Ðưa nước sạch về nông thôn
Người dân bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (Điện Biên) đã có nguồn nước sạch để sử dụng. Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (nước sạch và VSMTNT) giúp cải thiện đời sống, nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Chương trình đã hạn chế được dịch bệnh, nâng cao sức khỏe người dân, tăng tỷ lệ các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, góp phần xây dựng nông thôn mới.Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia nước sạch và VSMTNT, với mục tiêu đến năm 2020 tất cả người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, với số lượng ít nhất 60 lít/người/ngày, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và thực hiện vệ sinh cá nhân, giữ sạch vệ sinh môi trường. Đến nay, đã có khoảng 78% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; trong đó được sử dụng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn của Bộ...
Người dân bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (Điện Biên) đã có nguồn nước sạch để sử dụng. |
Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia nước sạch và VSMTNT, với mục tiêu đến năm 2020 tất cả người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, với số lượng ít nhất 60 lít/người/ngày, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và thực hiện vệ sinh cá nhân, giữ sạch vệ sinh môi trường. Đến nay, đã có khoảng 78% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; trong đó được sử dụng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 37%. Khoảng 78% số hộ gia đình có nhà tiêu, trong đó khoảng 52% số nhà tiêu đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh; 87% số trường mầm non, trường phổ thông và trạm y tế xã, 48% số chợ nông thôn, 72% số UBND xã có công trình nước sạch…
Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng, song các mục tiêu của chương trình vẫn chưa trọn vẹn, nhất là mục tiêu vệ sinh và môi trường. Công tác tổ chức, triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế. Ở một số địa phương hoạt động chưa thường xuyên, còn hình thức. Có sự chênh lệch về khả năng tiếp cận nước sạch và VSMTNT ở các vùng nghèo, hộ nghèo so các vùng khá, hộ khá, hộ giàu. Mặt khác, hiệu quả hoạt động của một số công trình cấp nước tập trung chưa cao và thiếu bền vững, công tác tổ chức quản lý, vận hành còn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các công trình giao cho cộng đồng quản lý, dẫn đến một số công trình mới đưa vào phục vụ trong thời gian ngắn đã bị hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đến đời sống và lòng tin của nhân dân.
Mặt khác, nhận thức của người dân chưa cao, nhất là người dân ở vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa thật sự quan tâm vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh hộ gia đình. Một vấn đề nữa là kinh phí phân bổ cho hợp phần vệ sinh tại nhiều địa phương thực hiện không theo hướng dẫn, trong đó tỷ lệ phân bổ cho hợp phần vệ sinh không đủ 30%, phần lớn chỉ dành 5% kinh phí cho hợp phần này.
Trong giai đoạn tới, để bảo đảm vệ sinh tại các khu vực nông thôn, phòng, tránh những bệnh thường gặp do nguồn nước và nhà tiêu không hợp vệ sinh, Bộ Y tế đã đề xuất, nghiên cứu xây dựng mô hình nhà tiêu giá rẻ, thích hợp với các vùng sinh thái khác nhau. Bố trí đủ kinh phí để thực hiện hợp phần vệ sinh. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù giai đoạn qua đã có không ít thành công nhưng chương trình còn nhiều tồn tại và thách thức trước bối cảnh biến đổi khí hậu.
Vì vậy, trước mắt, trong những tháng cuối năm 2012, Tổng cục Thủy lợi cần phối hợp các bộ, ngành và các đơn vị liên quan hoàn thiện các văn bản, thông tư hướng dẫn; ban hành khung kế hoạch tổng thể giai đoạn 2012-2015 và tăng cường công tác thông tin, truyền thông; chỉ đạo các địa phương cập nhật bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường; phối hợp thúc đẩy triển khai nguồn vốn hỗ trợ mở rộng vốn tín dụng đối với cấp nước, chuồng trại, chăn nuôi và hầm bi-ô-ga; đề xuất với các nhà tài trợ về kế hoạch tổng thể khung hỗ trợ Chương trình giai đoạn 2012-2015… Đặc biệt, Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp các địa phương gắn hoạt động của Chương trình với hoạt động xây dựng nông thôn mới, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia trên cơ sở phù hợp với đặc thù từng địa phương, tạo thuận lợi để Chương trình đạt mục tiêu đề ra. Đối với địa phương, cần huy động tổng hợp các nguồn lực như: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn lực xã hội hóa, doanh nghiệp, sức dân… để tập trung thực hiện Chương trình theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đề cao trách nhiệm của người dân với cộng đồng, gia đình và bản thân, chủ động lồng ghép các chương trình, lựa chọn những dự án, hoạt động cần ưu tiên và khả năng huy động các nguồn lực để tổ chức triển khai…
Bên cạnh đó, vấn đề nguồn vốn đầu tư cần được quan tâm, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và tỷ lệ phân bổ vốn cho các vùng này phải cao hơn. Làm tốt những công tác trên, chương trình nước sạch và VSMTNT mới mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp người dân nông thôn ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo Nhandan
Ý kiến ()