Đưa nông sản địa phương vào siêu thị: Còn nhiều khó khăn
– Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, tạo ra nhiều loại sản phẩm nông sản phục vụ nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, để đưa hàng nông sản vào hệ thống siêu thị nhằm tạo chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững vẫn đang là bài toán khó đối với người sản xuất.
Rau bò khai là một trong những loại rau đặc sản của Lạng Sơn, năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lũng Cút , huyện Chi Lăng được thành lập với 18 thành viên sản xuất rau bò khai theo hướng an toàn với quy mô 7 ha, cùng đó, HTX đầu tư dán tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc. Song, sản phẩm của HTX chủ yếu được tiêu thụ ở chợ đầu mối và qua thương lái. Rau được đưa vào kênh siêu thị còn khó khăn. Ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc HTX cho biết: Mặc dù HTX canh tác theo hướng an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm song để sản phẩm tiêu thụ trong các siêu thị lớn còn hạn chế do sản lượng không đủ để cung cấp vào siêu thị thường xuyên.
Rau hữu cơ của HTX Nông sản Hữu Lũng được bày bán tại hệ thống siêu thị Hà Nội
Bên cạnh đó, các chủ thể sản xuất phần lớn vẫn là hộ dân, diện tích còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, các sản phẩm còn theo tính chất mùa vụ. Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lộc Bình cho biết: Lộc Bình có các sản phẩm đặc trưng, trong đó, nổi bật như khoai lang Lộc Bình. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm này còn gặp khó khăn, đặc biệt là tiêu thụ trong hệ thống siêu thị. Bởi, một trong những yêu cầu khi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong siêu thị thì người dân cần cung ứng sản phẩm liên tục quanh năm, đảm bảo chất lượng, trong khi người dân sản xuất còn mang tính thời vụ. Do đó, thị trường tiêu thụ khoai của bà con vẫn chủ yếu qua các kênh truyền thống.
Ngoài ra, để đưa được sản phẩm nông sản tiêu thụ trong các siêu thị, người dân, HTX, doanh nghiệp cần nhiều thủ tục, hồ sơ pháp lý, giá thành chi phối bởi nhiều loại thuế, phí và đảm bảo các yêu cầu khắt khe về tem, mã vạch truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác…
Trước những khó khăn đó, các cấp, ngành chức năng đã có một số giải pháp thúc đẩy tiêu thụ. Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu cho sở tổ chức các chương trình, hội nghị nhằm xúc tiến đầu tư, kết nối các kênh tiêu thụ khác nhau. Từ năm 2019 đến nay, trung tâm đã tổ chức 7 hội chợ thương mại để quảng bá các sản phẩm nông sản. Đặc biệt, trong năm 2021, trung tâm đã tham mưu sở phối hợp với các ngành chức năng tổ chức buổi làm việc tại hệ thống siêu thị Winmart Lạng Sơn nhằm đưa sản phẩm na tiêu thụ trong siêu thị. Tuy nhiên, do chưa đáp ứng một số yêu cầu về sản lượng, chi phí để bán nông sản trong siêu thị cao nên việc đưa sản phẩm này vào siêu thị còn hạn chế.
Cùng với đó, những năm qua, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Đến nay, đã xây dựng và phát triển được các vùng tiêu biểu như: vùng rau với diện tích trên 3.000 ha/năm, giá trị bình quân đạt hơn 150 tỷ đồng/năm; vùng thạch đen diện tích khoảng 2.500 ha/năm, giá trị thu được bình quân đạt trên 200 tỷ đồng/năm; vùng na diện tích trên 3.600 ha, giá trị sản lượng thu được trên 1.000 tỷ đồng/năm… Việc phát triển vùng sản xuất được gắn với thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa, toàn tỉnh có trên 2.980 ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Tuy nhiên, đến nay, các mặt hàng nông sản của tỉnh tiêu thụ trong các siêu thị không đáng kể và còn hạn chế. Mặc dù không có thống kê cụ thể, song theo tìm hiểu từ phòng NN&PTNT các huyện, thành phố, tính đến nay, mới có 4 sản phẩm: rau (HTX nông sản Hữu Lũng), mắc ca (Công ty Cổ phần Mắc ca và Sa chi), tinh bột nghệ (HTX nông nghiệp Hồng Nhung), trà diếp cá (HTX Chế biến nông sản Lụa Vy) được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Hiện nay, hệ thống siêu thị là một trong những kênh tiêu thụ hàng hoá ổn định cho người sản xuất, nhất là đối với sản phẩm nông sản. Ông Nguyễn Quang Hòa, Chánh Văn phòng Sở NN& PTNT cho biết: Để thúc đẩy hỗ trợ đưa nông sản vào hệ thống siêu thị, thời gian tới, sở tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc… Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm thông qua các hội nghị, hội chợ nhằm tạo sự kết nối cho các đơn vị sản xuất – tiêu thụ. Qua đó, góp phần tăng số lượng các mặt hàng nông sản địa phương vào tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị, đảm bảo đầu ra ổn định và lâu dài.
Ý kiến ()