Ðưa Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống với tinh thần mới
Là Luật cơ bản của nước CHXHCN Việt Nam và với vị trí pháp lý cao nhất, bằng cả lời văn và tinh thần, giới chuyên gia pháp luật nhìn nhận Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có sứ mệnh tạo nền tảng pháp lý vững chắc và động lực mạnh mẽ cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội và sinh hoạt quốc gia trên nền tảng dân chủ, pháp quyền.
Rà soát gần… 99.000 văn bản
Theo GS, TSKH Ðào Trí Úc, Hiến pháp năm 2013 (Hiến pháp) của Việt Nam phản ánh nhu cầu bức xúc của sự phát triển mọi mặt của đất nước trên con đường phát triển và hội nhập, bảo đảm sự phù hợp với các giá trị căn bản của thời đại.
Xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên và tập trung chỉ đạo trong năm 2014 và các năm tiếp theo, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác thi hành Hiến pháp trong phạm vi cả nước. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Báo cáo tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Theo Kế hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm rà soát toàn diện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương ban hành. Từ đó, lập danh mục các quy định trái Hiến pháp cần phải dừng thi hành, các quy định cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.
Qua thống kê số liệu tổng hợp của Bộ Tư pháp, tổng số văn bản QPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới: 205 văn bản, bao gồm: 91 luật, hai nghị quyết của Quốc hội; 27 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 40 nghị định của Chính phủ, một quyết định của Hội đồng Bộ trưởng; ba quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 42 thông tư liên tịch, thông tư, quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ…
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, do đây là lần đầu việc rà soát pháp luật theo quy định của Hiến pháp “được tiến hành một cách toàn diện, khối lượng văn bản cần rà soát là rất lớn và trong thời gian ngắn, nguồn lực còn hạn chế” nên đến nay, việc hoàn thiện, tổng hợp kết quả rà soát văn bản QPPL vẫn đang tiếp tục được triển khai để bảo đảm yêu cầu.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 16-10-2014, tổng số văn bản được các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát là 98.922 văn bản. Trong đó, Bộ, ngành, địa phương kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới đối với 283 văn bản. Trong đó, về kết quả rà soát văn bản QPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản QPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ: Tổng số văn bản QPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được rà soát theo Hiến pháp: 9.698 văn bản.
Ngoài ra, riêng đối với văn bản QPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua tổng hợp kết quả rà soát cho thấy, có thêm 30 luật, pháp lệnh được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới.
Ðối với hoạt động rà soát văn bản QPPL về quyền con người, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát các luật, pháp lệnh có quy định về quyền con người. Kết quả rà soát ban đầu cho thấy, trong tổng số 172 luật, pháp lệnh được rà soát, tổng số luật, pháp lệnh được đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới là 35 văn bản, bao gồm: 15 luật, pháp lệnh được đề xuất sửa đổi, bổ sung; 11 pháp lệnh được đề xuất cần thay thế bằng luật; 9 luật được đề xuất ban hành mới.
Về kết quả rà soát văn bản QPPL theo chuyên đề: Bộ Nội vụ đã tiến hành rà soát 300 văn bản, trong đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hai luật và bốn văn bản khác, tập trung vào tổ chức và hoạt động của Chính phủ, đơn vị hành chính và chính quyền địa phương. Một số kiến nghị đã được nghiên cứu, thể hiện trong quá trình xây dựng Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bộ Quốc phòng đã rà soát 21 luật, pháp lệnh, trong đó kiến nghị xử lý 21 văn bản; Bộ Công an tiến hành rà soát 1.095 văn bản, trong đó kiến nghị xử lý 18 luật, pháp lệnh và 42 văn bản khác trong lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng và an ninh…
Chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp
Ðối với văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đến nay, Bộ Tư pháp đã nhận được kết quả rà soát bước đầu của các Bộ, ngành với số lượng văn bản được rà soát rất lớn, Bộ Tư pháp đang tổ chức kiểm tra, nghiên cứu, tổng hợp, dự kiến sẽ có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Ðược biết, để bảo đảm chất lượng, thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1193/QÐ-TTg ngày 22-7-2014 về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và giải pháp bảo đảm chất lượng, thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.
Về tổ chức xây dựng các luật, pháp lệnh để phù hợp với Hiến pháp, Bộ Tư pháp cho biết: Theo Danh mục kèm theo Quyết định số 251/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ sẽ tổ chức xây dựng và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 82 dự án luật, pháp lệnh, bao gồm các dự án luật, pháp lệnh trong nhiều lĩnh vực, tập trung triển khai cao điểm vào các năm 2014, 2015 và 2016.
Nhằm bảo đảm chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh, Chính phủ đã tổ chức các phiên họp chuyên đề về pháp luật để thảo luận, cho ý kiến về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng cơ bản hoặc nội dung của một số dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp như: dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất)…
Ðể bảo đảm chất lượng xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm cụ thể hóa thống nhất nội dung, tinh thần và lời văn của Hiến pháp, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
“Cần tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp; kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật vào cuộc sống…”. Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG |
“Khi Hiến pháp được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh, có thể thấy một nền Hiến pháp vững chắc, một xã hội bền vững và dân chủ pháp quyền được đề cao. Ngược lại, khi Hiến pháp bị pháp luật lấn lướt thì kỷ cương quốc gia, trật tự xã hội, quyền con người có vấn đề, bởi vì, Hiến pháp là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất phản ánh chủ quyền tối thượng của nhân dân, của quốc gia, của dân tộc…”. GS, TSKH ÐÀO TRÍ ỨC |
Chú trọng luật về tổ chức, bộ máy
Ðến nay, Hội đồng đã tham gia góp ý xây dựng nhiều dự án luật quan trọng: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)… và cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người theo quy định của Hiến pháp.
Ðặc biệt, một trong những nội dung quan trọng Hội đồng đề nghị làm rõ “quyền tư pháp” theo quy định của Hiến pháp năm 2013 để làm cơ sở cho việc xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước liên quan (như Quốc hội là cơ quan lập pháp và thực hiện quyền giám sát tối cao, Chính phủ là cơ quan hành pháp, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và Viện Kiểm sát là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp). Cơ chế tranh tụng (khoản 5 Ðiều 103 Hiến pháp) cũng được Hội đồng thảo luận và đề nghị làm rõ trong Luật Tổ chức Viện KSND…
Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức hoạt động các cơ quan tư pháp đã và đang đặt ra nhiều nội dung cho cải cách tư pháp trong thời gian tới, nhất là các quy định về quyền tư pháp, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy tư pháp cũng như yêu cầu mới về bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực tư pháp.
Ðiểm nhấn tại kỳ họp thứ tám, cuối năm 2014, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Ðây là những văn bản pháp luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp,… Về phương hướng trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan cần chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()