Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và chính sách đối ngoại của Việt Nam
Ðường lối đối ngoại của Việt Nam qua các bản Hiến pháp trước đây Từ sau Cách mạng Tháng Tám lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cùng với từng bước phát triển của lịch sử đất nước, dân tộc ta đã bốn lần xây dựng và sửa đổi Hiến pháp vào các năm 1946, 1959, 1980 và 1992. Trong tất cả các bản Hiến pháp đó, những nguyên tắc cơ bản của đường lối đối ngoại của Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong từng giai đoạn đều được khẳng định một cách rõ ràng, nhất quán.
Ðường lối đối ngoại của Việt Nam qua các bản Hiến pháp trước đây Từ sau Cách mạng Tháng Tám lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cùng với từng bước phát triển của lịch sử đất nước, dân tộc ta đã bốn lần xây dựng và sửa đổi Hiến pháp vào các năm 1946, 1959, 1980 và 1992. Trong tất cả các bản Hiến pháp đó, những nguyên tắc cơ bản của đường lối đối ngoại của Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong từng giai đoạn đều được khẳng định một cách rõ ràng, nhất quán.
Bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I thông qua ngày 9-11-1946. Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định: Việt Nam là một quốc gia “độc lập và thống nhất”, ” tiến bước trên đường vinh quang, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại”. Ðây là nguyên tắc thể hiện đường lối đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa thoát khỏi ách thực dân, đang xây dựng và bảo vệ đất nước trong sự đe dọa của thù trong giặc ngoài. Tư tưởng xây dựng một nền hòa bình của nhân loại cũng được thể hiện như là một nguyên tắc tối cao của bản Hiến pháp này.
Sau năm 1954, đất nước ta bước vào giai đoạn mới với hai nhiệm vụ trọng đại vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, vừa tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Mục tiêu của giai đoạn cách mạng này đã được thể hiện rất rõ ràng trong bản Hiến pháp năm 1959: “Nhân dân ta nhất định xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc bảo vệ hòa bình ở Ðông Nam châu Á và thế giới”. Ðường lối đối ngoại hòa bình của đất nước ta một lần nữa được khẳng định, qua đó thể hiện lập trường chính nghĩa của Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng như khát vọng hòa bình của toàn dân tộc.
Hiến pháp năm 1980 ra đời sau đại thắng mùa xuân năm 1975, hai miền thống nhất, cả nước bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã kịp thời đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Lần đầu tiên, Hiến pháp Việt Nam có một điều riêng về đối ngoại. Ðiều 14, Hiến pháp năm 1980 quy định rõ ràng về đường lối đối ngoại giai đoạn mới: “tăng cường tình hữu nghị anh em, tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác về mọi mặt với Liên Xô, Lào, Cam-pu-chia và các nước xã hội chủ nghĩa khác”, “bảo vệ và phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, đoàn kết với nhân dân các nước”, “thực hiện chính sách cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau”. Với Ðiều 14 này, Việt Nam chính thức tuyên bố thực hiện chính sách tăng cường quan hệ với tất cả các nước có chế độ chính trị – xã hội khác nhau. Ðường lối đó đã được các nước ủng hộ. Số lượng các nước công nhận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Ðường lối đối ngoại đúng đắn đó đã tạo tiền đề cho chính sách đổi mới ra đời vào giữa những năm 80 của thế kỷ 20.
Với tinh thần đổi mới, năm 1991, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó xác định mục tiêu đối ngoại của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là “có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”. Tiếp đó, năm 1992, Quốc hội nước ta thông qua bản Hiến pháp của thời kỳ Ðổi mới, trong đó đã thể chế hóa đường lối đối ngoại của Ðảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định rõ đường lối ưu tiên và những nguyên tắc chủ đạo đối với việc thực thi chính sách đối ngoại của đất nước. Ðó là: “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi; tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và quan hệ hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng; tích cực ủng hộ và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Hiến pháp năm 1992 là tuyên ngôn mạnh mẽ, khẳng định tinh thần và quyết tâm đổi mới, đồng thời khẳng định chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước của Việt Nam. Các nguyên tắc chỉ đạo nói trên đã trở thành cơ sở vững chắc cho việc mở rộng quan hệ đối ngoại và phát triển vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Nguyên tắc đối ngoại trong giai đoạn cách mạng mới
Sau gần ba mươi năm thực hiện công cuộc Ðổi mới, hơn hai mươi năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Từ một nước bị bao vây cấm vận, ngày nay chúng ta đã có quan hệ với 180 quốc gia, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng. Môi trường hòa bình, ổn định được giữ vững; các nguồn lực quốc tế được tranh thủ hiệu quả phục vụ phát triển; vị thế đất nước không ngừng được nâng cao. Thế và lực của Việt Nam đã được nâng cao hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn ra những chuyển biến quan trọng, cơ hội phát triển mở ra rộng lớn; song, các nguy cơ đe dọa an ninh, phát triển và độc lập dân tộc cũng ngày càng phức tạp hơn. Nắm chắc xu thế đó, Ðại hội lần thứ XI (tháng 1-2011) của Ðảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ mới với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Về đối ngoại, Cương lĩnh năm 2011 đã nhấn mạnh một trong những bài học kinh nghiệm lớn là: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”. Cương lĩnh cũng đã vạch rõ phương hướng cơ bản cho đường lối đối ngoại từ nay đến giữa thế kỷ 21 là: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Trên cơ sở đó, Ðại hội XI đã đề ra đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ trương chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế sang hội nhập quốc tế toàn diện; đã nêu bật phương châm đối ngoại: “Là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” nhằm củng cố, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế đa phương; bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Những mục tiêu và đường lối đối ngoại mới đòi hỏi phải được thể chế hóa một cách khách quan trong bản Hiến pháp sửa đổi, nhằm khẳng định những nguyên tắc cơ bản cho giai đoạn cách mạng sắp tới.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã kế thừa được những tinh hoa của các Hiến pháp trước đó. Các giá trị trường tồn và bất biến trong tư duy đối ngoại của cha ông ta từ hàng nghìn năm qua là: “Hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi”, tiếp tục được khẳng định là nguyên tắc cốt lõi trong đường lối đối ngoại của nhà nước ta. Trong bối cảnh đất nước ta “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, việc đề cao các nguyên tắc này bảo đảm để Việt Nam hội nhập mà không hòa tan, đồng thời đóng góp vào việc duy trì và nêu cao những giá trị, nguyên tắc căn bản của nhân loại được ghi nhận trong Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cũng có bước phát triển mới, với một số nội dung liên quan đến đối ngoại, đáng chú ý là:
Thứ nhất, nội hàm “dân chủ” đã được đưa vào ngay Ðiều 1 của Dự thảo sửa đổi, khẳng định hình thái nhà nước là: “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm cả đất liền, hải đảo, vùng trời và vùng biển”. Ngay từ khi giành được độc lập, Việt Nam luôn phấn đấu trở thành nước dân chủ và thật sự đã là nước dân chủ. Nội hàm “dân chủ” đã được thể hiện trong những điều khác nhau qua các kỳ Hiến pháp. Riêng với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, việc bổ sung “dân chủ” Ðiều 1 ngay trước “độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…” không chỉ tiếp tục khẳng định quyết tâm vì hạnh phúc ấm no, dân cường, nước thịnh mà còn là thông điệp mạnh mẽ khẳng định với cộng đồng quốc tế chủ trương phát triển rất nhân bản của Việt Nam.
Thứ hai, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hóa được những phát triển mới quan trọng trong đường lối đối ngoại của Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, đặc biệt tại Ðiều 12.
Dự thảo đã gắn liền vấn đề độc lập với tự chủ: “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ,…”. Ðộc lập và tự chủ là hai mặt thống nhất nhưng không đồng nhất với nhau của chủ quyền quốc gia. Ðộc lập thể hiện mặt pháp lý của chủ quyền, tức là chủ quyền trên danh nghĩa. Tự chủ thể hiện năng lực thực hiện chủ quyền, tức là chủ quyền trên thực tế. Ðộc lập và tự chủ của đất nước ta là mục tiêu và thành quả đấu tranh gìn giữ và bảo vệ của các thế hệ cha ông. Tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định luôn là kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại của Việt Nam và được Nhà nước Việt Nam luôn luôn kế thừa, giữ gìn và bảo vệ. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng chỉ có độc lập và tự chủ, chúng ta mới kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, duy trì môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển thuận lợi cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thế giới bước vào thế kỷ 21 với tốc độ toàn cầu hóa nhanh chóng, sự ràng buộc và tác động qua lại giữa các quốc gia ngày càng tăng. Ðiều 12 khẳng định Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Nội dung này là một cam kết vững chắc với bạn bè thế giới về quyết tâm đóng góp một cách có trách nhiệm vào sự nghiệp chung của cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc này cùng với nguyên tắc độc lập, tự chủ thể hiện nhà nước Việt Nam sẽ không vì lợi ích dân tộc của mình mà thi hành chính sách dân tộc cực đoan, hẹp hòi. Nhà nước Việt Nam bảo đảm với thế giới về sự gắn bó giữa lợi ích quốc gia dân tộc Việt Nam với lợi ích chung của nhân loại thông qua việc bảo đảm Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, đây chính là một trong số các thành tố tạo nên hình ảnh đất nước Việt Nam trong sinh hoạt quốc tế kể từ khi “Ðổi mới”.
Chính vì vậy có thể khẳng định, nội dung: “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị xã hội, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” như được quy định tại Ðiều 12 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hóa được những phát triển mới quan trọng trong đường lối đối ngoại của Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI. Phát triển, bổ sung này tạo tiền đề căn bản cho tiến trình hội nhập quốc tế sâu hơn, rộng hơn của đất nước.
Thứ ba, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện rõ chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Ðảng và Nhà nước ta” trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là mũi nhọn. Ðiều 53 quy định “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…”. Thực tế đã cho thấy sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào cũng chịu sự chi phối và tác động từ sự phát triển chung của toàn cầu và ngược lại. Thành quả của 27 năm Ðổi mới tạo cho đất nước ta một thế và lực mới để bước sang giai đoạn “chủ động, tích cực hội nhập”. Việc thể chế hóa chủ trương này trong Hiến pháp là cơ sở để Việt Nam tiếp tục phát triển và khẳng định vị trí của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tóm lại, qua hơn 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 và bốn kỳ Ðại hội Ðảng, chúng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nhiều nhận thức mới mẻ về đất nước, dân tộc và về thời đại. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn mới thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, với trí tuệ của toàn thể nhân dân Việt Nam, bản Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ tạo nền tảng pháp lý cao nhất cho chặng đường phát triển tiếp theo của đất nước ta, trong đó có việc triển khai đường lối đối ngoại của một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Nhandan
Ý kiến ()