LSO- Thi thoảng tôi lại được nghe câu chuyện về “hành trình” đưa cây ngô lai đến với đồng đất Xứ Lạng từ những cán bộ lâu năm trong ngành nông nghiệp. Câu chuyện không mới, nhưng vẫn rất “hút” người nghe. Xuyên suốt cả hành trình ấy là sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ chuyên môn trong việc từng bước nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy sản xuất của người nông dân. Sơ chế ngô ở huyện Bình GiaĐến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, giống ngô ở Lạng Sơn cơ bản là các loại giống cũ, năng suất rất thấp, trung bình chỉ ở mức 15-18 tạ/ha. Trong khi đó diện tích trồng cũng chỉ vài nghìn ha, chủ yếu là tận dụng nương, rẫy. Chẳng thế mà thời kỳ ấy chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực của cả tỉnh chỉ vào khoảng trên 100 nghìn tấn/năm mà vẫn rất khó đạt. Lo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống còn khó khăn, người nông dân lúc ấy đã ai dám nghĩ tới sản xuất lương thực hàng hóa, phát triển...
LSO- Thi thoảng tôi lại được nghe câu chuyện về “hành trình” đưa cây ngô lai đến với đồng đất Xứ Lạng từ những cán bộ lâu năm trong ngành nông nghiệp. Câu chuyện không mới, nhưng vẫn rất “hút” người nghe. Xuyên suốt cả hành trình ấy là sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ chuyên môn trong việc từng bước nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy sản xuất của người nông dân.
Sơ chế ngô ở huyện Bình Gia
Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, giống ngô ở Lạng Sơn cơ bản là các loại giống cũ, năng suất rất thấp, trung bình chỉ ở mức 15-18 tạ/ha. Trong khi đó diện tích trồng cũng chỉ vài nghìn ha, chủ yếu là tận dụng nương, rẫy. Chẳng thế mà thời kỳ ấy chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực của cả tỉnh chỉ vào khoảng trên 100 nghìn tấn/năm mà vẫn rất khó đạt. Lo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống còn khó khăn, người nông dân lúc ấy đã ai dám nghĩ tới sản xuất lương thực hàng hóa, phát triển chăn nuôi…Trong bối cảnh ấy, nguy cơ mất an ninh lương thực như sợi dây vô hình kìm hãm tốc độ phát triển của Xứ Lạng. Ông Nông Ngọc Tăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kể: Trước tình hình ấy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã luôn trăn trở để tìm hướng đi, định hướng cho người nông dân sản xuất và chủ trương đưa ngô lai vào sản xuất đã ra đời. Nhưng bước đường từ chủ trương đến hiện thực gặp quá nhiều khó khăn. Trong đó, trở ngại cơ bản nhất là tư duy sản xuất theo lối quảng canh, tự phát, bảo thủ, ngại đổi mới đã ăn sâu bám rễ trong người nông dân miền núi. Chính vì vậy, muốn đưa ngô lai vào sản xuất phải xác định không thể nóng vội mà phải dần dần, từng bước. Điều trước tiên, quan trọng nhất là phải minh chứng được hiệu quả thực tiễn cho người nông dân.
Theo chủ trương đó, quá trình triển khai được bắt đầu từ diện tích vài ha làm điểm ở các địa phương trong tỉnh. Thời điểm ấy, trong khi đi kiểm tra tình hình sản xuất, công tác tại các địa phương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều lồng ghép tuyên truyền về hiệu quả của các giống ngô lai, đồng thời dành quà tặng cho bà con là dăm bao ngô giống, ngành chuyên môn chịu trách nhiệm hướng dẫn về kỹ thuật canh tác và hỗ trợ về vật tư. Vụ đầu tiên triển khai, năng suất ngô tăng gấp rưỡi, vụ sau nữa tăng gấp đôi…và năng suất của các mô hình trình diễn nhanh chóng tăng lên đến trên 40 tạ/ha. Một con số mà người nông dân lúc bấy giờ trong mơ cũng chẳng dám nghĩ tới. Những địa phương nghèo như Mẫu Sơn, Lộc Bình trước bữa no, bữa đói, thiếu lương thực tới 8 tháng mỗi năm, mà bỗng nhiên nay chỉ một vụ đã đủ ăn cả năm sau.
Đến thời điểm năm 1993, tỉnh tiếp tục ban hành chính sách khuyến nông, xây dựng mạng lưới khuyến nông cơ sở rộng khắp trong toàn tỉnh. Lúc này, phong trào đưa ngô lai vào sản xuất đã thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: mỗi cán bộ khuyến nông được chỉ đạo phải trực tiếp xây dựng một mô hình về trồng ngô lai, đồng thời hướng dẫn 15-20 hộ gia đình cùng thực hiện theo kiểu cầm tay chỉ việc, ngay sau khi thu hoạch phải tổ chức hội nghị đầu bờ để bà con nhìn thấy ngay hiệu quả mà làm theo. Kiên trì với hướng đi đó, sau vài năm, ngô lai trên đồng đất Xứ Lạng không chỉ phát triển về chiều rộng, tăng diện tích mà còn phát triển về cả chiều sâu, năng suất chất lượng không ngừng tăng lên.
Cho đến nay, diện tích trồng ngô cả năm của Lạng Sơn đã đạt trên 20 nghìn ha, riêng diện tích ngô xuân ở mức 15 nghìn ha. Đặc biệt hiệu quả là phong trào đưa ngô xuống các chân ruộng hạn đã làm tăng ngô ruộng lên 5.000ha, không những tận dụng được đất xấu, mà còn góp phần tăng năng suất. Năng suất của các mô hình không ngừng tăng lên, nay đã đạt 70-80 tạ/ha, cá biệt trong vụ xuân năm 2009 có mô hình đạt năng suất tới 120,2 tạ/ha. Nói như ông Nông Ngọc Tăng, với con số ấy, năng suất ngô của Lạng Sơn đã tiệm cận với năng suất ngô của cường quốc phát triển nhất thế giới: nước Mỹ. Hiện nay, năng suất ngô trung bình của các tỉnh miền núi phía Bắc đạt khoảng 45-49tạ/ha, trong khi đó năng suất ngô trung bình của Lạng Sơn vượt trội với 53-55 tạ/ha. Vừa qua, huyện Lộc Bình đã thống kê, năng suất ngô bình quân toàn huyện đã đạt tới 62 tạ/ha, vượt xa khu vực. Đưa ngô lai vào sản xuất đã góp phần đưa tổng sản lượng lương thực của toàn tỉnh lên trên 280 nghìn tấn mỗi năm. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn bước đầu đã tạo ra các vùng hàng hóa, phục vụ cho công nghiệp chế biến… Đó chính là cái gốc, là nền tảng quan trọng để Xứ Lạng ổn định và có những bước phát triển đột phá trong thời kỳ đổi mới.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()