Ðưa nước sạch lên đồi núi
Cần thực hiện tốt việc quản lý, vận hành các công trình nước sạch để bảo đảm nguồn nước hợp vệ sinh cho nhân dân vùng cao Lai Châu. Tỉnh Lai Châu có khoảng 60% số địa phương có độ cao hơn 1.000 m, dân số hơn 380 nghìn người; trong đó chỉ có gần 55 nghìn là cư dân đô thị, còn lại là dân số sống ở nông thôn và số đông là khu vực miền núi với 20 dân tộc anh em sinh sống phân bố không tập trung. Đó là những khó khăn khi đưa vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường...82% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch - mục tiêu khóKhó nói hết niềm vui của người dân ở Khu tái định cư (TĐC) Chăn Nưa khi 258 hộ dân người Thái (1.167 khẩu) chuyển về đây lập nên bảy bản mới. Họ được sử dụng nước sạch từ công trình có tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, lấy từ hai con suối cách các bản 10 km, dẫn về 20 bể chứa cho bà con sử dụng. Thế là hết...
Cần thực hiện tốt việc quản lý, vận hành các công trình nước sạch để bảo đảm nguồn nước hợp vệ sinh cho nhân dân vùng cao Lai Châu. |
82% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch – mục tiêu khó
Khó nói hết niềm vui của người dân ở Khu tái định cư (TĐC) Chăn Nưa khi 258 hộ dân người Thái (1.167 khẩu) chuyển về đây lập nên bảy bản mới. Họ được sử dụng nước sạch từ công trình có tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, lấy từ hai con suối cách các bản 10 km, dẫn về 20 bể chứa cho bà con sử dụng. Thế là hết cảnh đi xa vài cây số gùi nước “mó” về dùng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tầy gang. Nước mới chảy tràn trề được ba tháng thì… tắt ngấm. Tìm hiểu thì do đường ống chạy ngang qua lòng quốc lộ 12. Một đơn vị khác thi công gói thầu đường tránh ngập đã làm hỏng đường ống, dẫn đến mất nước. Đơn vị chủ đầu tư đã cử cán bộ kỹ thuật tới sửa chữa. Tuy nhiên, nước chỉ về lại được mấy ngày rồi tắt ngấm từ đó đến nay… đã ba năm! Người dân Chăn Nưa lại dài tay xách nước từ đó đến giờ.
Với mục tiêu định ra là hết năm 2011, tỷ lệ dân số nông thôn Lai Châu được sử dụng nước hợp vệ sinh phải đạt 82% (đến năm 2015 là 90%). Tuy nhiên, có lẽ mục tiêu này khó thực hiện được. Khi mà hết năm 2011, có sáu công trình chuyển tiếp từ năm 2010 thì mới xong được hai công trình cấp nước cho bản Nà Hang (xã Bum Nưa, huyện Mường Tè) và bản Chu Va 8 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường). Còn lại hai công trình đã xây xong nhưng chưa bàn giao và hai công trình còn dở dang. 24 dự án được dự kiến sẽ phê duyệt trong năm 2011 vẫn đang nằm trên bàn chờ phê duyệt (có công trình đã phê duyệt rồi nhưng chưa thể thực hiện). Nguyên nhân của việc chậm trễ này là thực hiện Nghị quyết 11, với chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, nên hầu hết các công trình xây dựng cơ bản tại Lai Châu phải đình lại. Như vậy có thể nói, mục tiêu 82% dân số nông thôn Lai Châu được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng sẽ là con số sẽ được hoàn thành… vào năm sau, hoặc năm sau nữa.
Bất cập trong quản lý sau đầu tư
Nói về khó khăn của ngành cấp nước cho khu vực nông thôn ở Lai Châu, có lẽ khó khăn nhất là việc các địa bàn quá rộng (huyện Mường Tè xa nhất, cách trung tâm tỉnh 200 km. Từ trung tâm huyện về xã, bản xa nhất là 100 km nữa). Dân cư lại sống rải rác ở các bản cách rất xa nhau, địa hình phần lớn dốc cao, nên có tới 95% số các công trình cấp nước là nhỏ lẻ. Có nơi như ở đỉnh núi Dào San (huyện Phong Thổ), nếu thực hiện thì mất tới 38 tỷ đồng, nên Trung tâm nước sạch đành chuyển sang phương án “cấp nước cục bộ”, tức là không thể xây đường ống về bản, mà chỉ “cứng hóa” bê-tông các “mó” nước bà con vẫn sử dụng.
Hiện nay, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Lai Châu chỉ có 14 cán bộ. Các công trình nước được Trung tâm xây dựng dự án và quản lý đầu tư, khi xong, bàn giao công trình và tập huấn cho xã về công tác vận hành và định hướng thu chi là mọi việc chấm dứt. Việc quản lý sau đầu tư, sửa chữa hỏng hóc hoàn toàn do cơ sở chịu trách nhiệm. Việc hỏng hóc đường ống nước không được sửa chữa ở khu TĐC Chăn Nưa đã nêu ở đầu bài là một thí dụ.
Theo anh Quý – cán bộ của Trung tâm nước sạch cho biết: Việc quản lý vận hành sau đầu tư là việc quá khó đối với trung tâm, vì trung tâm có quá ít người, địa bàn quản lý lại quá rộng. Nên các công trình cấp nước sạch cho miền núi Lai Châu hiện nảy sinh ra quá nhiều bất cập sau khi hoàn thành và đi vào vận hành. Hiện nay ở Tây Bắc, có lẽ mới chỉ có các tỉnh Tuyên Quang và Sơn La là thực hiện tốt việc quản lý sau đầu tư như thế. Tại tỉnh Lai Châu, hiện nay mới chỉ có hai xã là Pác Ta (huyện Tân Uyên) và Phúc Than (Than Uyên) làm tốt công tác này. Nước sạch được dẫn về từng nhà, lắp đồng hồ quản lý và từng hộ dân phải trả tiền nước. Số tiền này được xã dùng vào quỹ công để duy tu, bảo trì, sửa chữa hỏng hóc. Nhưng cũng cần nói thêm, đây là những xã có đông đồng bào Kinh sinh sống, nên việc quản lý nguồn nước dễ dàng thực hiện theo nguyên tắc như vậy. Ở nhiều vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao sinh sống, người dân vẫn quen sử dụng nước một cách rất tự nhiên. Tức là nước về nhà thì dùng, nếu không có thì lại đi xách, đi gùi. Nước bể được dẫn về cứ bỏ mặc cho chảy tràn trề suốt ngày. Có người còn bắc cả đường ống nước sinh hoạt dẫn ra… ao nhà mình. Thế nên, việc tập huấn cách sử dụng nước văn minh, tiết kiệm song song với việc bố trí quản lý vận hành, duy tu sửa chữa một cách hợp lý mới là những giải pháp quan trọng để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh lâu dài cho nhân dân vùng cao ở Lai Châu, cũng như các vùng núi phía bắc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()