Đưa người thu nhập thấp đến với kênh tín dụng an toàn
Hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, trở thành kênh cung cấp vốn cho các nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp-đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng, từ đó gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và góp phần hữu hiệu ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen”.
Lãi suất phù hợp với từng đối tượng khách hàng
Là một dạng tín dụng được cung cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình nhằm hỗ trợ việc mua sắm, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ nên tín dụng tiêu dùng ngày càng trở nên phổ biến. Kênh tín dụng này cho phép người tiêu dùng có ngay nguồn tài chính để mua hàng và trả góp theo thỏa thuận đã được đồng ý trước. Do vậy giúp người dân kiểm soát tốt hơn việc quản lý tài chính cá nhân và chủ động trong việc đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng. Các hình thức tín dụng tiêu dùng phổ biến bao gồm: Thẻ tín dụng, vay tiêu dùng cá nhân, vay mua hàng trả góp…
Hiện nay, những người nghèo, người khó khăn ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận tín dụng từ ngân hàng (thiếu tài sản bảo đảm, lịch sử trả nợ không tốt…), dẫn tới khi có nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng lại quay sang vay “tín dụng đen”, để rồi dẫn tới gặp hàng loạt hệ lụy. Cùng chung cảnh ngộ, do gặp khó khăn về tài chính trong cuộc sống nên một số công nhân lao động cũng đang bị nạn cho vay nặng lãi hoành hành.
Nhân viên Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) tư vấn cho khách hàng có nhu cầu vay tín dụng tiêu dùng. Ảnh: SAO MAI
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho khách hàng và người dân tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng do NHNN Việt Nam cấp phép, tài chính vi mô, các quỹ tín dụng… cải cách thủ tục hành chính, mở rộng mạng lưới. Đặc biệt là mạng lưới tại khu vực vùng sâu, vùng xa và các sản phẩm dịch vụ tài chính số để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng cá nhân.
Có thể nói, việc cho vay tiêu dùng qua các kênh chính thức từ ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty tài chính công nghệ (fintech)… đã và đang đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng cá nhân. Ước tính tới nay, các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đã hỗ trợ khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.
Đại diện Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) cho biết, thời gian qua, các công ty tài chính đã có thay đổi rất lớn để điều tiết lãi suất phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Điển hình, năm 2022 và 2023, FE Credit đã đưa gói tín dụng đến từng công ty cho công nhân với mức lãi suất thấp, thậm chí còn cạnh tranh và thấp hơn lãi suất ngân hàng.
Là sinh viên mới ra trường, anh Nguyễn Tuấn Anh ở phố Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội chia sẻ: “Tôi cần một chiếc máy tính xách tay để phục vụ cho công việc mới được tuyển dụng nhưng chưa có tích lũy nên có nhu cầu vay tiền để mua hàng. Tham khảo trên internet, tôi thấy có nhiều tổ chức, cá nhân đưa ra các gói cho vay nhưng lãi suất vay vốn rất cao, thậm chí lên đến hàng trăm %/năm. May mắn là cửa hàng bán máy tính có liên kết với công ty tài chính cho vay tiêu dùng với mức lãi suất phù hợp (1-3%/tháng) nên tôi có thể sở hữu chiếc máy tính xách tay với khoản trả góp mỗi tháng nằm trong khả năng thanh toán của mình”.
Dư nợ cho vay chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế
Tính đến ngày 31-8-2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với cuối năm 2022, nợ xấu chiếm tỷ lệ hơn 4%. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945 tỷ đồng (chiếm hơn 5% dư nợ cho vay phục vụ đời sống). Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên 8-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Các chuyên gia nhận định, việc thị trường tín dụng tiêu dùng gặp khó khăn là do chịu ảnh hưởng từ hậu Covid-19, cầu nền kinh tế và thế giới đều thấp, biến động địa chính trị trên thế giới… Trong đó, các đối tượng: Công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp. Điều này ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng khi đến hạn thanh toán.
Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm “tín dụng đen” và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN Việt Nam cấp phép là tổ chức “tín dụng đen” nên không trả nợ và thành lập hội “bùng nợ” trên Zalo, Facebook… nhưng không hề bị xử lý. Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, mặc dù dư nợ cho vay tiêu dùng toàn ngành ngân hàng tăng nhưng riêng dư nợ của 16 công ty tài chính không tăng mà còn giảm hơn 60.000 tỷ đồng.
Tăng cường các biện pháp xác thực khách hàng vay vốn
Các chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý cho vay tiêu dùng đã có nhưng chưa hoàn thiện và chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến việc người đi vay “bùng nợ” nhưng không bị xử lý triệt để. Do vậy cần luật hóa rõ ràng về nghĩa vụ trả nợ của bên đi vay đối với bên cho vay và có chế tài xử phạt nghiêm minh. Từ đó khiến người đi vay không dám “bùng nợ” vì sẽ không trốn được sự trừng phạt của pháp luật. Ngoài ra, mức lãi suất cần phù hợp với mức thu nhập của người lao động, đó là điều kiện để người vay tiếp cận dễ dàng hơn với tín dụng tiêu dùng chính thống.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam) cho biết, thời gian tới, NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường biện pháp xác thực khách hàng vay vốn để tránh rủi ro và thu hồi nợ tốt hơn. Để triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) về ứng dụng dữ liệu dân cư trong ngành ngân hàng, NHNN Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an xây dựng kế hoạch phối hợp xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID trong mở tài khoản điện tử và triển khai chấm điểm tín dụng tại các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Thanh Tùng cũng nhấn mạnh giải pháp cần nâng cao trách nhiệm của người dân về việc “đã đi vay là phải có ý thức trả nợ”.
Thời gian tới, NHNN Việt Nam sẽ chủ động, tích cực hơn trong tham gia thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó tiếp tục có giải pháp đẩy mạnh giải ngân chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ; gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản và tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước cần phát huy tốt vai trò chủ lực; các ngân hàng thương mại cổ phần tham gia tích cực, sáng tạo trong triển khai những chính sách này.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dua-nguoi-thu-nhap-thap-den-voi-kenh-tin-dung-an-toan-750756
Ý kiến ()