Đưa giá trị Di tích khảo cổ học Đồng Đậu đến với công chúng
Cách đây 60 năm, những phát hiện tại Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu đem lại tiếng vang rất lớn. Hàng nghìn hiện vật quý còn được lưu giữ trong các bảo tàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều liên quan đến di tích khảo cổ này chưa được phổ biến tới công chúng. Tỉnh Vĩnh Phúc đang nghiên cứu thực hiện các giải pháp để lưu giữ, phổ biến các giá trị khảo cổ học quý giá đến với đông đảo công chúng.
Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nằm trên Gò Đậu thuộc thị trấn huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Di chỉ được phát hiện vào năm 1962, cách đây vừa tròn 60 năm. Từ khi được phát hiện cho đến năm 2010, các cơ quan nghiên cứu khảo cổ đã tiến hành 7 lần thám sát và khai quật lớn, qua đó phát hiện rất nhiều di vật khảo cổ với hàng nghìn tiêu bản hiện vật, hàng tấn mảnh gốm, phong phú về chất liệu, chủng loại, đa dạng về loại hình, kiểu dáng.
Những hiện vật biết nói
Đồ đá có các loại công cụ sản xuất như rìu, bôn, đục, bàn mài. Đồ trang sức có vòng tay, hạt chuỗi, khuyên tai. Đồ xương có mũi giáo, lao, mũi tên, mũi khoan, dùi. Đồ đồng có rìu, giáo, lao, lưỡi cày, dùi, kim, khuôn đúc, mũi tên, búa và đũa đồng. Đồ gốm bao gồm đồ đựng, đồ đun nấu, đồ phục vụ sinh hoạt, tín ngưỡng, các loại bình, nồi, vò, chậu, chân chạc, bi gốm, chì lưới, tượng. Thực vật có lúa gạo, ngô, đỗ, hạt rừng như trám, dẻ, sấu.
Trong thời gian Viện khảo cổ học tiến hành khai quật từ tháng 12/1968-5/1969, rất nhiều di tích được phát hiện như nền đất sét vàng, bếp, hố đào và lần đầu tiên phát hiện ra mộ táng. Mộ được chôn trong khu vực cư trú, sát bề mặt sinh thổ. Cùng thời gian này, đã có nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, cán bộ văn hóa, khoa học, giáo dục đến hiện trường tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về thăm và khen ngợi đội ngũ cán bộ khảo cổ, nhân dân địa phương.
Các đợt khai quật cũng cung cấp nhiều tư liệu quý về nhân chủng học. Năm 2000, PGS,TS Nguyễn Lân Cường và nghiên cứu viên Nguyễn Kim Thủy tiến hành nghiên cứu hình thái nhân chủng di cốt người cổ Đồng Đậu, một ngôi mộ có niên đại khoảng 3.500 năm cách ngày nay.
Đáng chú ý nhất là ngôi mộ phát hiện năm 1999 ở độ sâu 3,3m, sát sinh thổ, trên nền đất dài 1,2m, rộng 0,5m. Bộ xương còn khá nguyên vẹn trừ cẳng chân và bàn chân trái đã mủn nát. Người chết được đặt nằm ngửa, hay tay chân duỗi thẳng. Kết quả nghiên cứu nhóm máu xác định, di cốt người cổ mã hiệu 99.ĐĐ.TS2.M1 thuộc nhóm máu O. Khu vực xương cánh tay trái, xương chậu phải có khối u hình ô-van đang phát triển.
Người này được xác định là nam giới, cao 1,59m, khoảng hơn 40 tuổi. Điều đặc biệt thú vị là, trên cẳng tay phải đeo 1 vòng đá to, đường kính vòng đá lên tới 106mm, đường kính lỗ 56mm, bề dày 14mm. Bộ di cốt người thuộc giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên khai quật tại Đồng Đậu năm 1999, đã được đưa về lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc.
Từ năm 2000 đến nay, Viện 69, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm bảo quản mẫu vật là các bộ xương. Đặc điểm của mẫu vật (bộ xương) là một khối không thể tách rời, do khi phát hiện, các nhà khoa học sử dụng thạch cao để làm khuôn, giống như làm một cái quách giữ trọn bộ xương. Do đó, cán bộ Viện 69 bảo quản lâu dài mẫu vật trong hòm kính kín, giữ độ ẩm và nhiệt độ phù hợp, đồng thời sử dụng các vật liệu hóa chất để bên dưới hòm kính để ngăn ngừa nấm mốc xâm hại. Nhờ đó, các mẫu vật đều được bảo quản tốt. Thể hiện sự thành kính đối với tổ tiên, cứ vào ngày rằm, mùng 1 âm lịch, cán bộ Bảo tàng tỉnh đều thắp hương cho “các cụ”.
Những phát hiện của ngành khảo cổ qua nhiều lần khai quật ở di chỉ Đồng Đậu chứng minh, từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, ở Yên Lạc đã có con người sinh sống. Từ những di vật khảo cổ được phát hiện, Đồng Đậu được định vị như một di chỉ cư trú của người Việt cổ, trải qua 4 giai đoạn văn hoá khảo cổ: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Các nhà khoa học đã phác họa bức tranh đa diện, sinh động về một làng cổ thời Hùng Vương, về con đường phát triển của các nền văn hóa tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc Mai Văn Trung cho biết: Trên địa bàn huyện Yên Lạc còn có nhiều di tích khảo cổ đáng chú ý khác như: Di tích Gò Gai thuộc văn hóa Phùng Nguyên; địa điểm Quán Đôi có dấu tích văn hóa Phùng Nguyên; địa điểm Mả Hòn có dấu tích của thời đại Kim Khí; địa điểm gò chùa Biện Sơn có dấu tích của nền văn hóa Phùng Nguyên; tại xã Nguyệt Đức phát hiện ra địa điểm văn hóa Đồng Đậu … Nhà nước cần sớm có phương án đầu tư, khôi phục, bảo tàng hóa các điểm khảo cổ này, vì đó là nguồn cội của dân tộc ta.
Đến nay, chính quyền địa phương đã khoanh vùng quy hoạch, xây tường bao, làm cổng vào Di tích khảo cổ học Đồng Đậu. Hiện trạng khu vực này cây cối rậm rạp, nhiều bụi chuối tự nhiên mọc trùm lên các tấm biển đánh dấu 7 hố thám sát. Quanh đó, người dân địa phương canh tác rau màu. Ông Nguyễn Văn Minh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Yên Lạc nhớ làu làu từng lần khai quật, từng hố thám sát: Hố này tìm được bộ xương lâu năm nhất, hố kia gồm 4 tầng văn hóa. Ông bảo, người dân thị trấn Yên Lạc rất coi trọng bảo vệ khu vực di tích.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Bí thư Huyện ủy Yên Lạc rất trăn trở với việc phát huy giá trị của di tích. Ý tưởng của ông Hiếu là biến Di tích khảo cổ học Đồng Đậu thành điểm đến du lịch văn hóa về nguồn cội. Di tích sẽ được bảo tồn, bảo tàng hóa như Hoàng thành Thăng Long nhằm thu hút khách tham quan. Hiện nay, huyện Yên Lạc đang triển khai dự án Công viên Đồng Đậu nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, tiến hành bảo tàng hóa Di tích khảo cổ học Đồng Đậu.
Dự án có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng, xây dựng các hạng mục trong diện tích quy hoạch hơn 5,4ha, bao gồm tạo lòng hồ và xây dựng công viên cây xanh, xây dựng hệ thống cấp, thoát nước, tạo mặt bằng để từ đó tiếp tục triển khai các hạng mục tiếp theo. Đây là hoạt động thiết thực nhân 60 năm phát hiện di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, từng bước đem giá trị văn hóa khảo cổ đến với công chúng.
Ý kiến ()