Đưa giáo dục di sản vào giảng dạy trong nhà trường
Mục đích của việc làm này là nhằm nâng cao hiểu biết về lịch sử văn hóa cũng như ý thức bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Hội An cho học sinh.
Đối với học sinh lớp 1, các em sẽ được học 2 chủ đề, gồm: Chúng em khám phá chùa Cầu; Em yêu và bảo vệ chùa Cầu. Các chủ đề giáo dục này nhằm giúp học sinh lớp 1 có được những hiểu biết ban đầu về di tích chùa Cầu, một biểu trưng của thành phố Hội An.
Các em cũng sẽ được đi thực tế quan sát và tìm hiểu những bức ảnh về chùa Cầu qua từng giai đoạn lịch sử; vẽ tranh, thảo luận, trả lời phiếu câu hỏi trắc nghiệm dưới sự hướng dẫn gợi mở của giáo viên.
Đối với học sinh lớp 6, môn học này gồm có 3 chủ đề là: Nghề trồng lúa quê em; Sự sáng tạo của người xưa; Em yêu cách mạng quê em. Qua các chuyên đề, học sinh lớp 6 sẽ có cơ hội rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tìm hiểu về nghề trồng lúa nước thông qua các công cụ sản xuất gắn với những hiện vật liên quan tại các bảo tàng; sự sáng tạo trong kiến trúc những ngôi nhà cổ; những di tích cách mạng tại địa phương.
Thành phố Hội An là địa phương có nhiều bảo tàng nhất của tỉnh Quảng Nam. Trên địa bàn Thành phố có 4 bảo tàng với khoảng 2.560 hiện vật, tài liệu.
Bà Lê Thị Tuấn, Trưởng phòng Bảo tàng thuộc Trung tâm Quản lý, Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, năm 2014, thành phố Hội An đã phê duyệt Đề án Giáo dục di sản học đường, giao cho Trung tâm cùng các đơn vị có liên quan xây dựng tài liệu và tập huấn cho cán bộ, giáo viên. Từ kết quả dạy thử nghiệm môn học Giáo dục di sản trong học đường tại Trường tiểu học Phù Đổng và Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, Thành phố sẽ tổng kết rút kinh nghiệm trước khi triển khai dạy đại trà tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn trong năm học 2018-2019.
Ý kiến ()