Đưa bánh chưng đen thành sản phẩm du lịch
– Bánh chưng là món bánh truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng. Với mong muốn tạo ra một trải nghiệm độc đáo, thu hút khách hàng, từ cuối năm 2022, chị Lý Thị Huyền Trang, thôn Làng Bên, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đã có ý tưởng xây dựng bánh chưng đen thành sản phẩm du lịch của địa phương.
Xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng cùng với các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Dao. Chính vì vậy, những năm trở lại đây, xã Hữu Liên trở thành điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Du khách được trải nghiệm làm bánh chưng đen khi đến với Hữu Liên
Nhận thấy lợi thế đó, chị Lý Thị Huyền Trang, thôn Làng Bên, xã Hữu Liên đã có ý tưởng xây dựng bánh chưng đen thành sản phẩm du lịch. Chia sẻ về ý tưởng của mình, chị Trang cho biết: Bánh chưng đen là món bánh truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ, tết của người dân tộc Tày, Nùng ở xã Hữu Liên. Không chỉ mang giá trị về văn hóa, bánh chưng đen còn có hương vị rất thơm ngon được nhiều người ưa thích, tìm mua. Với mong muốn bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc và tạo ra một loại hình du lịch trải nghiệm, thu hút du khách đến với Hữu Liên, cuối năm 2022, tôi đã có ý tưởng làm bánh chưng đen để cung cấp cho các Homestay trên địa bàn xã và trực tiếp phục vụ khách hàng trải nghiệm làm bánh theo nhu cầu. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, tôi bán ra trên 400 chiếc bánh chưng đen, với giá bán 50.000 đồng/chiếc.
Cũng giống như bánh chưng thông thường, bánh chưng đen được làm từ những nguyên liệu như: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn… Tuy nhiên, nguyên liệu tạo nên sự khác biệt của bánh chưng đen đó chính là tro của rơm nếp. Đây cũng chính là nguyên liệu tạo cho bánh có màu đen bóng lạ mắt, khi ăn có mùi thơm và vị thanh mát.
Theo đó, phần tro của rơm nếp dùng để làm bánh thường được người dân chọn những cọng rơm nếp to, có thân, đem phơi khô rồi đốt thành tro. Sau đó, người làm bánh lọc qua nhiều lần bằng các lớp vải xô để lấy được phần tro mịn nhất rồi trộn với gạo nếp, tạo ra màu đen đặc biệt cho bánh.
Loại gạo để làm bánh chưng đen phải là gạo nếp cái hoa vàng, hạt to tròn, bóng mẩy. Sau khi chọn gạo nếp, người làm bánh sẽ ngâm gạo từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Tiếp đó, gạo được đem trộn với tro rơm. Để hai nguyên liệu hòa trộn vào nhau thì người làm bánh phải xoa thật đều để tro quyện chặt vào từng hạt nếp chắc mẩy. Sau đó, người làm tiếp tục dùng mẹt tre để sàng gạo, loại bỏ hết những phần tro không bám vào gạo. Việc này giúp làm sạch phần gạo trước khi dùng để gói và không làm bánh bị sượng khi chín.
Đối với phần nhân bánh vẫn sử dụng 2 nguyên liệu quen thuộc là đỗ xanh và thịt mỡ. Để phần nhân bánh có độ mềm, béo ngậy của thịt, người chế biến thường lựa chọn phần thịt vai, có tỉ lệ mỡ vừa phải. Còn đối với phần nhân đỗ xanh, sau khi được ngâm khoảng 4 tiếng đồng hồ và đem đồ chín, người làm xào đỗ xanh trên bếp lửa nhỏ và cho thêm các gia vị, đặc biệt là hạt tiêu để tăng hương vị cho bánh.
Sau khi hoàn thành các công đoạn sơ chế, người làm dùng lá dong để gói, mỗi chiếc bánh chưng dài khoảng 28 – 30 cm. Sau đó, bánh được ngâm qua nước lạnh rồi xếp vào nồi, đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 6 đến 7 tiếng đồng hồ thì bánh chín và thưởng thức.
Sản phẩm bánh chưng đen thành phẩm
Mặc dù được làm từ những nguyên liệu hết sức dân dã, bình dị nhưng để làm ra được chiếc bánh chưng đen phải mất rất nhiều thời gian, công sức và đòi hỏi sự khéo léo của người làm. Bánh khi chín có độ mềm, dẻo của gạo nếp, vị đậm đà của đỗ xanh, béo ngậy của thịt mỡ và vị thanh mát của tro nếp. Chính vì sự cầu kỳ trong quá trình làm bánh và hương vị thơm ngon khó cưỡng đã thu hút rất nhiều khách du lịch trải nghiệm, thưởng thức bánh chưng đen khi đến với xã Hữu Liên.
Chị Mai Thị Phượng, thị trấn Cẩm Thủy, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đầu tháng 8 vừa rồi, tôi có cơ hội cùng gia đình đến tham quan tại xã Hữu Liên và được thưởng thức bánh chưng đen. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một chiếc bánh chưng lạ mắt như vậy. Vì muốn tìm hiểu quy trình làm bánh, tôi và gia đình đã trực tiếp trải nghiệm làm bánh chưng đen và rất thích thú khi có thể tự tay làm ra những chiếc bánh độc đáo này.
Chị Hoàng Thị Thùy Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hữu Liên cho biết: Tạo ra được những trải nghiệm thú vị, thu hút khách hàng là thành công bước đầu của chị Lý Thị Huyền Trang khi thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình. Hiện nay, chị Trang liên kết với tất cả các Homestay trên địa bàn xã để tiêu thụ, thậm chí có nhiều khách hàng phải đặt bánh trước. Nhờ vào tính khả thi, đầu tháng 8/2023, ý tưởng kinh doanh và đưa bánh chưng đen thành sản phẩm du lịch trải nghiệm của chị Trang đã đạt giải Nhì tại hội thi “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” huyện Hữu Lũng năm 2023. Đặc biệt, ý tưởng của chị được gửi dự thi tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp tại gia” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức.
Bánh chưng đen là sản phẩm độc đáo, thể hiện sự sáng tạo và nét đặc trưng của ẩm thực vùng biên Xứ Lạng. Ý tưởng khởi nghiệp đưa bánh chưng đen thành một sản phẩm du lịch trải nghiệm không chỉ góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn xã mà còn tạo thêm điểm nhấn đặc sắc cho du lịch tại xã Hữu Liên nói riêng và du lịch Xứ Lạng nói chung.
Quy trình làm bánh chưng đen
Ý kiến ()