Đưa làn điệu dân ca vào hoạt động giáo dục trẻ tại các trường mầm non
- Thời gian qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc lồng ghép các làn điệu dân ca vào hoạt động giáo dục trẻ, qua đó, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, giúp trẻ phát triển toàn diện.
Tiết mục hát then của học sinh Trường Mầm non 10 - 10, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định
Cuối tháng 3/2024, chúng tôi có mặt tại hội thi “Bé với làn điệu dân ca” cấp cụm được tổ chức tại Trường Mầm non 10/10, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định. Tại hội thi, các em đã biểu diễn các bài hát từ làn điệu dân ca cổ hoặc lời mới, sử dụng chất liệu dân ca như: hát then, sli, lượn…với nội dung ca ngợi Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, con người, cuộc sống…
Cô Nông Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các làn điệu dân ca của địa phương, đặc biệt là hát then, đàn tính được chúng tôi lồng ghép thường xuyên vào trong nội dung học của trẻ hằng ngày. Đơn cử như trong các chủ điểm động vật, thực vật, gia đình, quê hương… các cô giáo chủ động tìm những bài có liên quan đến dân ca như: lý con sáo, lý cây bông, bà còng đi chợ, inh lả ơi… từ đó giúp trẻ hiểu được nội dung, ngôn ngữ riêng của từng bài dân ca, làm phong phú thêm vốn từ của trẻ.
Được biết, việc đưa các làn điệu dân ca vào hoạt động giáo dục trong trường mầm non là hoạt động không bắt buộc nhưng ngay từ đầu mỗi năm học, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch học tập có nội dung lồng ghép các làn diệu dân ca của địa phương. Bên cạnh việc tổ chức hội thi “Bé với làn điệu dân ca”, để việc lồng ghép các làn điệu dân ca vào nội dung giáo dục được lôi cuốn, hấp dẫn hơn, các cô giáo còn chuẩn bị nhạc cụ cho trẻ như: phách tre, trống lắc, đàn tính và các loại nhạc cụ gõ...; dạy trẻ vận động theo nhạc, biết phối hợp âm nhạc với nhịp điệu. Độ tuổi mà hầu hết các trường lựa chọn lồng ghép làn điệu dân ca vào hoạt động giáo dục là từ 3 đến 5 tuổi, bên cạnh dạy lời bài hát giúp trẻ thuộc thì các cô còn giải thích ý nghĩa sao cho trẻ hiểu từ đó giúp vốn từ của trẻ phong phú hơn.
Chị Đặng Thảo Nguyên có con 5 tuổi học tại Trường Mầm non 19/5, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi rất vui khi thấy con ở trường được các cô giáo dạy cho những làn điệu dân ca của địa phương, cách phân biệt các nhạc cụ dân tộc. Từ những trải nghiệm và các hoạt động tại trường, con tôi không chỉ hát được một số làn điệu dân ca mà còn hiểu ý nghĩa của từng câu hát, làm cho vốn từ của con ngày càng phong phú.
Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 232 trường mầm non với hơn 54.000 trẻ. Nếu như 5 năm về trước, việc đưa các làn điệu dân ca lồng ghép vào chương trình học chỉ được làm điểm tại một số trường trên địa bàn thành phố thì trong 5 năm trở lại đây, 100% trường mầm non được tập huấn chuyên môn về lồng ghép các hoạt động đa dạng văn hoá trong đó có thực hiện việc lồng ghép các làn điệu dân ca vào các hoạt động giáo dục; ngay từ đầu các năm học, các trường học, cụm trường chủ động xây dựng kế hoạch lồng ghép sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị...
Bên cạnh đó, các trường còn chủ động đầu tư trang thiết bị dạy học bổ trợ cho hoạt động dạy và biểu diễn các làn điệu dân ca và tự làm mô hình đàn tính từ vật liệu tái chế, tự làm phách tre, trang phục dân tộc...
Bà Nguyễn Ngọc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thời gian qua, 100% trường mầm non đều làm tốt việc lồng ghép các làn điệu dân ca vào các hoạt động giáo dục, đặc biệt, tổ chức tốt các hội thi “Bé với làn điệu dân ca”. Việc đưa các làn điệu dân ca vào giảng dạy và các hoạt động giáo dục trong nhà trường là rất cần thiết, không những có tác dụng to lớn đối với việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị tinh thần to lớn của ông cha để lại mà còn mang lại cho các em sự thích thú khi được tìm hiểu về đời sống tinh thần, những nét văn hóa đặc sắc của quê hương, dân tộc mình. Đối với trẻ mầm non, các làn điệu dân ca là những cảm xúc đặc biệt, mang lại cho thế giới trẻ thơ nhiều điều thú vị và bổ ích.
Việc lồng ghép các làn điệu dân ca vào hoạt động giáo dục góp phần để các trường mầm non trong thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Ý kiến ()