Ðưa nước sạch về nông thôn Bình Ðịnh
Người dân nông thôn Bình Định đã có nước sạch để sử dụng. Gần mười năm trước, được sử dụng nước sạch còn là ước mơ của người dân Bình Định. Nhưng đến nay, toàn tỉnh đã có 87% số người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh...Mơ ước từ cuộc sống nghèoBình Định có 10 huyện, với 159 xã, phường, thị trấn; trong đó có 143 xã, thị trấn với 983 thôn, làng thuộc vùng nông thôn. Đây cũng là địa phương có điều kiện địa chất phức tạp, nguồn nước ngầm phân bố không đều, phía tây đất gò đồi cho nên hạn chế nguồn nước ngầm, phía đông tiếp giáp với biển nên nhiều địa phương bị nước mặn xâm thực, không thể đào giếng. Người dân trong vùng phải dùng nước ao, hồ để sinh hoạt từ bao đời nay gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm.Năm 2006, Trung tâm Y tế Dự phòng Bình Định kiểm nghiệm 185 nguồn nước trên địa bàn 16 xã cho thấy tỷ lệ nguồn nước đạt tiêu chuẩn nước sạch chỉ 1,1%; tỷ lệ đạt các chỉ tiêu về hóa lý là 58,47% (các chỉ...
Người dân nông thôn Bình Định đã có nước sạch để sử dụng. |
Mơ ước từ cuộc sống nghèo
Bình Định có 10 huyện, với 159 xã, phường, thị trấn; trong đó có 143 xã, thị trấn với 983 thôn, làng thuộc vùng nông thôn. Đây cũng là địa phương có điều kiện địa chất phức tạp, nguồn nước ngầm phân bố không đều, phía tây đất gò đồi cho nên hạn chế nguồn nước ngầm, phía đông tiếp giáp với biển nên nhiều địa phương bị nước mặn xâm thực, không thể đào giếng. Người dân trong vùng phải dùng nước ao, hồ để sinh hoạt từ bao đời nay gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Năm 2006, Trung tâm Y tế Dự phòng Bình Định kiểm nghiệm 185 nguồn nước trên địa bàn 16 xã cho thấy tỷ lệ nguồn nước đạt tiêu chuẩn nước sạch chỉ 1,1%; tỷ lệ đạt các chỉ tiêu về hóa lý là 58,47% (các chỉ tiêu không đạt thường gặp: pH 27%, sắt 8,19%, Nitrat 8,19%, Clo 4,91%)… Đặc biệt, mức độ ô nhiễm vi sinh vật nguồn nước có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép đến vài nghìn lần. Khảo sát các yếu tố liên quan cho thấy: có 25,1% nguồn nước xây dựng gần nhà tiêu; 65,6% gần chuồng gia súc, hố nước thải. Các yếu tố gây ô nhiễm như: dụng cụ lấy nước không bảo đảm, bơm hỏng tại điểm tiếp xúc, nền giếng hỏng… chiếm tỷ lệ khá cao.
Trước đây, người dân xã Phước Thuận và các xã khu đông huyện Tuy Phước rất khó khăn về nước sinh hoạt do nằm gần đầm Thị Nại cho nên mạch nước ngầm bị nhiễm mặn, không thể đào giếng. Nước uống và dùng để nấu ăn cũng phải mua từng thùng, nước sinh hoạt phải lấy từ các ao. Trước những khó khăn như vậy, nhưng khi vận động người dân chuyển sang dùng nước sạch thì họ lại không mặn mà. Một phần là do tập quán từ nhiều đời nay họ vẫn sống và sinh hoạt như vậy dẫn đến việc khó thay đổi quan niệm và nhận thức, một phần là khi nhắc đến việc đóng tiền hằng tháng là họ không muốn. Từ những nhận thức và quan niệm như vậy đã khiến trung tâm rất khó có thể triển khai thực hiện. Nhiều công trình được Nhà nước xây dựng và đưa vào sử dụng nhưng người dân vẫn chưa hưởng ứng dẫn tới khó khăn trong công tác duy trì, bảo quản.
Thành công nhờ công tác dân vận
Trước thực trạng trên, Bình Định đã không ngừng đẩy mạnh việc xây dựng các công trình cấp nước sạch đến các vùng nông thôn và hệ thống trường học, chợ, trụ sở xã và các công trình công cộng. Trong thời gian qua, bằng các nguồn vốn của T.Ư, tỉnh và nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bình Định xây dựng được 120 công trình nước sạch tập trung, hàng nghìn giếng nước, góp phần nâng tỷ lệ người dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt lên 87,6% (trong đó có 50% được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế); tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có hố tiêu hợp vệ sinh đạt 62,4%; số trường học, trạm y tế có nước sinh hoạt và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt khá cao; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại vệ sinh đạt 75% và làng nghề được xử lý chất thải đạt 15%.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMTNT) Bình Định Hồ Đắc Chương cho biết: Có được kết quả như ngày hôm nay phần lớn là nhờ vào công tác vận động người dân đồng lòng hưởng ứng tham gia. Với mục tiêu phục vụ nhân dân là mục tiêu cao nhất. Nếu nơi nào người dân chưa hiểu, chúng tôi tổ chức họp dân lấy ý kiến rồi ký vào biên bản, khi nào dân đồng thuận lúc đó mới triển khai. Chúng tôi không thực hiện dàn trải mà triển khai có trọng điểm, tập trung vào những nơi thiết yếu, điển hình như các xã khu đông của huyện Tuy Phước gồm: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng và các xã đông nam huyện Phù Cát như: Cát Thắng, Cát Tiến, Cát Chánh. Đến nay 100% số người dân ở các vùng này đã được cấp nước. Như vậy, mục tiêu đến năm 2015 đạt 95% số dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy định là hoàn toàn khả thi.
Gặp chúng tôi, những hộ dân ở xã Phước Thuận vui mừng bày tỏ: Như một giấc mơ có thật, bao năm nay người dân chúng tôi chẳng bao giờ có thể nghĩ đến một ngày lại có nước sạch để ăn uống và sinh hoạt. Vậy mà giờ đây, nhà nào nhà nấy đều có nước sạch để sử dụng. Từ ngày có nước sạch, người dân quanh xã đều phấn khởi, số người mắc bệnh đường ruột và đường hô hấp đều giảm hẳn…
Tỉnh Bình Định đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, mở rộng hệ thống đường ống dẫn nước đến các khu dân cư; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn ưu đãi của Nhà nước đầu tư đưa nước sạch để sử dụng và sinh hoạt. Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia NS và VSMTNT từ nay đến năm 2015, Bình Định không ngừng tập trung đầu tư nâng cấp mở rộng các công trình hiện có, nâng cao hiệu suất hoạt động của công trình, đầu tư xây dựng mới các công trình có quy mô lớn cấp nước liên xã, liên huyện để từng bước thay thế cấp nước nhỏ lẻ, nhất là những địa bàn có mật độ dân cư đông, nguồn nước dễ bị ô nhiễm do hoạt động sản xuất, chăn nuôi, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra.
Việc triển khai các công trình cấp nước nhanh, hiệu quả là điểm đáng ghi nhận của Trung tâm NS và VSMTNT Bình Định. Tuy nhiên, để vận hành công trình một cách bền vững, tỉnh cần giao cho cán bộ có kiến thức chuyên môn sâu. Có như vậy, mục tiêu người dân toàn tỉnh được sử dụng nước sạch lâu dài mới thành công.
Theo Nhandan
Ý kiến ()