Đưa bác sĩ giỏi về cộng đồng
LSO-Sau 10 năm thực hiện, Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (Quyết định số 1816/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành đề án ngày 26/5/2008) đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở, mang niềm vui cho người bệnh.
![]() |
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo |
Năm 2011, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Lạng Sơn (nay là Bệnh viện Phổi Lạng Sơn) tiếp nhận kỹ thuật nội soi phế quản do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chi Lăng, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương trực tiếp về tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và “cầm tay chỉ việc” cho 3 cán bộ, y bác sĩ. Từ đó đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản cho hơn 500 bệnh nhân, phục vụ hữu ích cho chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về phế quản.
Đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, ông Ngô Quang Hợi (84 tuổi, ở thị trấn Hữu Lũng) cho biết: Tôi điều trị ở các bệnh viện tuyến trung ương 3 năm rồi. Giờ bệnh viện của tỉnh đã có đủ chuyên môn, máy móc để chữa bệnh cho tôi. Mỗi tháng vào viện điều trị vài ngày rồi về, không cần phải đi lại vất vả nữa. Tôi và con cháu thấy rất vui mừng, phấn khởi. Bệnh của tôi được điều trị đều đặn, sức khỏe tiến triển hơn rất nhiều.
Được biết, từ năm 2008 đến nay, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã tiếp nhận 13 kỹ thuật chuyển giao từ bệnh viện tuyến trên. Tiêu biểu phải kể đến như: kỹ thuật nội soi phế quản, sinh thiết màng phổi mù… Qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị tại bệnh viện, đem lại niềm vui, sự hài lòng cho người bệnh cũng như giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Không chỉ riêng Bệnh viện Phổi Lạng Sơn mà việc triển khai Đề án 1816 được áp dụng rộng rãi tại tất cả các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh, huyện đến các xã. Ngay sau khi Đề án được ban hành, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh và ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về thực hiện Đề án 1816 với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện và xã nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa…
Trên cơ sở đó, BCĐ thực hiện Đề án 1816 các cấp được kiện toàn với 100% bệnh viện thành lập BCĐ. Các bệnh viện tuyến tỉnh duy trì thường xuyên cán bộ đi luân phiên hỗ trợ chuyển giao các công nghệ kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới; chuẩn bị tốt về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị… đảm bảo tiếp nhận cán bộ chuyên môn từ tuyến trung ương, tỉnh, huyện về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật; tổ chức tốt việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật bệnh viện tuyến trên; tổ chức luân phiên cán bộ từ tỉnh về bệnh viện huyện, từ bệnh viện huyện về trạm y tế xã.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng BCĐ Đề án 1816 cấp tỉnh cho biết: Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hằng năm xây dựng kế hoạch chỉ đạo tuyến phù hợp với từng đơn vị. Trong 10 năm qua, các cơ sở y tế tuyến tỉnh đã luân phiên hỗ trợ tuyến huyện được 46 kỹ thuật; các cơ sở y tế tuyến huyện cử bác sĩ về khám chữa bệnh tại trạm y tế các xã và trực tiếp “cầm tay chỉ việc” chuyển giao được 155 kỹ thuật.
Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, 78 cán bộ, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao từ các bệnh viện trung ương (Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108, Bệnh viện Nội tiết…) đã tham gia đào tạo 33 lớp cho 1.046 học viên, chuyển giao được 104 kỹ thuật và trực tiếp phẫu thuật 315 ca, khám, điều trị cho 12.560 người tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế các huyện trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá về hiệu quả thực tế của Đề án 1816 tại Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, bác sĩ cao cấp, chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Khi được những người có trình độ chuyên môn cao từ tuyến trên về trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816, trình độ chuyên môn của y bác sĩ bệnh viện được nâng lên rất nhiều. Hiện nay, bệnh viện đang tiếp tục cử một kíp bác sĩ đi đào tạo, đồng thời tiến hành lắp ráp máy chụp cắt lớp CT. Khi máy móc hoàn thiện sẽ mời các chuyên gia của tuyến trên xuống trực tiếp chuyển giao kỹ thuật chụp cắt lớp cho bác sĩ tại bệnh viện về kỹ thuật chụp cắt lớp CT – một kỹ thuật cao, rất có giá trị trong chẩn đoán các bệnh lý về phổi.
Nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh tuyến huyện và tỉnh được nâng dần lên qua các năm. Hiện nay, một số dịch vụ kỹ thuật cao đã và đang được áp dụng thành công tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, giảm tải cho tuyến trên như: can thiệp mạch trong điều trị các khối u, phẫu thuật nội soi, chạy thận nhân tạo… Người dân tin tưởng khi khám và điều trị bệnh tại địa phương, thể hiện qua số lượng khám bệnh tại các cơ sở y tế ngày càng tăng. (Năm 2017, tuyến tỉnh, huyện khám cho gần 770.000 người, tăng hơn 275.480 lượt so với năm 2016; tuyến xã 685.149 lượt, tăng hơn 20.000 lượt so với năm 2016).
NGỌC HIẾU

Ý kiến ()