Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử: Những tín hiệu vui
– Sau 3 tuần triển khai chương trình phát triển kinh tế số, đến nay, lượng nông sản tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử đang ngày càng tăng. Cùng đó, chương trình được nhiều người dân hưởng ứng tích cực và đánh giá cao về hiệu quả đạt được.
Chương trình phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh được chia làm 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 được triển khai từ ngày 20/7 đến ngày 20/9/2021 trên địa bàn 5 huyện: Chi Lăng; Hữu Lũng; Văn Quan; Tràng Định; Bắc Sơn. Một trong những mục tiêu chương trình đề ra trong giai đoạn này là có 50% hộ dân trên địa bàn các huyện có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử. Trong thời điểm này, các đơn vị tập trung giải pháp nhằm tiêu thụ nông sản thông qua 2 sàn thương mại điện tử là Vỏ sò (voso.vn) và Postmart (postmart.vn).
Nhân viên Viettel Post tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đóng gói các nông sản được đặt mua từ sàn voso.vn
Là một trong hai đơn vị hỗ trợ thực hiện, từ khi triển khai, Viettel Lạng Sơn đã huy động tối đa lực lượng nhằm hỗ trợ người dân tại các huyện cách tạo tài khoản số cũng như các bước truy cập, đăng nhập tài khoản. Do đặc thù tại một số địa phương, người dân có trình độ sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, đơn vị đã thành lập các nhóm zalo để có thể thường xuyên giải đáp thắc mắc cũng như hỗ trợ bà con cách đăng bán các sản phẩm. Ngoài ra, khi phát sinh giao dịch trên các tài khoản mở bán sản phẩm, đơn vị chủ động hỗ trợ chủ gian hàng thực hiện các bước giao dịch bằng hình thức tư vấn trực tiếp qua điện thoại.
Để người dân mở tài khoản số một cách nhanh chóng, dễ dàng nhất cũng như có thể tiếp cận và khai thác hiệu quả từ thương mại điện tử, Viettel Lạng Sơn và Bưu điện tỉnh đẩy mạnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã trong quá trình thực hiện.
Đơn cử như tại xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng – một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn, trong đó, chủ yếu là na, ông Lý Trường Giang, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ ngày 20/7 đến ngày 10/8, trong tổng số hơn 700 hộ dân tại xã, đã có gần 100 hộ mở thành công tài khoản số, đạt khoảng 30% mục tiêu đề ra. Thông qua các hoạt động truyền thông, đào tạo, hướng dẫn, bước đầu, trên địa bàn xã đã có các tài khoản tiêu thụ đạt mức trên 300 kg/ngày.
Chị Hoàng Minh Hương, người dân tại xã Yên Vượng cho biết: Việc bán nông sản qua sàn điện tử rất dễ dàng và tiện lợi, chỉ cần chụp ảnh sản phẩm và điền các thông tin về sản phẩm đăng lên là sẽ được đặt mua. Trung bình mỗi ngày, tôi nhận được từ 30 đến 50 đơn đặt hàng sản phẩm na thông qua sàn Vỏ sò, lượng sản phẩm bán được đạt từ 300 đến 400 kg/ngày. Khác với trước đây, không chỉ ở riêng thị trường Hà Nội mà rất nhiều khách hàng từ các tỉnh khác đặt mua sản phẩm.
Người dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng đóng hộp quả na để vận chuyển đi tiêu thụ
Theo thống kê sơ bộ của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tính đến ngày 11/8, trên địa bàn các huyện triển khai chương trình phát triển kinh tế số giai đoạn 1 đã có khoảng 7.400 gian hàng số, tài khoản thanh toán điện tử; tăng gần 5.000 gian hàng so với 1 tuần trước đó. Sản lượng nông sản qua cả 2 sàn Vỏ sò và Postmart đạt trên 2 tấn/ngày. Trong đó: sàn voso.vn đạt khoảng 1,5 tấn/ngày; sàn postmart.vn đạt gần 1 tấn/ngày. Hiện nay, hầu hết lượng nông sản tiêu thụ qua các sàn là sản phẩm na tại 2 huyện: Chi Lăng và Hữu Lũng, do đây là thời điểm thu hoạch na.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng Công nghệ Thông tin, Sở TT&TT tỉnh cho biết: Hiện nay, Sở TT&TT tiếp tục đề nghị 2 đơn vị: Viettel Lạng Sơn và Bưu điện tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ bà con trong việc lập tài khoản số và hướng dẫn cách sử dụng. Mục tiêu là trước ngày 20/9, tại 5 huyện triển khai phát triển kinh tế số giai đoạn 1, có 50% số hộ có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử; đối với các huyện còn lại, mục tiêu trên sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021. Theo dự kiến, khi hoàn tất, lượng nông sản tiêu thụ qua các sàn có thể đạt gần 10 tấn/ngày. Trong quá trình thực hiện, Sở TT&TT tiếp tục chú trọng lựa chọn các cá nhân khai thác hiệu quả lợi ích từ sàn thương mại điện tử, từ đó, phát triển mạng lưới các tài khoản “đầu tàu”, tạo sức lan tỏa đến nhiều người dân trong phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh các lợi ích trông thấy, trong quá trình triển khai chương trình, vẫn còn một số điểm hạn chế như: cước phí vận chuyển đối với sàn postmart còn khá cao; một số đơn hàng vận chuyển chậm ảnh hưởng đến chất lượng. Trước thực tế đó, các cấp, ngành liên quan đã và đang xây dựng phương án để giải quyết nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng các sàn thương mại điện tử. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử sẽ ngày càng lớn hơn. Qua đó, góp phần giải quyết mối lo về đầu ra, giá cả sản phẩm cho bà con nông dân
GIA KHÁNH
Ý kiến ()