Ðưa cây lúa nước lên vùng cao Phú Yên
Đồng bào dân tộc thiểu số xã vùng cao Phú Mỡ vui mùa lúa mới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 về chiến lược phát triển miền tây Phú Yên, những năm qua, tỉnh đã xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội phục vụ đời sống thiết yếu của nhân dân, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt miền núi. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến hiệu quả của chương trình phát triển cây lúa nước tại những xã vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Có lúa nước hết lo đói nghèo Cách đây năm năm, diện tích lúa nước ở huyện miền núi Sông Hinh chỉ chiếm từ 300 đến 400 ha, đến nay đã phát triển lên hơn 1.200 ha. Theo Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lê Tấn Hổ, chủ trương của đảng bộ huyện là làm sao mỗi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phải có một phần diện tích lúa nước nhất định để chủ động cái ăn tại chỗ. Huyện đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng những công trình...
Đồng bào dân tộc thiểu số xã vùng cao Phú Mỡ vui mùa lúa mới. |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 về chiến lược phát triển miền tây Phú Yên, những năm qua, tỉnh đã xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội phục vụ đời sống thiết yếu của nhân dân, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt miền núi. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến hiệu quả của chương trình phát triển cây lúa nước tại những xã vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Có lúa nước hết lo đói nghèo
Cách đây năm năm, diện tích lúa nước ở huyện miền núi Sông Hinh chỉ chiếm từ 300 đến 400 ha, đến nay đã phát triển lên hơn 1.200 ha. Theo Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lê Tấn Hổ, chủ trương của đảng bộ huyện là làm sao mỗi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phải có một phần diện tích lúa nước nhất định để chủ động cái ăn tại chỗ. Huyện đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng những công trình thủy lợi nhỏ, phát triển nhanh diện tích lúa nước. Hiện nay, mỗi địa phương có từ 80 đến hơn 110 ha diện tích lúa nước. Xã Ea Lâm là địa phương có diện tích lúa nước thấp nhất cũng chiếm hơn 15 ha. Trong năm 2012, huyện Sông Hinh phấn đấu nâng tổng diện tích lúa nước lên khoảng 1.300 ha. Cũng như nhiều vùng dân tộc thiểu số khác, hơn mười năm về trước, vào mùa mưa bão như thế này ở buôn Ken, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh có đến hơn 80% hộ dân bị thiếu ăn giáp hạt, phải trông chờ vào sự cứu đói của Nhà nước. Nhưng hiện nay, tình trạng này không còn.
Đã quá trưa nhưng già làng Oi Chay vẫn chưa muốn về nhà. Ông cứ nhìn ngắm, nâng niu từng bông lúa gieo sạ trà đầu vừa chắc hạt. Mười năm trước, khi huyện Sông Hinh chủ trương ngăn con suối ELa Bol, xây đập dâng buôn Ken để làm lúa nước thì Oi Chay là người phản đối gay gắt việc này. Bởi theo ông, con suối là nguồn nước trời cho mình, ngăn suối là cắt đứt mạch sống của làng. Hơn nữa, cây lúa rẫy đã nuôi sống đồng bào từ ngàn đời nay. Hạt lúa trên rẫy là cơm ăn hằng ngày, là men say trong những dịp hội hè. Người Ê Đê từ khi chào đời đã gắn với cái que chọc lỗ, trỉa lúa và biết cầu ông trời cho mưa. Bà con không thể làm ngược lại tổ tiên… Đó là chuyện của hơn mười năm về trước. Bây giờ, Oi Chay đã có nhiều kinh nghiệm làm lúa nước và có của ăn, của để trong buôn. Từ khi làm cây lúa nước, tôi thấy đồng bào mình không còn thiếu cái ăn như trước, có cái ăn, yên cái bụng là làm được nhiều thứ khác. Oi Chay nói.
Nhà Ma PLưới trước đây trồng nhiều lúa rẫy nhưng năm nào cũng thiếu ăn. Nay chỉ có ba sào lúa nước được xã chia mà cả nhà không còn sợ đói. Ông tính rành rẽ, mỗi vụ thu hoạch, mỗi sào được 10 bao, nhân với ba sào, nhân với hai vụ trong năm thì ông được khoảng 2,5 tấn. Ông hào hứng: Lúa rẫy mình làm hai, ba héc (héc-ta), thời gian suốt một năm nhưng không đủ ăn. Lúa nước này mình làm một năm hai vụ. Riêng gia đình tôi ba sào, thu hoạch từ ba chục, đến bốn chục bao thì đủ ăn cả năm rồi. Còn một vụ sau là dư cho nên đời sống dễ chịu hơn. Cây lúa nước lên vùng cao đã làm mọi người no cái bụng. Không chỉ có thế, từ trồng lúa nước bà con dần dần nắm bắt khoa học-kỹ thuật trong làm ăn. Bây giờ ai cũng biết sử dụng giống lúa mới, biết dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất. Không chỉ cây lúa, mọi người còn biết trồng cây sắn cao sản, cây bắp lai và các loại cây công nghiệp để bán ra thị trường.
Chúng tôi đến thăm một công trình thủy lợi mới xây dựng đã phát huy hiệu quả, từ nguồn nước sau thủy điện sông Ba Hạ. Đó là dự án san ủi đất trồng lúa nước cho nhân dân đồng bào dân tộc ở buôn Quang Dù và Mả Vôi, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh. Công trình có vốn đầu tư 6,1 tỷ đồng, với hệ thống kênh mương dài bốn km, phục vụ tưới tiêu cho 46 ha lúa nước. Ông Nguyễn Đình Phước, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bình Tây cho biết: Công trình này đã đưa vào sử dụng từ năm 2011, đến nay qua bốn mùa lúa đã làm cho dân làng no cái bụng. Bình quân mỗi hộ từ hai đến ba sào tùy theo số nhân khẩu. Già làng Y Quở phấn khởi nói: “Gia đình tôi có năm nhân khẩu, được chia 3,5 sào đất và được hỗ trợ phân bón, mỗi vụ thu được 30 bao lúa (hơn một tấn). Có được cánh đồng này, bà con ưng cái bụng lắm. Chỉ có Đảng, Nhà nước quan tâm mới được như thế này. Đây cũng là ước mơ ngàn đời của bà con nơi đây”.
Trong tổng số 63 hộ ở buôn Quang Dù thì có đến 56 hộ được giao ruộng nước, sản xuất ổn định từ năm 2011 đến nay. Ông Lê Mô Y Đênh, Trưởng buôn Quang Dù phấn khởi cho hay: Nhờ đã có cái ăn tại chỗ, bà con yên tâm tập trung đầu tư phát triển các loại cây trồng khác. Hiện nay, hộ có ít nhất cũng có từ ba đến năm sào đất, nhiều thì từ năm đến mười ha trồng mía, sắn và hoa màu. Nhờ vậy mà thu nhập bình quân năm sau đều cao hơn năm trước và đến năm 2011, mỗi nhân khẩu đến tuổi lao động có mức thu nhập trung bình hơn 500 nghìn đồng/tháng, tăng gần 200 nghìn đồng so với cách đây năm năm. Vì vậy, số hộ nghèo trong buôn đã giảm đi một nửa so với năm năm trước đây.
Thay đổi tập quán canh tác
Cây lúa nước đã cơ bản giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ. Bà con đã có thể tự sản xuất và đủ ăn, còn Nhà nước không phải cứu đói giáp hạt. Tình trạng phát rừng làm rẫy tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chấm dứt. Tuy nhiên, để thay đổi được tập quán canh tác của bà con đồng bào dân tộc thiểu số là chuyện không đơn giản. Ông Phạm Văn Trung, Trưởng phòng Dân tộc huyện miền núi Đồng Xuân cho biết: Để giúp bà con thay đổi cung cách làm ăn, thường phải cầm tay chỉ việc; mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho bà con, kể cả đưa lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở cùng ăn, cùng ở và hướng dẫn trực tiếp đến từng hộ. Khi có hạt thóc ăn bà con bắt đầu nhận ra, đến nay tại nhiều vùng đồng bào dân tộc của tỉnh Phú Yên đã phát triển lên hàng trăm ha diện tích lúa nước hai vụ trong năm.
Tuy nhiên, do điều kiện địa hình miền núi, vùng cao, những công trình thủy lợi như đập dâng tự chảy, trạm bơm thường không lớn, mỗi đập dâng chỉ tưới được cho một số diện tích nhất định ở gần đập sau khi chuyển từ đất rẫy thành đất ruộng. Do đó, có nhiều hộ không có điều kiện làm lúa nước. Trước thực tế này, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo. Theo ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, sau khi xây đập nước thì những hộ có đất ở gần đập được cải tạo thành ruộng cho nên có khi họ có đến vài héc-ta ruộng. Trong khi những hộ có đất rẫy ở xa đập thì không có ruộng. Vì vậy, huyện đã thực hiện chủ trương đổi đất rẫy lấy đất ruộng, qua đó chia đều ruộng nước cho bà con. Việc làm này cũng không dễ nhưng đến nay bà con đã nhất trí. Có thể xem đây như một cuộc cách mạng trong việc đưa lúa nước lên vùng cao.
Còn tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, có tấm gương của già làng Ma Nghĩa. Lâu nay, đồng bào dân tộc Chăm H’Roi ở cái xã vùng cao heo hút này bị bao bọc bởi bốn bề là núi, chỉ quen với chiếc gùi, cái rựa trên vai chuyên phát rừng làm rẫy. Mỗi năm có đến hàng chục ha rừng bị mất đi, nhưng cũng không thoát được nghèo đói. Tại nơi đây, đêm đêm già làng Ma Nghĩa cứ thao thức mãi một điều, tại sao không kêu gọi dân làng mình bắt chước người miền xuôi trồng cây lúa nước. Ý Đảng đã hợp lòng dân, năm 2003, từ Chương trình 135, huyện Đồng Xuân ưu tiên đầu tư 250 triệu đồng xây dựng một trạm bơm điện. Có trạm bơm, nhưng nhiều người chưa có đất sản xuất. Già làng Ma Nghĩa báo với cán bộ xã, tổ chức họp dân bàn chuyện tìm đất. Phần gia đình mình, già làng xin nhường sáu ha đất sẵn có để chia đều cho bà con.
Theo gương ông Ma Nghĩa, những người khác trong buôn có nhiều đất như Oi Ruồi, Oi Quí, Ma Vân và nhiều người khác cũng đem ruộng đất nhà mình ra chia đều cho bà con. Từ đó, cả buôn Phú Lợi có 82 hộ dân, thì tất cả số hộ đều có diện tích lúa nước. Phong trào làm lúa nước của xã Phú Mỡ nhanh chóng nhân rộng ra từ cách làm này. Ông Ma Nghĩa nói như đinh đóng cột: Khi đã có gạo ăn no cái bụng là làm việc gì cũng được, nhiều năm trước khi đói giáp hạt bà con phải bán mía non, sắn non, bán cả bò để mua gạo. Khi có cái ăn rồi thì giữ hết, đến mùa thu hoạch bán sắn mía, bán bò mua sắm mọi thứ khác, đời sống ngày càng khấm khá.
Với những thành công trong chương trình đưa lúa nước lên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã và đang tập trung phổ biến rộng rãi cách làm này. Tuy nhiên, không phải chỗ nào cũng có thể xây dựng được hệ thống thủy lợi. Vì vậy, mỗi địa phương phải tùy theo tình hình thực tế mà xây dựng cách làm phù hợp, nhất là cần có những người đi tiên phong thì cộng đồng mới làm theo.
Phát triển lúa nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là một chương trình lớn của tỉnh để bảo đảm an ninh lương thực tại khu vực còn nhiều khó khăn này. Hy vọng thời gian tới, cây lúa nước sẽ phát triển mạnh hơn để sớm đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn vươn lên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()