Du xuân nghe hát dân ca
LSO-Xuân về, du xuân trẩy hội trên quê hương Xứ Lạng, du khách sẽ có dịp hòa mình, trải nghiệm trong không gian các lễ hội, ngày hội truyền thống với những trò chơi, trò diễn, nghi lễ linh thiêng. Đặc biệt, du khách sẽ có dịp thưởng thức các làn điệu dân ca đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Bà con đồng bào các dân tộc về vui hội Lồng tồng xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn |
Trong tiết trời khô ráo, dịu mát, ngày 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu 2017, lễ hội Lồng tồng xã Quảng Lạc – lễ hội đầu tiên trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã diễn ra hết sức vui tươi, nhộn nhịp, thu hút đông đảo nhân dân, du khách gần xa về dự. Một trong những điều góp phần làm cho ngày hội thêm náo nức chính là sự góp mặt của những làn điệu dân ca như hát sli, lượn… của bà con đồng bào các dân tộc.
Ông Lâm Xuân Đào, ủy viên Ban kiểm tra Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc (DCCDT) tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát sli xã Tân Thành, huyện Cao Lộc cho biết: Trong các ngày hội xuân truyền thống có hoạt động hát dân ca giao lưu giữa những người về vui hội khiến cho không khí càng thêm náo nức hơn. Ngày hội của xã Quảng Lạc nhưng rất nhiều người yêu thích dân ca ở các địa bàn khác như huyện: Cao Lộc, Văn Quan… và đặc biệt có cả ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cũng về vui hội, giao lưu hát sli.
Được biết, mùa lễ hội xuân Đinh Dậu 2017 này, các thành viên của câu lạc bộ cũng như các hội viên của Hội Bảo tồn DCCDT tỉnh đã có kế hoạch tham gia hát dân ca giao lưu tại các ngày hội truyền thống trong tháng Giêng. Đây cũng là hoạt động văn hóa đã được duy trì thường xuyên trong những năm trở lại đây, nhất là kể từ khi Hội Bảo tồn DCCDT tỉnh Lạng Sơn được thành lập (năm 2010). Qua các hoạt động thiết thực của hội đã từng bước góp phần khôi phục và tạo nên phong trào yêu thích học, hát dân ca rộng khắp trong toàn tỉnh. Một biểu hiện rõ nét nhất của phong trào chính là các hoạt động hát dân ca giao lưu hết sức sôi nổi tại các lễ hội xuân hằng năm trên địa bàn.
Có thể thấy, hát dân ca đã trở thành hoạt động đặc trưng của nhiều ngày hội truyền thống như: lễ hội lồng tồng xã Quảng Lạc; làng Khòn Lèng (phường Tam Thanh), lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); lễ hội chùa Bắc Nga, ngày hội văn hóa xã Hải Yến (Cao Lộc); lễ hội hát sli xã Tân Thành (Hữu Lũng)… Và du khách nhớ đến các ngày hội truyền thống của Xứ Lạng không chỉ có những trò chơi, trò diễn vui tươi mà còn có các làn điệu dân ca rất ý nhị, thiết tha, sâu lắng. Anh Đặng Văn Hoàn, du khách đến từ tỉnh Bắc Giang vào lễ đình Pác Moòng, vui hội Lồng tồng xã Quảng Lạc cho biết: Ngoài những trò chơi vui hội như thi gói bánh chưng và các môn thể thao dân tộc, lễ hội có thêm hát dân ca đã góp phần tạo nên nét văn hóa rất riêng của hội. Ấn tượng nhất là rất nhiều người vui hội mặc trang phục áo chàm truyền thống, hát dân ca rất tự nhiên…
Anh Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn DCCDT tỉnh cho biết: Ngay từ những ngày trước Tết Nguyên đán, các hội viên của hội đã xây dựng các hoạt động giao lưu hát dân ca. Cụ thể là tham gia hát giao lưu dân ca trong chương trình Hội Hoa đào Xứ Lạng 2017 diễn ra tại khu vực Quảng trường đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn. Ngay sau Tết Nguyên đán, các hội viên của hội đã tích cực tham gia các lễ hội xuân tại các địa bàn cơ sở. Hội cũng đã có kế hoạch tham gia giao lưu dân ca tại các ngày hội xuân tiêu biểu trong tháng Giêng. Trong đó, lễ hội chùa Bắc Nga (Cao Lộc) diễn ra ngày 11/2/2017 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Dậu) được chọn là điểm nhấn…
Theo kế hoạch tổ chức các hoạt động chính trong Tuần Văn hóa – Du lịch Lạng Sơn năm 2017 diễn ra từ ngày 17 đến 23/2/2017, Hội Bảo tồn DCCDT tỉnh cùng các đơn vị liên quan sẽ tổ chức các chương trình giao lưu hát then, sli, lượn.
Quả thật, du xuân trẩy hội, khám phá những vùng văn hóa, được lắng nghe những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm trong các lễ hội xuân, chắc chắn mỗi người sẽ thấy hành trình du xuân của mình thêm ý nghĩa hơn.
HOÀNG THỊNH
Ý kiến ()