Ðưa ánh sáng ấm no của Ðảng đến với đồng bào Rục
Thượng úy Phạm Xuân Ninh hướng dẫn đồng bào Rục dùng liềm thu hoạch lúa. Từ bản Mò o ồ ồ của đồng bào Rục xã Thượng Hóa (Minh Hóa), Quảng Bình, Thượng úy Phạm Xuân Ninh, Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cà Xèng (Quảng Bình) về Hà Nội dự Hội nghị tuyên dương thanh niên quân đội tiên tiến làm theo lời Bác. Anh vui vẻ báo tin, hai vụ lúa nước đầu tiên của bà con người Rục đã đạt kết quả bội thu với năng suất bốn tạ/ha. Đồng bào vui lắm, vì từ đây chấm dứt những ngày thiếu đói, phải chờ đợi sự trợ giúp lương thực của Chính phủ.Đồn Biên phòng Cà Xèng phụ trách địa bàn xã Thượng Hóa, có ba bản đồng bào Rục sinh sống là Ón, Yên Hợp và Mò o ồ ồ. Đây là số bà con được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng, năm 1959, phát hiện đang sống trong hang sâu, đã vận động về định canh, định cư tại xã. Từ đó đến nay, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và trợ giúp mọi...
Thượng úy Phạm Xuân Ninh hướng dẫn đồng bào Rục dùng liềm thu hoạch lúa. |
Đồn Biên phòng Cà Xèng phụ trách địa bàn xã Thượng Hóa, có ba bản đồng bào Rục sinh sống là Ón, Yên Hợp và Mò o ồ ồ. Đây là số bà con được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng, năm 1959, phát hiện đang sống trong hang sâu, đã vận động về định canh, định cư tại xã. Từ đó đến nay, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và trợ giúp mọi mặt, nhưng do thổ nhưỡng, khí hậu và thói quen canh tác lạc hậu cho nên đến lúc giáp hạt, dân bản lại thiếu đói. Năm 2008, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh bắt tay vào xây dựng dự án công trình thủy lợi Rục Làn, tại xã Thượng Hóa, với mục đích tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và gieo trồng cho bà con. Có nước về, năm 2010, Đồn Biên phòng Cà Xèng triển khai dự án giúp đồng bào Rục trồng cây lúa nước tại khu vực công trình thủy lợi Rục Làn. Đoàn Thanh niên chi đoàn thanh niên Đồn Biên phòng Cà Xèng xung phong nhận trách nhiệm triển khai, nhằm hưởng ứng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thượng úy Phạm Xuân Ninh, Bí thư chi đoàn xung phong đảm nhận khâu tổ chức dân bản và phụ trách phần kỹ thuật canh tác. Khi lãnh đạo đơn vị đồng ý, anh vừa vui mừng, vừa lo lắng. Vui vì cấp ủy đồn đã tin tưởng giao cho đoàn thanh niên nhưng lo vì đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Từ nhiều đời nay, đất Thượng Hóa vẫn có lời nguyền không thể trồng cây lúa nước. Nhiều chuyên gia nông nghiệp lên nghiên cứu đã bỏ về và cũng khẳng định như vậy. Nguyên nhân do khu vực này chủ yếu là núi đá vôi, nguồn nước hiếm, lại có độ can-xi cao, thời tiết quá khắc nghiệt. Nhiều đêm không ngủ, anh trở dậy tìm đọc sách trồng lúa nước, so sánh với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương để tìm các phương án khắc phục.
Thượng úy Phạm Xuân Ninh tâm sự. Trồng lúa nước trên đất núi đã khó nhưng trên núi đá vôi lại càng khó hơn. Để có hơn 10 ha ruộng, trước khi san ủi, các chiến sĩ biên phòng cùng bà con phải xúc hết lớp đất màu trên mặt, gom cất đi. Khi san ủi xong lại di chuyển hàng tấn đá, sỏi, sau mới rải đất màu lên. Có ruộng rồi, phải be bờ đưa nước vào ngâm, dùng phân xanh ủ ruộng, bón hóa chất để trung hòa độ can-xi trong nước. Nhớ lại ngày đầu gieo mạ vụ xuân, ngâm ủ thóc giống hai, ba lần không thấy nảy mầm, anh lo lắng vô cùng. Lại không ngủ, mở sách ra đọc, tìm hỏi các chuyên gia, cuối cùng anh đề xuất với đơn vị lùi thời vụ gieo cấy. Lần này lúa đã nảy mầm, thì ra thời tiết Minh Hóa mùa đông kéo dài hơn đồng bằng, nhiệt độ quá thấp khiến hạt thóc không nảy mầm. Khi cả 10 ha lúa đang lên xanh, bỗng một ngày lá cứ héo vàng. Các chiến sĩ và dân bản vô cùng lo lắng. Thượng úy Phạm Xuân Ninh cả ngày lẫn đêm không rời ruộng. Xem xét từng gốc lúa non, anh bỗng nhận ra rằng can-xi trong nước đã đóng váng, đọng xuống bùn, tạo thành bức ngăn không cho rễ cây hút chất dinh dưỡng trong nước. Lập tức anh cùng đồng đội tháo cạn nước trong ruộng. Thật kỳ lạ khi đất ruộng khô và nứt ra lại là lúc lúa xanh trở lại. Được chăm sóc và bón phân đúng liều lượng nên lúa lớn nhanh, nhưng lúc đang trổ bông đều tăm tắp thì lại gặp nạn chuột và côn trùng. Anh cùng đồng đội mắc màn ngủ ngay tại ruộng để bảo vệ. Bà con thương các anh, đưa cơm và nước uống đến tận ruộng động viên.
Trồng cây lúa đã vất vả vậy, nhưng Thượng úy Phạm Xuân Ninh và đồng đội còn gặp khó khăn hơn trong công tác tổ chức, hướng dẫn bà con cách làm. Từ trước đến nay, đồng bào Rục chỉ quen với việc đốt cây rừng làm rẫy, rồi chọc đất gieo hạt, sau đó là để mặc cho trời, chưa bao giờ quen với việc sản xuất theo kế hoạch. Anh cùng đồng đội suy nghĩ mãi và quyết định chọn hình thức hợp tác xã đưa áp dụng vào công tác quản lý sản xuất. Bà con người Rục ở ba bản được chia thành 11 đội sản xuất. Hằng ngày, cứ vào cuối buổi chiều, qua hệ thống loa phát thanh, anh thông báo kế hoạch lao động sản xuất, phân việc cụ thể cho từng người dân. Tối đến, anh đến từng nhà, giải đáp mọi thắc mắc và hướng dẫn bà con chuẩn bị dụng cụ lao động. Sáng hôm sau, trực tiếp đánh kẻng, tập trung mọi người ra đồng; kiên trì hướng dẫn bà con cách làm đất, làm bờ, làm phân xanh. Đến chiều, ghi sổ chấm công và lại thông báo công việc ngày mai. Mô hình hợp tác xã ở Thượng Hóa đã giúp bà con người Rục quen dần lối canh tác khoa học. Kết quả hai vụ lúa đông xuân và hè thu năm 2011, khu ruộng đạt gần 60 tấn lúa. Bác Cao Sâu Bằn, bản Ón tìm đến đồn biên phòng xúc động nói: “Tết năm nay là cái Tết ấm no, hạnh phúc nhất của đồng bào Rục ở Thượng Hóa”. Từ việc giúp dân làm lúa nước, tình cảm đồng bào Rục với các chiến sĩ biên phòng ngày càng gắn bó. Những lần Thượng úy Ninh cùng đồng đội đến vận động bà con thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bà con đều tin tưởng lắng nghe. Tin tức do bà con cung cấp đã giúp đồn biên phòng nhiều trong công tác bảo vệ an toàn chủ quyền biên giới quốc gia. Biết tin anh được về Hà Nội, bà con dân bản kéo đến cũng nhờ anh chuyển lời cảm ơn chân thành đến Đảng, Chính phủ.
Đánh giá về thành công của dự án trồng cây lúa nước ở Thượng Hóa, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính cho rằng, dự án đã mở ra một trang mới cho đồng bào dân tộc Rục, làm thay đổi tư duy từ chỗ chỉ trông chờ vào trợ cấp lương thực nay đã tự sản xuất, bảo đảm lương thực cho mình. Hiện Thượng úy Ninh và chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đang tiến hành thử nghiệm trồng cây cao-su trên đất Thượng Hóa. Nhiều người dân cũng băn khoăn vì cao-su vốn ở cao nguyên đất đỏ, khó sống được trên núi đá vôi. Nhưng các anh vẫn kiên trì học hỏi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp. Hiện 200 cây cao-su của các anh có nhiều tín hiệu phát triển tốt.
Còn với Thượng úy Phạm Xuân Ninh, đồng bào Rục ở Thượng Hóa trìu mến gọi anh là đứa con của bản. Trung tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Cà Xèng nhận xét, tinh thần trách nhiệm của Thượng úy Phạm Xuân Ninh rất cao. Anh đã hai lần lỡ chuyện gia đình vì công việc. Đó là năm 2009, trong khi đang chuẩn bị cưới vợ thì anh được đơn vị cử làm tổ trưởng tổ lúa nước trong đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đồng bào Bru-Vân Kiều ở bản Tân Ly, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Để dồn sức cho dự án, anh bàn với người yêu và quyết định lùi lại đám cưới một năm. Kết quả là lúa nước của bà con bản Tân Ly thắng lợi với năng suất gần bốn tạ/ha. Đầu xuân này, anh lại lỗi hẹn lần nữa. Vợ anh vừa gọi điện thông báo, bác sĩ chẩn đoán tháng ba này vợ anh sẽ sinh. Nhưng đây là thời điểm quan trọng chuẩn bị cho vụ lúa xuân hè năm 2012, trên cánh đồng Rục Làn, anh không thể vắng mặt. Lời hứa sẽ có mặt khi đứa con đầu lòng ra đời đành phải gác lại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()