Đưa bài giảng lên môi trường mạng: Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo viên Trường Mầm non Liên cơ xây dựng nội dung bài giảng để đưa lên môi trường mạng
– Số hóa bài giảng, đưa lên mạng internet và chia sẻ nội dung với phụ huynh là cách làm mà giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã và đang triển khai. Với cách làm này, phụ huynh có thể nắm được bài học của con trên lớp, từ đó đồng hành với học sinh luyện tập, vui chơi.
Từ đầu năm học 2023 đến nay, mỗi khi đưa con đến lớp học tại Trường mầm non Liên cơ, chị Nguyễn Thị Hồng Song, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn đều không quên dùng điện thoại thông minh quét mã QR được dán trước cửa lớp học để cập nhật, theo dõi tình hình học tập, vui chơi của con mình diễn ra trên lớp. Chị tâm sự: Tôi thấy đây là cách làm rất hay để tôi cùng gia đình nắm được những nội dung mà con học trên lớp trong buổi học trước như các bài thơ, trò chơi, hoạt động trải nghiệm… Trên cơ sở nội dung mà con đã được học trên lớp về nhà tôi sẽ nhắc lại, mở rộng, gợi ý thêm để con không chỉ nhớ bài, thuộc bài mà còn có những gợi mở ý nghĩa. Nhờ đó, khoảng thời gian chơi cùng con ở nhà với cả tôi và con đều trở nên ý nghĩa hơn vì có nhiều nội dung, chủ đề để tương tác.
Thành phố Lạng Sơn là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai số hóa bài giảng của giáo viên ở cấp học mầm non và đưa lên môi trường mạng để chia sẻ với phụ huynh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Theo đó, tại các lớp học mầm non trên địa bàn thành phố, sẽ có từ 1 đến 2 mã QR với chủ đề khác nhau, bố trí ở cửa lớp để phụ huynh dễ dàng tra cứu. Sau khi quét, những mã QR sẽ dẫn vào những đoạn phim ngắn có nội dung mà học sinh đã học ở giờ học trước. Qua đó, giúp phụ huynh nắm được và cùng con ôn lại những nội dung đã học.
Theo chị Hoàng Thị Vân Anh, chuyên viên Mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lạng Sơn: Đưa bài giảng lên môi trường mạng là một trong những nội dung được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố triển khai từ đầu năm học 2023 – 2024 nhằm thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2022-2025”. Để thực hiện hiệu quả nội dung này, ở cấp học mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng nền tảng số, số hóa tài liệu; xây dựng và khai thác hiệu quả kho tài liệu, các video trực tuyến dùng chung cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cốt cán tại các nhà trường, đồng thời chỉ đạo các trường khẩn trương ứng dụng vào thực tiễn.
Triển khai việc đưa bài giảng lên môi trường số, giáo viên tại các trường mầm non đã chủ động nghiên cứu, học hỏi, sưu tầm những nội dung liên quan để xây dựng bài giảng rồi tiến hành ghi hình, xây dựng thành nhiều đoạn phim ngắn. Những đoạn phim ngắn có thể là hoạt động dạy bé làm đồ chơi, học bảng chữ cái, đọc thơ, giáo dục kỹ năng sống theo độ tuổi hoặc những thông tin cần thiết… mà trẻ học trong ngày, trong tuần. Mỗi phim có thời gian từ 2 đến 4 phút, bối cảnh là lớp học và các em học sinh trong lớp, nội dung thay đổi theo giáo trình của giáo viên. Những phim ngắn này do các cô giáo phụ trách lớp tự quay bằng điện thoại thông minh. Để làm phong phú thêm nội dung bài học, các cô còn chủ động sưu tầm những hình ảnh, hoạt họa, đồ họa… có nội dung liên quan đến bài học sau đó cắt, ghép nhằm làm tăng sự hấp dẫn, sinh động cho đoạn phim.
Cô Nguyễn Thị Nhung, Giáo viên Trường Mầm non Liên cơ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Để có một đoạn phim ngắn có độ dài từ 2 đến 4 phút chúng tôi phải nghiên cứu kỹ nội dung bài giảng, lên ý tưởng chuẩn bị nội dung, thiết kế cảnh quay, dàn dựng, lúc đầu mỗi phim sẽ phải mất gần một tuần để hoàn thành. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ dành 1 đến 2 buổi để quay các nội dung của cả tuần, sau đó dựng thành phim và tải lên hệ thống. Đến nay, việc quay dựng phim đã được thực hiện nhanh hơn. Khi đã có phim thì tiến hành khởi tạo mã QR và công khai rộng rãi để phụ huynh nắm được nội dung nhanh chóng.
Với hình thức này, các trường mầm non tại thành phố Lạng Sơn đã xây dựng và hoàn thành nhiều video hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà rất hữu ích, được nhiều phụ huynh đánh giá cao. Hiện toàn thành phố có 100% trường công lập, 50% trường, cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã thực hiện ứng dụng mã QR trong việc đưa bài giảng lên môi trường mạng và chia sẻ với phụ huynh học sinh. Việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực giáo dục mầm non góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giảng dạy, quản lý, tăng cường tương tác giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh, tạo ra môi trường học tập thú vị, đa dạng.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()