Đưa Móng Cái trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng nông, thủy sản
Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái hội tụ đầy đủ các tiềm năng phát triển độc đáo, khác biệt, đa ngành, tổng hợp mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh ông Đỗ Văn Tuấn cho biết thành phố Móng Cái đang huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp đồng bộ hạ tầng cửa khẩu để sớm đưa Cửa khẩu quốc tế Móng Cái trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy sản.
Móng Cái là thành phố cửa khẩu, có vị trí chiến lược về kinh tế chính trị, quốc phòng an ninh và đối ngoại, nằm trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, được xem là cửa ngõ quan trọng trong việc kết nối trực tiếp Việt Nam với khu vực ASEAN nói chung và Trung Quốc nói riêng.
Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái có diện tích lớn nhất trong các khu kinh tế của Việt Nam, hội tụ đầy đủ các tiềm năng phát triển độc đáo, khác biệt, đa ngành, tổng hợp mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu khi tiêu thụ đến hơn 1/4 giá trị xuất khẩu nhóm nông, thủy sản của Việt Nam thì việc phát huy tiềm năng thế mạnh và triển vọng trong xuất nhập khẩu nông, thủy sản qua địa bàn thành phố Móng Cái càng là cơ hội cho địa phương này tiếp tục bứt phá.
Năm 2022, Móng Cái nói riêng và Quảng Ninh nói chung đã hoàn thành và đưa vào hoạt động hiệu quả nhiều dự án, công trình trọng điểm, động lực thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực lợi thế như đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, cầu Bắc Luân II, cảng ICD Thành Đạt…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái Đỗ Văn Tuấn thông tin hiện thành phố đang đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng nền tảng cửa khẩu số thông minh tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II; huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp đồng bộ hạ tầng cửa khẩu; hoàn thiện thủ tục để triển khai một số dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án Trạm Kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II gắn với khu dịch vụ thương mại; xây dựng Trung tâm giao dịch hàng hóa nông, lâm, thủy sản Quốc tế tại lối mở Km3 4 Hải Yên; phối hợp với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) thúc đẩy lắp đặt phòng thí nghiệm của Tập đoàn Kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Hoa Chi nhánh Quảng Tây (CCICGX) tại lối mở Km3 4 Hải Yên; xây dựng cầu sắt thô sơ tại lối mở Km3 4 Hải Yên/cặp chợ biên mậu Đông Hưng; xây dựng cầu Bắc Luân 3.
Đồng thời, thành phố tập trung thi công Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh – giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành vào quý 4/2024 sẽ là điểm trung chuyển hàng nông sản từ miền Nam ra miền Bắc và hình thành, kết nối tuyến vận tải biển từ các cảng trong nước vận chuyển hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; xây dựng cầu sắt thô sơ tại lối mở Km3 4 Hải Yên/cặp chợ biên mậu Đông Hưng, nâng cấp lối mở thành cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) giữa hai nước, xây dựng tổ hợp cảng Vạn Ninh.
Trong những năm qua, thành phố gặp nhiều khó khăn, nhất từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu.
Ứng phó linh hoạt với chủ trương “Không COVID” của Trung Quốc, chính quyền thành phố Móng Cái đã chủ động đẩy mạnh quan hệ ngoại giao, tổ chức hội đàm trực tuyến với chính quyền thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để thảo luận, trao đổi về các biện pháp thúc đẩy việc thông quan hàng hóa giữa hai địa phương gắn với thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, tại cuộc Hội đàm gần đây nhất được tổ chức hồi cuối tháng 12 vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy, Thị trưởng Chính quyền nhân dân thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) Lý Kiện đề xuất phía Móng Cái một số nội dung liên quan tới thúc đẩy kết nối liên thông, thương mại khu vực biên giới Việt-Trung, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Ka Long (Việt Nam)-Bến Biên mậu Đông Hưng (Trung Quốc); thông quan hàng hóa gia công tại khu chợ Biên mậu Đông Hưng qua cầu Bắc Luân II; hoạt động du lịch, thể thao, hợp tác lao động qua biên giới…
Đề xuất trên được chính quyền thành phố Móng Cái hoan nghênh và thống nhất giao cho các cơ quan chức năng tương đồng phía hai bên khẩn trương nghiên cứu, thống nhất các phương án vận hành cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác xuất nhập khẩu.
Bà Trần Bích Ngọc, Trưởng Ban quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cho hay đơn vị đã đẩy mạnh đối ngoại, tiếp tục tranh thủ quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với thành phố Đông Hưng.
Duy trì trao đổi qua đường dây nóng với Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) để kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình khôi phục thông quan tại cửa khẩu, lối mở.
Đồng thời, gửi cho phía bạn phương án quản lý ăn nghỉ, làm việc khép kín của các lực lượng cửa khẩu Móng Cái, lái xe trung chuyển, lái xe đường dài, công nhân trong khu vực cửa khẩu, lối mở, gửi video clip cơ sở vật chất trong khu vực quản lý ăn nghỉ tập trung, quy trình test nhanh cho người, quy trình khử khuẩn phương tiện tại các chốt kiểm soát… để phía bạn yên tâm với các biện pháp thiết lập “Vùng xanh an toàn” của Móng Cái, đẩy nhanh khôi phục thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, lối mở.
Bằng các biện pháp giữ vững vùng xanh an toàn, các hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở (Cửa khẩu cầu Bắc Luân II, lối mở Km3 4 Hải Yên, cửa khẩu Ka Long) được nối lại, từng bước ổn định, phát huy hiệu quả.
Trong hơn 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân qua cửa khẩu Móng Cái đạt trên 4 tỷ USD/năm, tăng 46% so với năm 2020.
Năm 2022, tổng trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 1 triệu tấn đạt 40% so với chỉ tiêu 2,5 triệu tấn của năm.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 3,267 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2021.
Cửa khẩu đã thu hút 310 doanh nghiệp mới (giảm 12% so với năm 2021), nâng tổng số 733 doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn (giảm 32 doanh nghiệp so với năm 2021).
Thu ngân sách nhà nước đạt 1.499,97 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2021.
Năm 2023, thành phố Móng Cái sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp giữ vững vùng xanh an toàn cho khu vực cửa khẩu, lối mở; phối hợp xúc tiến thương mại nhằm kết nối doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, nhất là thủy sản, nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản quốc tế./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()