Đưa Bắc Ninh trở thành trụ cột vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Có diện tích nhỏ nhất nước, với xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp thuần túy, Bắc Ninh đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội nằm trong tốp đầu của cả nước.
Có được thành công này là bởi Bắc Ninh sớm xác định công nghiệp là động lực chính để phát triển kinh tế, từ đó chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo đòn bẩy thu hút đầu tư.
Đứng đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp
Năm 2021 là năm khó khăn đối với tỉnh Bắc Ninh khi trở thành một trong hai tỉnh đầu tiên bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Dịch Covid-19 đã “đánh” thẳng vào những khu công nghiệp quan trọng, với những nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thế nhưng, với nguyên tắc “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong việc tổ chức cho các doanh nghiệp làm việc “3 tại chỗ”. Nhờ đó, sản xuất ở Bắc Ninh nhanh chóng được nối lại. Khép lại năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, dẫn đầu cả nước về sản lượng sản xuất công nghiệp. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh đứng đầu cả nước. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 44,9 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tương đương với TP Hồ Chí Minh.
Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) rót mạnh nguồn vốn vào Bắc Ninh. Ảnh: LINH THANH |
Có thể thấy, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, có cơ sở hạ tầng khó khăn, hiện nay, diện mạo đô thị, nông thôn Bắc Ninh đã thay đổi rõ nét, với nhiều công trình kiến trúc hiện đại, nhiều điểm nhấn theo hướng sáng-xanh-sạch-đẹp. Chia sẻ về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Bắc Ninh, ông Ngô Văn Liên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết: Sau 190 năm thành lập và 25 năm tái lập, tỉnh Bắc Ninh đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng vùng Thủ đô và các tỉnh phía Bắc. Quy mô nền kinh tế Bắc Ninh đứng thứ 8 toàn quốc. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,9% so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước. Đáng chú ý, quy mô công nghiệp tăng nhanh đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Hiện, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung. Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút được 1.780 dự án với tổng số vốn đăng ký sau điều chỉnh 21,1 tỷ USD (gấp 151 lần năm 1997), đứng thứ 7 cả nước, với nhiều tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trên địa bàn tỉnh, như: Samsung, Canon, Pepsico…
Tạo hấp dẫn trong thu hút đầu tư
Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh hiện đại, là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; phấn đấu đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao thông minh. Theo ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là điều mong mỏi, nguyện vọng chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Song việc xây dựng và phát triển tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ đơn thuần là đáp ứng các tiêu chí theo quy định mà hướng tới mục tiêu nhân dân sẽ được thụ hưởng từ sự phát triển đó nhiều nhất và lớn nhất.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Bắc Ninh xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, 3 giải pháp đột phá mà tỉnh hướng đến là tiếp tục thực hiện chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy vai trò, vị thế và mở rộng kết nối cực tăng trưởng vùng; quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng với đó, tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng khoa học-công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Kinh Bắc, nâng cao chất lượng quản lý điều hành phù hợp với quá trình chuyển đổi số, quản trị điện tử, đô thị thông minh…
Có thể thấy, một trong những giải pháp đột phá, xuyên suốt của tỉnh Bắc Ninh là quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư nội địa, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Bắc Ninh luôn cam kết tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bắc Ninh xác định thu hút đầu tư theo chủ trương “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng”. Trong đó, “2 ít” là ít sử dụng đất với diện tích lớn, ít sử dụng nhiều lao động; “3 cao” chính là thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao để thu về ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao; về “4 sẵn sàng”, đó là sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư.
Ý kiến ()