trong khi yêu cầu đặt ra đối với Luật là sự tiếp cận đa mục tiêu, đa ngành trên các phương diện nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh và các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế-xã hội.
Sau khi phân tích những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang tác tới nước ta, đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La) đề nghị cần quy định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của Luật, bởi “nội hàm thủy lợi có phạm vi rộng, cần phải được xem xét và nghiên cứu, xây dựng các quy định một cách tổng thể theo hướng tiếp cận đa ngành; gắn quản lý, phát triển thủy lợi với phát triển bền vững và bảo đảm an ninh, quốc phòng”.
Liên quan đến quản lý Nhà nước về vấn đề thủy lợi, nhiều ý kiến nhấn mạnh, quản lý thủy lợi là vấn đề quan trọng của quốc gia, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với thủy lợi có tầm quan trọng đặc biệt, thể hiện ở vai trò đầu tư khai thác công trình thủy lợi, điều tiết khai thác, sử dụng và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi… Do đó, việc quản lý thủy lợi và các hoạt động liên quan đến nước cần bảo đảm sự thống nhất; có quy định phân công rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi…
Ngoài ra, vấn đề về bảo đảm an toàn hồ đập; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong hoạt động thủy lợi; vận hành công trình thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quy hoạch thủy lợi… cũng là những nội dung lớn được nhiều đại biểu đề cập.
Dự án Luật Thủy lợi được xây dựng gồm có 9 Chương, 72 Điều quy định về: Điều tra cơ bản, Chiến lược, Quy hoạch thủy lợi. Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi. Quản lý, khai thác công trình thủy lợi. An toàn công trình thủy lợi. Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong hoạt động về thủy lợi gồm. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về thủy lợi…
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()