Đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng đến người dân: Sự vươn lên của các trung tâm y tế huyện
(LSO) – Trong 10 năm qua, Lạng Sơn đã có sự quan tâm lớn đến các trung tâm y tế huyện nhằm thực hiện tốt Quyết định số 122/QĐ-TTg, ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030.
Trong sự đổi mới của toàn hệ thống
Sau khi đã hoàn thành việc nâng cấp mở rộng mặt bằng và xây dựng cơ bản ( 2008-2011) và được bổ sung, tiếp nhận nguồn trang thiết bị từ các dự án, Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng đã mạnh dạn thực hiện xã hội hóa như: liên doanh liên kết, huy động vốn xã hội để đầu tư mua sắm, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại. Sau gần 10 năm kiên trì, bệnh viện đã có trang thiết bị y tế khá đồng bộ và hiện đại như: các thiết bị cho phòng mổ, la bô xét nghiệm, máy chụp cắt lớp vi tính, chẩn đoán hình ảnh, chạy thận nhân tạo, các máy theo dõi bệnh nhân phục vụ cho hồi sức cấp cứu; các loại máy siêu âm sàng lọc trước sinh, chăm sóc sơ sinh non yếu… Sau Hữu Lũng là một loạt các đơn vị triển khai trang bị kỹ thuật hiện đại phụ vụ cho công tác khám và điều trị như: Bắc Sơn, Chi Lăng, Bình Gia, Lộc Bình…
Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình lắp đặt máy chạy thận nhân tạo, mang lại dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao cho người dân
Cùng với việc mua sắm và liên kết lắp đặt trang thiết bị mới là việc đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ để khai thác tốt các tính năng, tác dụng của thiết bị trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, Sở Y tế đã quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ y tế các trung tâm được đi đào tạo, bồi dưỡng. Trong 10 năm qua đã có hàng ngàn lượt bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng tại các trường đại học y khoa, các bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên khoa.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án 1816, ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân chuyển từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, đã mang lại hiệu quả to lớn đối với các trung tâm y tế theo hướng “cầm tay chỉ việc”, vừa làm vừa học, nhất là khi lắp đặt, vận hành thiết bị mới. Các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện liên kết đã cử những chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa chuyển giao kỹ thuật mới, hướng dẫn cho tuyến huyện, đồng thời các bác sĩ tuyến huyện đã luân phiên về tuyến xã theo định kỳ, nhất là các xã chưa có bác sĩ để khám và điều trị cho người dân. Thực hiện luân phiên các bác sĩ xã lên làm việc tại trung tâm y tế huyện để rèn thêm tay nghề. Những việc làm trên đã khắc phục được tình trạng trang thiết bị lạc hậu, đồng thời cũng tạo được sự đồng đều trong hoạt động của đội ngũ bác sĩ cơ sở.
Người dân được hưởng lợi
Ông Trần Văn Thiết, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng cho biết: Khi Trung tâm Y tế Hữu Lũng có máy chạy thận, đến hẹn, tôi chạy xe máy ra và “làm” xong lại có thể về ngay được. Không như trước đây, cứ 2 giờ sáng bà con lại tụ tập để xe khách đưa xuống Bắc Giang, vừa tốn kém tiền bạc, vừa phải “thức khuya dậy sớm” thật khốn khổ. Ông Hoàng Hữu An ở xã Hữu Liên thì cho rằng: Nếu trước đây, người dân cứ phải chạy xuống Hà Nội, Bắc Giang hoặc lên Thái Nguyên, thì bây giờ ở ngay bệnh viện huyện, máy móc hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn mà lại biết thông cảm cho bà con nên rất thuân lợi.
Được các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện A Thái Nguyên chuyển giao kỹ thuật, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn đã mổ thành công 2 ca viêm ruột thừa cấp bằng nội soi; thực hiện cắt trĩ bằng phương pháp longo với thời gian chỉ từ 15-30 phút, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh. Bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Cùng với việc đầu tư mạnh mẽ các trang thiết bị hiện đại, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị, nay thêm những kỹ thuật này, trung tâm càng khẳng định sự đúng đắn của việc đưa kỹ thuật cao đến gần dân và giành được sự tin tưởng của nhân dân các dân tộc.
Nói về việc đầu tư trang thiết bị và nâng cao tay nghề đội ngũ, Bác sĩ Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế Lộc Bình cho biết: Việc đầu tư được thực hiện một cách liên tục và trang bị đến đâu sử dụng có hiệu quả đến đấy. Nếu tháng 3/2018, bệnh viện thực hiện mổ nội soi cắt ruột thừa giảm đau đớn, giảm thời gian điều trị cho bệnh nhân, thì tháng 5/2018 khai trương hệ thống máy chụp CT. SCANNER 16 lát cắt với độ nhạy và độ đặc hiệu cao, phân giải tốt, hình ảnh rõ nét, ứng dụng tốt trong chụp chẩn đoán về phổi, sọ não, lồng ngực, ổ bụng, cột sống cổ…Sau một thời gian chuẩn bị, được sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viên Đa khoa tỉnh, tháng 10/2019, trung tâm tiến hành triển khai lắp đặt 5 máy chạy thận nhân tạo thế hệ tiên tiến nhất hiện nay. Với sự thận trọng của đội ngũ kỹ thuật viên, 5 máy đã hoạt động tốt, phục vụ 20 bệnh nhân được chạy thận gần nhà, tiết kiệm chi phí về thời gian và tiền bạc cho người dân.
Mười năm, thời gian chưa nhiều đối với một nền y tế có điểm xuất phát thấp như Lạng Sơn. Song 10 năm qua ghi dấu mốc nhảy vọt cả về chất và lượng của hệ thống y tế cơ sở nói chung và y tế tuyến huyện nói riêng. Theo đó, các trung tâm y tế huyện tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển các dịch vụ kỹ thuật bao gồm cả lĩnh vực xét nghiệm, cận lâm sàng nhằm thực hiện đầy đủ các kỹ thuật điều trị đa khoa và chăm sóc cơ bản, góp phân giảm tải cho tuyến trên. Sự phát triển toàn diện đó nhằm đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và có chất lượng.
MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)
Ý kiến ()