Đưa công nghiệp bán dẫn thành ngành kinh tế chủ lực
Hiện nay, thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đa dạng hóa nguồn cung ở tất cả các công đoạn. Việt Nam lại có lợi thế địa chính trị quan trọng khi ở trung tâm toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.
Cộng thêm mối quan hệ chiến lược tốt đẹp với hầu hết các cường quốc công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đang là điểm sáng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực này.
Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 vừa được ban hành đã đặt nền móng, định hướng, tầm nhìn cho sự phát triển nhanh và bền vững của ngành công nghiệp này.
Theo lộ trình đề ra trong Chiến lược, Việt Nam phấn đấu đến năm 2040 sẽ trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; đến năm 2050 nằm trong nhóm các quốc gia đi đầu thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử.
CÓ NHIỀU LỢI THẾ
Những năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc với tổng doanh thu năm 2024 ước đạt 600 tỷ USD, dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Trong đó, Trung Quốc thống trị sản xuất silicon từ nguyên liệu thô, kiểm soát hơn 60% nguồn cung toàn cầu, đồng thời có vai trò lớn trong các công đoạn lắp ráp, đóng gói và kiểm thử (ATP) nhờ chi phí lao động thấp cũng như quy mô sản xuất lớn. Hoa Kỳ dẫn đầu về chip logic và thiết kế phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EAD),… chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu trong mỗi lĩnh vực.
Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu trong sản xuất chip nhớ, kiểm soát hơn 60% sản lượng chip nhớ toàn cầu. Trong khi Đài Loan (Trung Quốc) đóng vai trò trung tâm trong chế tạo wafer (nền tảng để sản xuất vi mạch), nhất là thông qua TSMC - nhà sản xuất gia công hàng đầu thế giới và cũng là cơ sở quan trọng trong ATP.
Chuỗi cung ứng ATP được phân phối ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia và Philippines, tạo nên sự kết nối toàn cầu và đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng cao của ngành công nghiệp bán dẫn.
Hiện trạng nêu trên dẫn đến những lo ngại về sự phụ thuộc công nghệ, khiến việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng trở thành ưu tiên chiến lược của nhiều nước.
Các quốc gia đứng đầu ngành bán dẫn, như Mỹ, EU và Hàn Quốc đều tìm cách xây dựng thêm cơ sở sản xuất tại nhiều nước để giảm phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất, bảo đảm an toàn cho chuỗi cung ứng bán dẫn. Sự chuyển dịch này tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, từng bước phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình.
Bên cạnh đó, nước ta còn có tiềm năng về trữ lượng đất hiếm, ước đạt khoảng 20 triệu tấn. Việt Nam cũng là một trong 16 quốc gia đông dân nhất trên thế giới, quy mô thị trường nội địa tương đối lớn; có lợi thế tỷ lệ dân số trẻ với năng lực tốt về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế quan trọng về địa chính trị, với tầm bao phủ khoảng từ 4-5 giờ bay tới 70% số trung tâm ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là quyết tâm chính trị cao từ Trung ương đến địa phương; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực điện tử.
Việt Nam cũng đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện đã nêu rõ hai nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
KHÁC BIỆT TRONG TƯ DUY CHIẾN LƯỢC
Tại Việt Nam, nhà máy bán dẫn đầu tiên Z181 đã được thành lập từ năm 1979, sản xuất những linh kiện điện tử bán dẫn trong mạch điện là diode hay transistor phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, tới đầu những năm 90 của thế kỷ 20, do biến động chính trị thế giới, nhà máy đã không còn đơn hàng dẫn đến việc sản xuất, đóng gói chip vi mạch phải dừng lại. Cho đến nay, chuỗi cung ứng bán dẫn Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khởi, tập trung chủ yếu vào hai hoạt động chính: Thiết kế chip bán dẫn (Fabless) và lắp ráp, kiểm thử chip bán dẫn thuê ngoài (OSAT).
Lĩnh vực thiết kế có khoảng 40 doanh nghiệp với phần lớn là các doanh nghiệp nước ngoài như HCL, Hitachi, NVIDIA, Synopsys, Marvell,… và sáu doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có FPT và Viettel. Ở khâu OSAT, Việt Nam đã và đang thu hút được các tập đoàn đóng gói chip tiềm năng như Intel, Amkor, Hana Micron, với số vốn đầu tư đáng kể. Cụ thể, Intel đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam; Amkor Technology đã đầu tư 1,6 tỷ USD vào nhà máy tại Bắc Ninh; Hana Micron, một đơn vị OSAT chip nhớ, cũng đã đầu tư 600 triệu USD.
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Điểm nổi bật, khác biệt trong tư duy xây dựng chiến lược này là Việt Nam sẽ tham gia vào tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng bán dẫn, trong khi hầu hết các nước khác đều xây dựng chiến lược dựa trên cách tiếp cận là tập trung vào một vài công đoạn có thế mạnh.
Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt hơn 25 tỷ USD, đến năm 2040 đạt hơn 50 tỷ USD và đến năm 2050 đạt hơn 100 tỷ USD. Mặt khác, Chiến lược cũng đề ra 38 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, nghiên cứu liên quan để triển khai đáp ứng các mục tiêu đề ra.
Ý kiến ()