Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.Nhận thức đúng đắn vai trò quan trọng của công tác y tế đối với sức khỏe, Điều 61 Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là "Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe. Nhà nước quy định chế độ viện phí, chế độ miễn, giảm viện phí. Công dân có nghĩa vụ thực hiện các quy định về vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh công cộng. Nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện và các chất ma túy khác. Nhà nước quy định chế độ bắt buộc cai nghiện và chữa các bệnh xã hội nguy hiểm".Để thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản này, Điều 39 Hiến...
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
Nhận thức đúng đắn vai trò quan trọng của công tác y tế đối với sức khỏe, Điều 61 Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là “Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe. Nhà nước quy định chế độ viện phí, chế độ miễn, giảm viện phí. Công dân có nghĩa vụ thực hiện các quy định về vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh công cộng. Nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện và các chất ma túy khác. Nhà nước quy định chế độ bắt buộc cai nghiện và chữa các bệnh xã hội nguy hiểm”.
Để thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản này, Điều 39 Hiến pháp năm 1992 đã quy định các điều kiện bảo đảm thực hiện là “Nhà nước đầu tư, phát triển và thống nhất quản lý sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân dân, huy động và tổ chức mọi lực lượng xã hội xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam theo hướng dự phòng; kết hợp phòng bệnh với chữa bệnh; phát triển và kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại; kết hợp phát triển y tế Nhà nước với y tế nhân dân; thực hiện bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe. Nhà nước ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi và dân tộc thiểu số. Nghiêm cấm tổ chức và tư nhân chữa bệnh, sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh trái phép gây tổn hại cho sức khỏe của nhân dân”. Đồng thời, Điều 40 Hiến pháp năm 1992 còn nhấn mạnh “Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em; thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình”.
Các chế định pháp luật trên đã phát huy trong thực tiễn, công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và ngày càng khẳng định việc đầu tư cho y tế là đầu tư cho sự phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Tuy nhiên, sau 20 năm thực hiện, các quy định trên đã không còn phù hợp với thực tiễn:
Điều 61 quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ sức khỏe còn hẹp, chưa đề cập đến quyền được chăm sóc, nâng cao sức khỏe; chỉ quy định nghĩa vụ về vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh công cộng mà chưa đề cập đến nghĩa vụ khám bệnh, chữa bệnh; chỉ đề cập đến chế độ miễn, giảm viện phí mà chưa tính tới yếu tố kinh tế khi thay đổi bảng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; các quy định về chế độ bắt buộc cai nghiện và chữa các bệnh xã hội nguy hiểm đã không còn phù hợp với quan niệm chữa bệnh cũng như quyền con người hiện nay.
Điều 39 quy định về nội dung hoạt động y tế còn hẹp, chưa đề cập đến các vấn đề như thống nhất mô hình hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe toàn diện đối với mọi người dân, vấn đề phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, vấn đề chăm sóc sức khỏe đối với các đối tượng chính sách xã hội như người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người không nơi nương tựa… Điều 40 mới chỉ có quy định là Nhà nước thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình mà chưa đề cập tổng thể các vấn đề của công tác dân số như chất lượng, cơ cấu và phân bố dân số.
Quan điểm của Đảng về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng đã thay đổi phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay và thể hiện xu hướng hội nhập quốc tế về y tế đã làm cho các chế định liên quan đến sức khỏe được quy định trong Hiến pháp năm 1992 cũng cần phải sửa đổi. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tiếp cận theo các phân tích trên. Cụ thể:
Điều 41 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 61): “1. Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe; bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh; 2. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng”.
Điều 62 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 40): “1. Nhà nước ban hành chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; huy động các nguồn lực để xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, hiệu quả; phát triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp đông y và tây y, phòng bệnh và chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác; 2. Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em; thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số”.
Việc sửa đổi trên đã cơ bản đáp ứng được sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Để hoàn thiện các điều trên, đề nghị sửa lại các khoản sau:
– Khoản 1, Điều 41:
“1. Công dân có quyền được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh”. Bổ sung cụm từ “chăm sóc và nâng cao sức khỏe” để thể hiện tính toàn diện của sức khỏe và bổ sung cụm từ “tiếp cận” để khẳng định việc sử dụng dịch vụ y tế không chưa đủ mà còn phải tăng khả năng đáp ứng, tính sẵn có của các dịch vụ y tế và người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ này.
– Khoản 1, Điều 62: “1. Nhà nước đầu tư, phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân; huy động các nguồn lực để xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển, trong đó y tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, phòng bệnh và chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác”. Bỏ cụm từ “ban hành chính sách” để khẳng định Nhà nước trực tiếp đầu tư, phát triển sự nghiệp y tế và bổ sung cụm từ “xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển, trong đó y tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền” để bảo đảm tính thống nhất với quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe trong tình hình mới là “Xây dựng nền y tế Việt Nam công bằng, hiệu quả và phát triển”, “Phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu”.
– Khoản 1, Điều 62: “2. Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, bà mẹ, trẻ em; thực hiện công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình để bảo đảm quy mô, cơ cấu dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số”. Bổ sung cụm từ “người khuyết tật” để thể hiện sự nhất quán trong chính sách xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta trong việc coi người cao tuổi và người khuyết tật đều là đối tượng đặc biệt cần được quan tâm. Đồng thời bổ sung cụm từ “công tác dân số” để bảo đảm sự logic về nội dung vì các vấn đề về quy mô, cơ cấu và chất lượng là các vấn đề thuộc nội hàm của công tác dân số chứ không phải thuộc công tác kế hoạch hóa gia đình.
Sửa đổi Hiến pháp – đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của đất nước là một vấn đề hệ trọng của đất nước, trong đó có vấn đề phát triển ngành y tế, cũng như bảo vệ quyền của công dân được chăm sóc sức khỏe nên cần được nghiên cứu, hoàn chỉnh thấu đáo trước khi ban hành.
Theo Nhandan
Ý kiến ()