Đưa điện về thôn vùng khó
– Những năm qua, người dân thôn Hòa Bình, xã Lâm Ca, huyện Đình Lập luôn phải sống trong cảnh không có điện. Đầu năm 2022, được sự quan tâm của Nhà nước, người dân trong thôn đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Điện đã góp phần tạo điều kiện cho bà con nơi đây ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.
Những ngày giữa tháng 4/2022, chúng tôi có dịp cùng cán bộ xã đến thôn Hòa Bình, xã Lâm Ca, huyện Đình Lập. Đây là thôn đặc biệt khó khăn, cách trung tâm xã 12 km đường đất. Thôn có 36 hộ dân là đồng bào dân tộc Dao, cơ bản là hộ nghèo và cận nghèo. Bên cạnh khó khăn về đường giao thông, trước đây, người dân trong thôn cũng chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Thiếu điện là một trong những rào cản lớn trong việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân tại đây.
Người dân thôn Hòa Bình, xã Lâm Ca sử dụng các thiết bị điện phục vụ phát triển kinh doanh, dịch vụ
Ông Đặng Thắng Lâm, người dân thôn Hoà Bình cho biết: “Trước đây, để có điện sử dụng, tôi và một số hộ trong thôn phải góp tiền mua dây kéo điện từ thôn Bình Lâm, xã Lâm Ca về. Một số hộ có điều kiện hơn thì tự sắm các thiết bị tích điện. Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ có thể phục vụ cho việc thắp sáng, chứ không đáp ứng đủ nhu cầu dùng điện của bà con nơi đây.”
Không chỉ hộ ông Lâm, những năm qua, do thiếu điện nên cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, một số hộ tuy có hướng phát triển kinh tế nhưng vì thiếu điện nên không thể phát triển một số loại hình kinh doanh, dịch vụ. Trước thực tế đó, nhiều năm qua, người dân và cấp ủy, chính quyền xã đã đề nghị các cấp, ngành chức năng quan tâm đầu tư đường điện.
Đáp ứng niềm mong mỏi của người dân, tháng 12/2021, UBND huyện Đình Lập đã phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình cấp điện thôn Hòa Bình từ nguồn vốn ngân sách huyện và các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, dự án được thực hiện với quy mô lắp đặt đường dây trung thế 35 kV với tổng chiều dài 2,497 km; 4,7 km đường dây hạ thế 0,4 kV và 1 trạm biến áp công suất 100 kVA trên địa bàn thôn với tổng kinh phí trên 4,3 tỷ đồng. Sau gần 2 tháng thi công, đến cuối tháng 1/2022, công trình đã hoàn thiện.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Hữu Sinh, Trưởng thôn Hòa Bình không giấu được niềm vui: Khi đường điện đang được lắp đặt, nhiều hộ dân trong thôn đã háo hức mua sẵn các thiết bị điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình như: tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt điện,… để có thể sử dụng ngay khi đóng điện. Ngay sau khi lưới điện được đưa vào khai thác, sử dụng, nhân viên điện lực hướng dẫn bà con cách sử dụng điện an toàn, đúng quy định, tiết kiệm. Bà con rất phấn khởi, cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Điện về không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà còn giúp người dân thuận tiện hơn trong sử dụng các thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy sát thóc, máy bơm nước… Không những thế, điện về còn thúc đẩy phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ trong thôn như: kinh doanh tạp hóa, sửa chữa xe máy,… Qua đó, tạo động lực cho người dân thi đua phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo trên địa bàn xã.
Ông Nguyễn Chí Sơn, Chủ tịch UBND xã Lâm Ca cho biết: Lưới điện quốc gia đã giúp nâng cao đời sống, tinh thần của người dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Khi thôn Hòa Bình được kéo điện lưới đã nâng tỷ lệ hộ trong xã được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%. Có điện, người dân có thể yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Rời thôn Hòa Bình, hình ảnh những đứa trẻ háo hức xem các chương trình truyền hình, những cụ ông, cụ bà ngồi tận hưởng những luồng gió mát từ chiếc quạt máy của gia đình đọng mãi trong tâm trí chúng tôi. Từ nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao nơi đây sẽ dần “sáng” lên nhờ điện lưới quốc gia.
Ý kiến ()