Đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo về tuyến huyện: Giảm gánh nặng cho người bệnh
(LSO) – Thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo về các trung tâm y tế tuyến huyện. Nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho những bệnh nhân bị suy thận trên địa bàn huyện được khám, chữa bệnh ngay tại địa phương, giúp giảm bớt chi phí điều trị cho người bệnh.
Ngày 31/10/2019, ông Lăng Văn Can, khu phố Điềm He 2, xã Văn An, huyện Văn Quan là bệnh nhân chạy thận đầu tiên tại Trung tâm y tế (TTYT) huyện Văn Quan. Ông Can chia sẻ: Tôi 70 tuổi, đã chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ tháng 4/2019. Khi TTYT huyện tiến hành chạy thận nhân tạo ngay tại cơ sở, tôi rất vui vì có thể giúp gia đình tiết kiệm được nhiều chi phí khám chữa bệnh.
Cán bộ Trung tâm Y tế Văn Quan chuẩn bị thực hiện các bước trong chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân
Không chỉ có ông Can, rất nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) đã được chuyển về các TTYT tuyến huyện để điều trị. Trước đây, toàn tỉnh chỉ có 3 cơ sở chạy thận nhân tạo gồm: BVĐK tỉnh, TTYT huyện Hữu Lũng, TTYT huyện Bắc Sơn với 46 máy chạy thận nhân tạo. Để tạo điều kiện tốt nhất cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân ở khu vực miền núi, cách xa các bệnh viện lớn đang phải điều trị bệnh suy thận mãn tính với chu kỳ kéo dài theo quy định; năm 2018, qua rà soát nhu cầu thực tế tại các TTYT huyện, Sở Y tế đã đầu tư 25 máy chạy thận và 5 hệ thống lọc nước hiện đại trang bị cho TTYT các huyện: Cao Lộc, Tràng Định, Văn Quan, Lộc Bình, Chi Lăng với tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng. Đến hết tháng 10/2019, các đơn vị được đầu tư hệ thống chạy thận nhân tạo đã đi vào hoạt động.
Để hoạt động của các máy chạy thận nhân tạo đảm bảo an toàn, hiệu quả, công tác đào tạo cán bộ, chuyển giao kỹ thuật đã được thực hiện nghiêm túc. Bác sĩ Trần Mậu Việt, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: BVĐK là đơn vị trực tiếp đào tạo cán bộ, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho các đơn vị; 5 TTYT đã cử 26 bác sĩ, điều dưỡng đến bệnh viện học tập. Sau thời gian đào tạo, tất cả các bác sĩ, điều dưỡng đều đã thực hiện tốt công việc của mình tại các TTYT huyện. Đặc biệt, việc các TTYT huyện thực hiện chạy thận nhân tạo tại cơ sở đã góp phần giảm tải cho BVĐK. Trước khi chưa chuyển giao kỹ thuật cho 5 TTYT huyện, bệnh viện thường xuyên chạy thận cho 188 bệnh nhân, chạy 5 ca liên tục. Đến nay, đã có 78 bệnh nhân được chuyển về điều trị tại TTYT huyện. Không những vậy, máy chạy thận nhân tạo còn có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp cứu đối với những bệnh nhân bị ngộ độc bởi hoá chất, chất độc, giúp đơn vị có thể xử lý kịp thời nhiều tình huống trong cấp cứu.
Tuy không phải là kỹ thuật vượt tuyến nhưng việc đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo vào các bệnh viện tuyến huyện là quyết tâm rất lớn của ngành y tế. Có thể nói, đây là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng thành tựu của y học hiện đại vào điều trị cho bệnh nhân, qua đó, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()