Du xuân ở xứ đờn ca
Những ngày vừa bước sang năm mới 2025, tôi lần đầu đặt chân đến Bạc Liêu. Mảnh đất phương nam cách nơi tôi sống mấy nghìn cây số, nhưng đi đến đâu, gặp gỡ ai cũng thấy quá đỗi thân thương, như đã quen thuộc tự bao giờ.
Tỉnh Bạc Liêu được thiên nhiên ban tặng sản vật trù phú lẫn nét đẹp thơ mộng. Nơi đây còn là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử, gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bài “Dạ cổ hoài lang” (Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng) - bài ca độc đáo và nổi tiếng bậc nhất trong nghệ thuật cải lương Việt Nam. Hơn 100 năm qua, bản nhạc bất hủ này đã đặt nền móng cho sự phát triển của cổ nhạc Nam Bộ, và cho tới gần đây vẫn tiếp tục chinh phục hàng triệu trái tim khán giả đương đại khi xuất hiện trong những chương trình giải trí thời thượng...
ĐÊM BẠC LIÊU NGHE ĐIỆU HOÀI LANG
Khi mùa xuân chạm ngõ, dù còn cách Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vài tuần nhưng tại các chợ, quán xá của thành phố Bạc Liêu đã tấp nập từ sớm hơn tới khuya. Từ đường Trần Phú, một trong những con đường chính của thành phố, chúng tôi không cần dùng ứng dụng bản đồ hay hỏi đường khi muốn tìm đến tham quan Quảng trường Hùng Vương, chỉ cần đi theo mấy nhóm phụ nữ mặc áo dài thướt tha và cầm hoa rất đẹp, sẽ đến nơi.
Quảng trường Hùng Vương là điểm đến nổi bật ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc đặc sắc. Dịp Tết Dương lịch 2025, Quảng trường là nơi diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ của đông đảo người dân địa phương cũng như du khách. Giữa không gian thênh thang nắng ấm, cỏ cây hoa lá tốt tươi, ai ai cũng vui vẻ tạo dáng, lưu lại những bức ảnh đẹp với Cây đờn (đàn) kìm cách điệu, Nhà hát Cao Văn Lầu, hay khối tượng đoàn kết dân tộc.
Cụm công trình Cây đờn kìm cách điệu được năm cánh sen nâng đỡ chính là một biểu tượng tôn vinh đờn ca tài tử, nghệ thuật truyền thống đầy tự hào của tỉnh Bạc Liêu. Ngay cạnh đó, Nhà hát Cao Văn Lầu có thiết kế hình ba chiếc nón lá (còn gọi là Nhà hát “ba nón lá”) vươn mình kiêu hãnh dưới bầu trời xanh.
Đã đến Bạc Liêu, không thể bỏ qua Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, một điểm du lịch văn hóa nổi tiếng của thành phố Bạc Liêu. Khu di tích này ghi dấu cuộc đời, sự nghiệp của bác Sáu Lầu (tên gọi thân thương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu), đồng thời là nơi bảo tồn và trưng bày, giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.
Qua chuyến tham quan tìm hiểu các nhạc cụ cổ truyền dân tộc, ngắm nhìn hình ảnh các nghệ sĩ, nghệ nhân cải lương tiêu biểu… du khách sẽ hiểu tại sao đờn ca tài tử phổ biến sâu rộng khắp các tỉnh miền nam, đi vào đời sống tinh thần, tình cảm của người dân xứ này. Năm 2013, UNESCO đã vinh danh đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu Lê Hòa Hiệp là một cán bộ gắn bó lâu năm và giàu tâm huyết với bảo tồn di sản văn hóa, đã chia sẻ thêm về hoàn cảnh ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” huyền thoại. “Dạ cổ hoài lang” được nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác hơn 100 năm trước, trong quãng thời gian buộc phải sống xa người vợ hiền.
Đêm đêm, bác Sáu Lầu nhớ thương vợ, xót xa nỗi đời, đã ôm đàn gảy và ngân nga những ca từ nói lên tiếng lòng. Và ông tin rằng vợ ông ở nơi xa xôi với tấm lòng yêu thương chồng cũng nhớ mong ông như vậy, cho nên mới đặt tên khúc nhạc là “hoài lang”. Hơn 100 năm tồn tại, “Dạ cổ hoài lang” theo thời cuộc mà biến thiên, lột xác, song không suy giảm giá trị hay sức ảnh hưởng mà ngược lại, ngày càng thăng hoa, làm nên tên tuổi nhiều danh ca, soạn giả, nghệ sĩ.
Lấy một thí dụ điển hình, các nghệ sĩ, ca sĩ nhiều thế hệ trong chương trình biểu diễn “Anh trai vượt ngàn chông gai” của năm 2024 đã tái hiện, làm mới sân khấu cải lương cùng tuyệt tác vọng cổ “Dạ cổ hoài lang”, tạo nên một hiện tượng âm nhạc với hàng chục triệu lượt xem trực tuyến, góp phần khơi gợi làn sóng hâm mộ và tự hào về văn hóa cổ truyền của dân tộc cho giới trẻ…
Nghe ông Lê Hòa Hiệp cất tiếng ca “Dạ cổ hoài lang”, tôi cảm nhận được ca từ và giai điệu sâu lắng, da diết, chất chứa tình yêu và nỗi nhớ dành cho người thương, cho quê hương. Và tôi đã hiểu tại sao mình đến Bạc Liêu lần đầu mà như trở về chốn cũ, bởi từng nhiều lần nghe và yêu thích những sáng tác về mảnh đất duyên hải miền Tây Nam Bộ này, như “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” và “Trở lại Bạc Liêu” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, “Bạc Liêu hoài cổ” và “Hình bóng quê nhà” của nhạc sĩ Thanh Sơn...
ĐẬM SẮC MÀU DI SẢN
“Bạc Liêu nước chảy lờ dờ - Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”, câu ca dao phổ biến, ngợi ca vẻ đẹp và sự phong phú của thiên nhiên, ẩm thực, văn hóa, con người Bạc Liêu. Lời ca này đã xuất hiện trong bài hát “Bạc Liêu hoài cổ” nổi tiếng khắp ba miền.
Nếu “cá chốt” là một loại đặc sản thơm ngon của vùng sông nước, thì “Triều Châu” có ý nhắc đến nơi đây là xứ sở đa văn hóa, tạo nên bởi nhiều cộng đồng các dân tộc chung sống, trong đó chủ yếu là người Khmer, người Kinh và người Hoa (Triều Châu). Với người Hoa, người Kinh, Tết Nguyên đán là dịp quan trọng nhất trong năm.
Tháng Chạp mùa xuân, những khu dân cư người Hoa ở Phường 3 (thành phố Bạc Liêu) hoặc chợ Bạc Liêu được trang hoàng rực rỡ, bởi dãy đèn lồng đỏ, liễn xuân (tờ giấy đỏ có viết thơ hoặc câu đối) .
Tiếp tục hành trình khám phá Bạc Liêu, chúng tôi hướng về phía biển, đến xã Vĩnh Trạch Đông cách trung tâm thành phố khoảng hơn 10 km. Tuyến đường này được coi là “cung đường du lịch” của tỉnh Bạc Liêu bởi dẫn tới nhiều điểm du lịch đặc sắc như chùa Xiêm Cán, cánh đồng điện gió, vườn nhãn cổ Bạc Liêu, cây xoài di sản hơn 300 năm tuổi…
Với các du khách yêu thích tìm hiểu kiến trúc đền, chùa và truyền thống các dân tộc, thăm chùa Xiêm Cán chắc chắn là một trải nghiệm đẹp, khó quên.
Cuối thế kỷ 19, người dân đã xây dựng chùa Xiêm Cán. Với quy mô rộng lớn và nhiều tư liệu, nghi lễ tôn giáo của dân tộc Khmer, chùa là điểm đến tâm linh và văn hóa quan trọng của tỉnh Bạc Liêu nói riêng, miền Tây Nam Bộ nói chung. Quần thể kiến trúc chùa Xiêm Cán kết hợp những đặc trưng Phật giáo Nam tông và phong cách đền tháp Angkor (Campuchia), từ xa đã thấy màu vàng tươi hoành tráng, uy nghi và nổi bật bên hàng cây thốt nốt xanh um.
Chùa hiện lưu giữ, trưng bày hàng trăm bức tượng, hàng nghìn phù điêu và bích họa được chạm trổ công phu, tinh xảo, muôn màu. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của người Khmer như lễ Chol Chnam Thmay (Tết cổ truyền Khmer), lễ Đolta (lễ cúng ông bà), lễ Kathina (lễ dâng y).
Bà Trương Thị Sem (ngụ ấp Giồng Giữa A, xã Vĩnh Trạch Đông) cho biết, Tết Chol Chnam Thmay mới là lễ hội mừng năm mới của người Khmer, nhưng dịp này gia đình bà cùng hàng xóm, láng giềng cũng chung vui đón Tết Nguyên đán cùng các dân tộc anh em bằng cách trang trí nhà cửa, làm sạch ngõ xóm, gói bánh tét, bánh gừng, đi chùa lễ Phật cầu an...
Lần này chỉ kịp vãn cảnh ngôi chùa cổ, lòng tôi tự nhủ và chờ mong một dịp gần nhất sẽ quay lại để được nghe điệu nhạc ngũ âm hay ngắm các cô gái Khmer xinh tươi, uyển chuyển múa điệu Rom vong (còn gọi là múa Lâm thôn).
Bạc Liêu có đường bờ biển dài 56 km nhưng không nổi danh về bãi tắm, do đặc trưng là những bãi bồi đầy ắp phù sa, không có cát mà toàn bùn. Chúng tôi ấn tượng khi đứng trước cánh đồng điện gió sừng sững trên biển, đón những cơn gió lồng lộng mang theo hương vị mặn mòi của biển khơi.
Biển Bạc Liêu hiện nay chưa phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển như những vùng khác, nhưng những loại hình độc đáo như trải nghiệm cánh đồng điện gió hay du lịch sinh thái dưới tán rừng ngập mặn, tạo nên bản sắc riêng khó trùng lặp.
Du khách được chèo xuồng lướt nhẹ qua những bụi cây bần, đước ngát xanh, đi câu cá, bắt tôm với ngư dân rồi cùng trở về mấy mái nhà lá đơn sơ mà phóng khoáng giữa thiên nhiên để thưởng thức ẩm thực, nghe tài tử giai nhân ca câu vọng cổ ngọt ngào.
Và tất nhiên rồi, những vị khách nữ yêu cái đẹp sẽ có dịp mặc áo bà ba, đội nón lá, quấn khăn rằn như phụ nữ miền Tây “thứ thiệt”. Rất nhiều cửa hàng trong thành phố và mọi điểm du lịch ở Bạc Liêu đều có quầy bán, cho thuê những trang phục này.
Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã công nhận 11 điểm du lịch tiêu biểu của Bạc Liêu (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long), phần lớn trong đó là những điểm đến văn hóa-lịch sử liên quan đến kiến trúc, tâm linh, nghệ thuật, lễ hội… thể hiện sự phong phú và giao thoa văn hóa. Với nguồn tài nguyên dồi dào, với sự tiếp đón nhiệt tình và hào sảng của những người Bạc Liêu, vùng đất này hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Ý kiến ()