Đưa các hoạt động văn hoá dân tộc vào trường học
Tiết mục hát then tại Hội thi cô giáo tài năng duyên dáng ngành giáo dục và đào tạo tháng 2/2017 |
Thực hiện Quyết định số 1270 ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, trong 5 năm gần đây, Sở GD&ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo định hướng các cấp học: tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) đưa các hoạt động bảo tồn văn hoá vào nội dung sinh hoạt ngoại khoá. Đồng thời, coi đây là một trong các tiêu chí để bình xét danh hiệu thi đua thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nội dung được triển khai rõ nét là đưa những làn điệu then vào học đường. Các trường đã gắn việc gìn giữ hát then với phong trào hoạt động văn hoá, văn nghệ, hoạt động ngoại khóa trong mỗi tháng. Hoạt động hát then bước đầu đã giúp các học sinh nâng cao nhận thức cũng như ý nghĩa của hát then trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Tày, Nùng.
Hiện toàn tỉnh có 498 trường TH, THCS và THPT; trong đó, trên 90% số trường thành lập được câu lạc bộ (CLB) hoạt động văn hoá – văn nghệ và đưa hoạt động truyền dạy hát then vào nội dung sinh hoạt ngoại khoá. Trong đó, trên 200 trường, chiếm 50% số trường duy trì tốt nội dung sinh hoạt hằng tháng. Tiêu biểu trong phong trào duy trì hoạt động ngoại khoá hát then tại trường học có Trường THPT Lương Văn Tri (huyện Văn Quan). Việc đưa hát then vào trường học được thực hiện từ năm 2008 bằng các hình thức như: sưu tầm các đĩa hát then phát trong các chương trình ca nhạc của nhà trường vào đầu giờ học và giờ giải lao một số buổi sáng trong tuần. Năm 2012, nhà trường mở 1 lớp dạy cho giáo viên về kỹ năng đánh đàn tính và hát then. Đến nay, nhà trường đã mở được 4 lớp học hát then cho 52 học sinh và 14 thầy, cô giáo. Sau khi tham gia lớp học, thầy cô và học sinh có thể đánh được đàn tính và hát những làn điệu then cơ bản.
Một số trường TH, THCS, THPT tại các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Chi Lăng và thành phố Lạng Sơn đã thu hút được đông đảo học sinh tham gia hát then và đánh đàn tính. Cùng với bảo tồn loại hình hát then, tại xã Hải Yến (huyện Cao Lộc), trường TH và THCS còn tổ chức cho các em học sinh bảo tồn trang phục dân tộc Nùng và múa sư tử nhân các ngày kỷ niệm; các ngày lễ, ngày đầu tuần, học sinh thực hiện mặc đồng phục dân tộc.
Nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc phát triển văn hoá dân tộc, định kỳ 2 năm/lần, ngành GD&ĐT tổ chức hội thi “Giai điệu tuổi hồng”. Hội thi được tổ chức từ cấp trường, thu hút đông đảo học sinh tham dự; trong đó nội dung dân ca, dân vũ, hát then – đàn tính được các thí sinh lựa chọn khá phổ biến. Đối với những trường học trên địa bàn có các điểm di tích lịch sử, di tích văn hoá, các nhà trường tổ chức dã ngoại cho học sinh tham quan tìm hiểu các điểm di tích nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần nâng cao hiểu biết về giá trị các điểm di tích văn hoá trên địa bàn.
Ông Lê Trường, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng công tác học sinh sinh viên, Sở GD&ĐT cho biết: Sau 5 năm phát động phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hát then – đàn tính trong hoạt động ngoại khoá tại các trường phổ thông đã có sức lan toả, cán bộ, giáo viên và học sinh đã nâng cao nhận thức về sự cần thiết bảo tồn, gìn giữ và phát triển hát then trong hoạt động phong trào. Từ đó, coi trọng xây dựng đội ngũ truyền dạy hát then, đầu tư kinh phí, trang thiết bị dụng cụ cho hát then. Thông qua hoạt động này góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá dân tộc trong đời sống xã hội.
Ý kiến ()