Dự thảo sửa đổi Nghị định 132: Doanh nghiệp kêu đúng nhưng chưa đủ
Doanh nghiệp cho rằng, những đề xuất sửa đổi Nghị định 132 đúng nhưng chưa đủ, chưa giải quyết được khó khăn liên quan đến bài toán tiếp cận và sử dụng vốn hiệu quả.
Ông Phạm Đức Toản, CEO Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), cho rằng, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay trung và dài hạn thông qua trái phiếu và vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào hình thức cấp tín dụng từ ngân hàng.
Nguyên nhân là sau thời gian tăng trưởng nóng, thị trường trái phiếu chịu sự kiểm soát của các quy định chặt chẽ hơn.
Trong khi đó, từ năm 2022 đến giữa năm 2023, mức lãi suất cho vay bình quân liên tục được giữ ở mức cao, dao động 8 - 10,7%. Từ đầu năm 2024 đến nay, tuy có giảm nhưng vẫn cao hơn lãi suất cho vay bình quân tại các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Úc, Anh, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch...phần lớn dao động ở mức 4 - 5%/năm.
Điều này khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp bị vượt mức khống chế 30%.
Trong bối cảnh trên, cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ một sự sửa đổi Nghị định 132 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để giải quyết bài toán khó khăn hiện tại: vừa giúp tiếp cận được nguồn vốn vay với chi phí hợp lý vừa không bị loại trừ quá nhiều các chi phí lãi vay thực sự phát sinh cho hoạt động sản xuất kinh doanh như cách tính mức khống chế lãi vay hiện tại của Nghị định 132.
Theo ông Toản, những nội dung của Dự thảo sửa đổi Nghị định 132 đã có những thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa đủ để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn, vượt qua khó khăn.
Góp ý cho dự thảo trên, đại diện Công ty CP đầu tư và khai thác kinh doanh Hà Nội phân tích, hiện tại, phần lớn người nộp thuế phát sinh giao dịch với nhiều bên liên kết. Việc giảm một bên liên kết là “ngân hàng thương mại” về cơ bản không giúp giảm nhiều thủ tục kê khai và lập hồ sơ theo quy định.
Ngoài ra, cách tính mức khống chế chi phí lãi vay vẫn không có gì thay đổi. Do đó, trong trường hợp người nộp thuế phát sinh giao dịch liên kết thì lãi vay phát sinh với bên liên kết và với bên độc lập (lãi vay phát sinh với ngân hàng thương mại thường chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn vay) vẫn đưa vào tính toán mức khống chế như quy định hiện hành.
Doanh nghiệp cần “thuốc đủ liều”
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả EBITDA (chỉ số phản ánh thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) rất thấp, thậm chí có nhiều trường hợp EBITDA âm. Do đó, phần lớn chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh “khó chồng khó”.
Đối với phần chi phí lãi vay vượt ngưỡng khống chế, Nghị định 132 cho phép chuyển tiếp phần chi phí lãi vay này sang 5 năm tiếp theo. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại, cùng với bức tranh hồi phục kinh tế chưa thực sự rõ ràng thì việc doanh nghiệp chỉ có 5 năm để xử lý số chi phí lãi vay vượt mức khống chế là một bài toán rất thách thức.
Đại diện doanh nghiệp cho rằng cần nâng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay từ 30% lên mức cao hơn, chẳng hạn 50% EBITDA để phù hợp với tình hình thực tế của các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính và có thêm cơ hội tái đầu tư.
Ngoài ra, chi phí lãi vay dùng tính mức khống chế là chi phí lãi vay phát sinh với các bên có quan hệ liên kết, không tính chi phí lãi vay với ngân hàng thương mại. Mục đích của quy định về giao dịch liên kết là nhằm quản lý việc tuân thủ nguyên tắc giá thị trường của các giao dịch liên kết. Do đó, các vấn đề liên quan đến lãi vay cũng nên đặt trong tinh thần chung của quy định này - chỉ điều chỉnh lãi vay giữa các bên liên kết.
Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng đã bỏ hình thức liên kết với ngân hàng thương mại theo điều kiện khoản vay, do đó, loại trừ khoản vay với ngân hàng thương mại trong công thức tính khống chế chi phí lãi vay là hợp lý.
Ngoài ra, cần kéo dài thời gian chuyển tiếp chi phí lãi vay. Cụ thể, gia hạn thời gian chuyển tiếp chi phí lãi vay vượt ngưỡng từ 5 năm lên 10 năm. Với thời gian dài hơn, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội phục hồi và tái cơ cấu tài chính, giúp các doanh nghiệp sử dụng tối đa lợi ích từ chi phí lãi vay được chuyển tiếp.
“Những giải pháp này không chỉ giúp giải quyết bài toán về chi phí lãi vay mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển và hồi phục của nền kinh tế”, đại diện một doanh nghiệp nêu quan điểm.
Nghị định 132/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Nghị định ban hành đầu tháng 11/2020 đã nâng mức khống chế từ 20% lên 30% lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi, tiền vay; đồng thời, cho chuyển tiếp chi phí lãi vay sang 5 năm tiếp theo và mở rộng đối tượng miễn áp dụng quy định khống chế.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh kinh tế khó khăn và mặt bằng lãi suất cao như hiện tại, quy định này hiện không còn phù hợp.
Ý kiến ()