Ðưa nước sạch đến với buôn làng
Người dân Ea Drông, thị xã Buôn Hồ (Đác Lắc) được sử dụng nước sạch. Chương trình cấp nước sinh hoạt cho vùng nông thôn, Đác Lắc đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hàng chục công trình cấp nước sạch. Nhiều công trình phát huy tốt nhưng cũng có công trình chỉ mới đưa vào sử dụng thời gian ngắn đã hư hỏng.Công trình cấp nước thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) được xây dựng từ năm 2008, đến tháng 9-2009 đưa vào sử dụng với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng bảy tỷ đồng, do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường (TTNSH và VSMT) tỉnh Đác Lắc quản lý. Công trình cấp nước cho 520 hộ dân thuộc tám tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị trấn, có hệ thống cấp nước tự chảy tương đối hoàn chỉnh, nguồn nước được lấy ở độ cao 170 m so với nơi tiêu thụ và được xử lý bằng clo. Từ khi công trình đi vào hoạt động, góp phần cải thiện đáng kể điều kiện sinh hoạt của người dân khu vực thị trấn Krông Kmar, nhất...
|
Công trình cấp nước thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) được xây dựng từ năm 2008, đến tháng 9-2009 đưa vào sử dụng với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng bảy tỷ đồng, do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường (TTNSH và VSMT) tỉnh Đác Lắc quản lý. Công trình cấp nước cho 520 hộ dân thuộc tám tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị trấn, có hệ thống cấp nước tự chảy tương đối hoàn chỉnh, nguồn nước được lấy ở độ cao 170 m so với nơi tiêu thụ và được xử lý bằng clo. Từ khi công trình đi vào hoạt động, góp phần cải thiện đáng kể điều kiện sinh hoạt của người dân khu vực thị trấn Krông Kmar, nhất là việc khan hiếm nước sạch vào mùa khô. Không những vậy, công trình trên cũng góp phần giúp người dân thoát khỏi cảnh phải sử dụng nguồn nước sông, suối hoặc các giếng nước không bảo đảm vệ sinh và thường ô nhiễm vào mùa mưa, cạn kiệt vào mùa khô. Anh Lăng Văn La (người dân tộc Nùng) ở tổ dân phố 8 cho biết, trước đây, mỗi khi vào mùa khô, hầu hết mọi người đều lo lắng vì thiếu nước sinh hoạt, nhất là với những nhà dùng nước giếng đào. Bây giờ thì người dân trong khu dân cư không chỉ có đủ nước dùng mà việc ăn uống, sinh hoạt cũng thuận lợi và hợp vệ sinh hơn, hạn chế tình trạng nhiều người bị mắc các bệnh tiêu chảy, đau mắt, ghẻ lở. Chị Tăng Thị Hải Yến (tổ dân phố 8) kể: Gia đình chị có năm người, trước đây dùng chung giếng nước với nhà hàng xóm nhưng vào mùa khô thường thiếu nước, còn mùa mưa lại bị đục do mạch nước ngầm trên núi đổ về. Vì vậy, từ khi có công trình cấp nước tập trung, gia đình đã đăng ký sử dụng và nhận thấy rất tiện lợi. Để bảo đảm cho công trình hoạt động hiệu quả, thường xuyên, liên tục, TTNSH và VSMT tỉnh đã hợp đồng với hai người dân địa phương để quản lý, vận hành công trình, thường xuyên trực xử lý nước, theo dõi sửa chữa kịp thời những hư hỏng nhẹ, khử nước và lấy mẫu để gửi xét nghiệm chất lượng nước theo định kỳ, thu phí của từng hộ dân để lấy kinh phí hoạt động, điều hành trạm…
Thôn Ea Hăn, xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) được tách ra từ thôn Yang Hăn vào tháng 2-2009. Thôn có 132 hộ với 809 khẩu, phần đông là người Mông di cư từ các tỉnh miền núi phía bắc vào, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 20%. Trước đây, người dân phải đi gùi nước rất xa, nước lấy ở suối về lại không bảo đảm vệ sinh, nhất là vào mùa khô rất thiếu nước. Đầu năm 2009, thấy có nguồn nước sạch, từ đầu nguồn dãy núi Yang Hăn chảy về, chính quyền thôn đã vận động được 38 hộ gia đình đồng ý đóng góp kinh phí xây bể chứa 13 m3, đường ống dẫn chính 4.200m, các phụ kiện, công lắp ráp, quỹ bảo dưỡng… hết hơn 91 triệu đồng (chưa tính công phát dọn, đào rãnh, chôn ống) để xây dựng công trình nước sạch tự chảy. Tháng 3-2009, dòng nước sạch đã được dẫn về đến tận nhà. Từ đó đến nay, tại thôn Ea Hăn, người dân đã đóng góp xây dựng được ba công trình nước sạch tự chảy với tổng số tiền hơn 250 triệu đồng, cung cấp nước sạch đến tận 121/132 hộ trong thôn. Trưởng thôn Ea Hăn Sùng Minh Hoàng, cho biết: Bà con trong thôn rất mong có nước sạch để dùng nên đều tự giác đóng góp kinh phí xây dựng.
Các công trình cấp nước về với vùng sâu, vùng xa không những đem lại niềm vui mà còn góp phần thay đổi thói quen sử dụng nước suối, khe để sinh hoạt, như công trình cấp nước ở xã Yang Mao (Krông Bông), đầu tư xây dựng từ năm 2001, bao gồm đường ống dẫn nước tự chảy từ suối Ea Car xuống 11 thôn, buôn với chiều dài 7 km. Hầu hết người dân trên địa bàn xã được hưởng lợi công trình này, và nó đã mang lại hiệu quả xã hội rất thiết thực là đem đến cho người dân một nguồn nước bảo đảm vệ sinh hơn, cũng như góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong vệ sinh ăn, uống. Hay công trình cấp nước ở xã Cư Pui (Krông Bông), được đưa vào sử dụng từ tháng 5-2009 với tổng kinh phí gần sáu tỷ đồng, có công suất thiết kế 250 m3/ngày đêm; giai đoạn 1 cấp nước cho 780 hộ, giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 500 m3/ngày đêm, cấp nước cho 1.026 hộ.
Trên địa bàn tỉnh Đác Lắc hiện có 72 công trình cấp nước tập trung, trong đó Trung tâm nước sinh hoạt và môi trường nông thôn (NSH và MTNT) quản lý, vận hành 12 công trình, còn lại thuộc các địa phương quản lý. Điều đáng nói là trong số công trình cấp nước thuộc các địa phương quản lý, vận hành hiện có gần một nửa không hoạt động được, hoặc hoạt động không thường xuyên do hỏng hóc về mặt kỹ thuật. Tại huyện Ma Đ’rắc, hai công trình cấp nước Buôn Trang, Ea M’lai đã trở thành hoang phế từ nhiều năm nay. Ông Lưu Mạnh Hà, ở xã Ea Rôk, huyện Ea Súp phản ánh: Trạm cấp nước ở đây làm xong, giao cho xã quản lý. Nước dùng tháng nào, bà con trả tiền đầy đủ tháng ấy. Không hiểu vì sao được gần một năm thì công trình gặp sự cố, nhưng chẳng thấy ai đến sửa chữa. Người dân phản ánh thì xã bảo không có kinh phí. Vậy chúng tôi đóng tiền để làm gì, chẳng lẽ không trích một phần để duy tu, bảo dưỡng? Còn ở Ea Tul (Cư M’gar), Ea Hồ (Krông Năng) cũng xảy ra tình cảnh tương tự, những công trình cấp nước làm xong, sau một thời gian thì hỏng, người dân lại quay về dùng nước sông, suối như xưa.
Theo khảo sát, đánh giá của Trung tâm NSH và MTNT tỉnh thì đến nay có 16/60 công trình cấp nước tập trung ở địa bàn nông thôn được đầu tư xây dựng theo Chương trình mục tiêu quốc gia chính thức bị “xóa sổ”. Với bình quân số tiền đầu tư xây dựng một trạm cấp nước khoảng năm đến bảy tỷ đồng, thì đã có gần 100 tỷ đồng bị tiêu tốn một cách vô ích. Hơn 1.000 hộ dân lại phải chịu cảnh gùi nước sông, nước suối về dùng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý, vận hành các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Đác Lắc nên giao cho Trung tâm NSH và MTNT làm chủ, nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn như đã nêu. Bởi thực tế cho thấy, nơi nào được trung tâm đầu tư, xây dựng và quản lý trạm cấp nước thì nơi đó hoạt động, vận hành rất tốt. Người dân được dùng nước với chất lượng bảo đảm và thường xuyên 24/24 giờ. Cụ thể ở trạm cấp nước Ea Drông (thị xã Buôn Hồ), Ea M’Ró (Cư M’gar), Krông Kma, Hòa Phong, Cư Pui (Krông Bông)… đều là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng việc cấp nước ở đây từ nhiều năm qua đạt chất lượng tốt là do Trung tâm NSH và MTNT trực tiếp quản lý. Anh Nguyên Minh, nhân viên trạm cấp nước Krông Kma cho biết: Khi sự cố xảy ra, tôi tìm hiểu nguyên nhân điện thoại báo về cho trung tâm thì mọi chuyện được giải quyết nhanh gọn.
Rõ ràng, muốn phát huy hiệu quả của các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh hiện nay, nên chăng các cấp, các ngành có thẩm quyền phải có cuộc khảo sát, đánh giá toàn diện để có giải pháp tháo gỡ. Nên bàn giao các trạm cấp nước không đủ năng lực quản lý, vận hành cho Trung tâm NSH và MTNT. Có như vậy mới không lãng phí tiền của ngân sách và người dân vùng nông thôn thụ hưởng đầy đủ những tiện tích mà Chương trình mục tiêu quốc gia mang lại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()